Thứ Ba | 09/10/2012 15:39

Gangnam Style - đòn bẩy mới cho kinh tế Hàn Quốc

Psy, rapper 34 tuổi với điệu nhảy Gangnam Style, đang trở thành một hiện tượng, đồng thời là đòn bẩy quảng bá thương hiệu quan trọng của Hàn Quốc.
Gangnam Style và rapper Psy - tên thật là Park Jae-sang, với điệu nhảy ngựa đơn giản và pha chút hài hước, đang trở thành video ca nhạc xuất khẩu thành công nhất và nổi tiếng nhất từ trước đến nay của Hàn Quốc. Video ca nhạc này hiện đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng tại Mỹ và Anh, đồng thời là một trong những video được xem nhiều nhất trên Youtube với hơn 406 triệu lượt.

Không chỉ thành công ở nước ngoài, "Hiện tượng Gangnam Style" còn nhận được sự chào đón nhiệt liệt của chính phủ Hàn Quốc và là con bài chiến lược của Seoul trong việc thúc đẩy vị thế văn hóa của đất nước trong con mắt thế giới.

Gangnam Style - Thành công mới nhất của chiến dịch quảng bá thương hiệu Hàn Quốc.
Gangnam Style - Thành công mới nhất của chiến dịch quảng bá thương hiệu Hàn Quốc.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2008, tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển "sức mạnh mềm" của đất nước thành một yếu tố làm lợi cho sức mạnh kinh tế. Ông Lee cũng tạo mội hội đồng thường trực chuyên trách về xây dựng thương hiệu quốc gia, trong đó tăng cường chi tiêu viện trợ nước ngoài, tổ chức các sự kiện - bao gồm cả Hội nghị G20 trong năm 2010 - để quảng bá cho đất nước và văn hóa Hàn Quốc.

Sự xuất thần bất ngờ của Psy và Gangnam Style hiển nhiên không phải là một phần trong kế hoạch xây dựng thương hiệu quốc gia, nhưng nó lại "vô cùng hữu ích và rất quan trọng", đại sứ ngoại giao Hàn Quốc, ông Ma Young-sam, cho biết.

Video của Psy là chiến thắng mới nhất trong loạt thành công của trào lưu Hallyu, hay còn gọi là "làn sóng Hàn Quốc", trên phương diện quốc tế. Trước Psy, Girl's Generation - với 9 thành viên nữ - cũng từng thành công trong việc thâm nhập thị trường New York và đem Hallyu đến với thị trường Mỹ. Ngoài ca nhạc, Hàn Quốc còn đạt được những thành công trên nhiều lĩnh vực khác như điện ảnh và văn học.

Theo ông Ma, việc hình ảnh Hàn Quốc được quảng bá với thế giới mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế cho đất nước. "Khi người nước ngoài chú ý nhiều hơn tới các ca sĩ, dần dần họ sẽ hình thành cảm tình với đất nước Hàn Quốc... và nếu họ yêu Hàn Quốc, họ sẽ mua sản phẩm của Hàn Quốc. Và đó là điều Hàn Quốc đang cố gắng để thúc đẩy", ông Ma giải thích.

Hallyu - làn sóng Hàn Quốc - đang trở thành vũ khí quan trọng trong chiến dịch quảng bá thương hiệu của Hàn Quốc.
Hallyu - làn sóng Hàn Quốc - đang trở thành vũ khí quan trọng trong chiến dịch quảng bá thương hiệu của Hàn Quốc.
Bản thân các nhà sản xuất lớn của Hàn Quốc cũng ủng hộ mạnh mẽ hoạt động của hội đồng thương hiệu quốc gia, và tỏ ra quan tâm sâu sắc tới mục tiêu mà hội đồng hướng tới.

Từ trước đến nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu được biết đến thông qua các sản phẩm bình thường như thép và tàu chở hàng, ngày nay họ bắt đầu tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực có thể giúp quảng bá tốt hơn hình ảnh hấp dẫn của đất nước, qua đó thu hút đầu tư và mở rộng thị trường.

Bằng cách phát triển kinh tế kết hợp quảng bá hình ảnh đất nước, Hàn Quốc giờ đây có nhiều doanh nghiệp không những đứng vững mà còn đủ khả năng đánh bại bất cứ "ông lớn" nào trên thị trường thế giới. Điển hình như Samsung - đối thủ số 1 của Apple trên thị trường điện thoại thông minh - với các sản phẩm đa dạng và doanh số vượt trội, hay như Hyundai - hãng ô tô đang chiếm được cảm tình của nhiều người tiêu dùng và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của những hãng xe sang như Audi hay BMW.

Có thể nói, lịch sử đầy biến động đã đem đến cho các hoạt động nghệ thuật của Hàn Quốc "một sức mạnh năng động chưa từng có", nhà văn Shin, tác giả tác phẩm “Please Look After Mother” nhận định. Giờ đây, Hàn Quốc đang tận dụng tối đa sức mạnh của làn sóng văn hóa phim ảnh hay trào lưu âm nhạc K-Pop để nâng cao tầm ảnh hưởng của mình ra toàn thế giới.

Nguồn FT/Khampha


Sự kiện