Thứ Tư | 20/03/2013 14:43

Hai kịch bản dự kiến cho Cộng hòa Síp

Nhà phân tích của SocGen nhận định có thể Síp sẽ buộc phải bán một số tài sản quốc gia hoặc phải rời eurozone nếu thỏa thuận cứu trợ đổ vỡ.
Hôm nay 20/3, quốc hội Síp đã chính thức bãi bỏ luật đánh thuế tiền gửi tiết kiệm mà chính phủ đã ký với các chủ nợ cuối tuần qua.

Do kế hoạch đánh thuế không được thông qua, các ngân hàng của đảo Síp vẫn phải đóng cửa dài hạn. Có thể nói, Cộng hòa Síp đang ở trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi một mặt họ phải thu về vài tỷ euro tiền thuế để tái cấp vốn cho các ngân hàng, mặt khác họ cũng buộc phải chứng minh với các đối tác châu Âu rằng họ đã thực hiện đủ mọi yêu cầu để nhận được cứu trợ khẩn cấp.

Vậy kịch bản nào có thể xảy đến với Síp trong những ngày tới? Nhà phân tích Anatoli Annenkov thuộc SocGen đã đưa ra 2 kịch bản có thể xảy đến với Síp.

Kịch bản thứ nhất, Síp bằng mọi giá phải thu về 5,8 tỷ euro như dự kiến. Có thể chính phủ Síp vẫn phải sử dụng biện pháp đánh thuế nặng tay với các khoản tiền trên 100.000 euro và đánh thuế thấp hơn đối với các khoản tiền gửi nhỏ hơn (hoặc thậm chí không đánh thuế).

Tuy nhiên, kế hoạch có nguy cơ bị phá sản do vấp phải sự phản ứng dữ dội từ người dân và quốc hội, chưa kể nó còn khiến Síp mất danh hiệu "trung tâm tài chính" của châu Âu.

Rất có thể, để tìm nguồn thay thế, chính phủ Síp sẽ buộc phải bán bớt một số tài sản quốc gia, như nguồn dự trữ khí đốt, các ngân hàng cho các chủ nợ khác, chẳng hạn như Nga.

Kịch bản thứ 2, các bộ trưởng tài chính eurozone (Eurogroup) sẽ chấp nhận cho Síp nâng mức nợ lên 120% GDP, tương tự như gói cứu trợ từng ký với Hy Lạp, đổi lại Síp sẽ phải chấp nhận một số điều khoản nặng nề hơn, như giám sát cơ cấu ngân hàng chặt chẽ hơn, hạ lãi suất tiền gửi thấp hơn.

Tùy thuộc vào cấu trúc của bản thỏa thuận cũng như lãi suất cho vay, số tiền mà Síp cần để cứu các ngân hàng có thể sẽ giảm từ 10 tỷ euro xuống 2,5 tỷ euro. Bên cạnh đó, Síp vẫn cần phải tự kiếm thêm 3,3 tỷ euro nữa và số tiền này có thể được huy động từ nguồn thuế đối với các khoản tiền gửi trên 100.000 euro trong các ngân hàng, từ người mua trái phiếu, các nhà đầu tư hoặc bán tài sản quốc gia.

Ngoài ra, nhà phân tích Annenkov còn đưa ra 3 kịch bản khác, song tỷ lệ xảy ra thấp hơn 2 kịch bản trên. 3 kịch bản này bao gồm thu hồi trái phiếu ngân hàng (cách làm này tuy không thu về được nhiều tiền song có thể giúp chính phủ Síp phần nào), thu hồi nợ quốc gia bằng cách giảm bớt số lượng các chủ nợ hoặc buộc phải rời eurozone và quay trở lại sử dụng đồng bảng Síp.

Kịch bản thứ 3 có thể sẽ được một số thành viên trong quốc hội Síp đề cập đến trong phiên họp tối nay, trong trường hợp thỏa thuận cứu trợ đổ vỡ, nhà phân tích Annenkov nhận định.

Nguồn Business Insider/Khampha


Sự kiện