Gói kích cầu của Đức cũng không cứu nổi châu Âu
Nhiều người lập luận rằng một sự đảo ngược trong thặng dư tài khoản vãng lai của Đức là điều kiện tiên quyết cho sự tăng trưởng bền vững khu vực eurozone. Tuy nhiên, nó cũng có hại có các triển vọng kinh tế cho toàn bộ khu vực đồng euro.
Đức là thành trì của liên minh tiền tệ châu Âu. Không chỉ là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức còn lèo lái con tàu châu Âu trong khủng hoảng tốt hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nếu không có sức mạnh của Berlin, cuộc thí nghiệm về loại tiền tệ duy nhất của châu Âu đã sụp đổ dưới sức nặng của những mâu thuẫn nội tại trong khối này.
Nhiều nhà hoạch định chính sách quốc tế cũng tin rằng Đức có thể cung cấp cho eurozone các nguồn lực để khắc phục những khó khăn của khu vực. Để giải quyết những khó khăn này đòi hỏi một sự bùng nổ về nhu cầu tiêu dùng ở Đức kết hợp với giảm dần thặng dư tài khoản vãng lai. Nếu điều đó không xảy ra, eurozone rất khó nhận được sự hỗ trợ đa phương từ quốc tế.
Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy. Thặng dư tài khoản vãng lai của Đức có thể giảm nếu nhu cầu nội địa đối với các sản phẩm và dịch vụ của nước này tăng nhanh hơn so với nhu cầu bên ngoài. Trong khi đó, điều này chỉ xảy ra khi Chính phủ Đức chi tiêu nhiều hơn, hoặc khi khu vực hộ gia đình hay các doanh nghiệp tiết kiệm ít hơn.
Cả hai tùy chọn trên chắc chắn sẽ rất tốn kém. Thâm hụt ngân sách của Đức khá nhỏ và dễ quản lý, chỉ ở mức 1% song nợ chính phủ lại ở mức cao, khoảng 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Với triển vọng tăng trưởng GDP chỉ 1%, bất cứ sáng kiến nào làm tăng mức độ nợ của nền kinh tế mạnh nhất châu Âu đều có thể làm nảy sinh những câu hỏi về độ bền vững của các khoản nợ của Đức nói riêng và của châu Âu nói chung.
Thậm chí ngay cả khi Đức thúc đẩy nhu cầu trong nước, không có gì đảm bảo các khoản chi tiêu bổ sung sẽ vươn tới được các nền kinh tế bên ngoài eurozone.
Trong trường hợp tốt nhất, sự mở rộng trong nhu cầu nội địa của Đức sẽ có tác động phần nào đó tới triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực ngoại vi eurozone. Ngược lại, trong trường hợp xấu nhất, nó sẽ làm nảy sinh nguy cơ các thị trường bắt đầu hoài nghi về độ ổn định trong nợ quốc gia của Đức nếu nhu cầu nội địa được kích thích bởi chi tiêu chính phủ hoặc giảm thuế.
Do đó, cần lưu ý rằng những chính sách kích thích kinh tế của Đức không làm giảm bớt sự cần thiết của việc các nền kinh tế đang gặp khó khăn phải có những điều chỉnh quyết liệt để tăng cường tính cạnh tranh.
Sẽ là tốt hơn nếu Đức và eurozone nên kết hợp với các nước có nền tài chính mạnh mẽ trong và ngoài châu Âu để tạo nên một quỹ cơ cấu mạnh mẽ dành cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Một kế hoạch giải cứu đa phương hiển nhiên sẽ rất tốn kém, và nhiều khả năng nó có thể bị phản đối. Tuy nhiên, cho đến khi sức đề kháng của eurozone được tăng cường, tính khả thi của kế hoạch xây dựng hệ thống tiền tệ duy nhất chắc chắn vẫn còn bị hoài nghi.
Nguồn WSJ/DVT