Thứ Năm | 25/07/2013 18:20

Em bé Hoàng gia sẽ là phao cứu sinh cho kinh tế Anh?

Con trai của Công nương Kate được kỳ vọng sẽ trở thành một cú huých mới cho nền kinh tế Anh, song nhiều nhà kinh tế không nghĩ vậy.
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu bán lẻ Anh khiến công chúng vô cùng phấn khởi khi đưa ra một tuyên bố em bé Hoàng gia, con trai của Hoàng tử William và Công nương Kate, chính là một cú huých với nền kinh tế ốm yếu của Anh.

Trung tâm này thậm chí còn công bố số liệu khá chi tiết, trong đó ước tính hoàng tử bé sẽ giúp thúc đẩy doanh số bán lẻ của Anh lên 243 triệu bảng (khoảng 373 triệu USD) trong thời gian 9 tuần, kể từ ngày 1/7 cho đến 31/8.

Để có được kết quả trên, trung tâm này tự hào tuyên bố đã tập hợp dữ liệu của ít nhất 20 phương tiện truyền thông, cùng "những nghiên cứu về ngành bán lẻ và dịch vụ Anh, châu Âu cũng như toàn thế giới của các chuyên gia danh tiếng". Theo đó, để ăn mừng sự ra đời của người kế vị mới, người dân Anh sẽ chi 87 triệu bảng cho các buổi lễ hội và tiệc tùng, 80 triệu bảng cho quà lưu niệm, 76 triệu bảng cho sách báo và DVD. Trung tâm còn trích dẫn tuyên bố của một số chuyên gia, trong đó ước tính: "3 triệu chai champagne và rượu vang sẽ được tiêu thụ hết để ăn mừng sự ra đời của em bé Hoàng gia Anh".

Với những lập luận và con số cụ thể trên, nhiều người không khỏi vui mừng và kỳ vọng về hồi sinh của kinh tế Anh. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế tỏ ra hoài nghi về điều này.

Em bé Hoàng gia Anh.

Đối với các nhà kinh tế học, để trả lời cho câu hỏi: Liệu hoàng tử bé có thực sự là phao cứu sinh cho kinh tế Anh hay không, nhất thiết phải xét đến 2 thứ đó là "dấu hiệu" và "quy mô".

Đối với "dấu hiệu", các nhà kinh tế học cố gắng xác định xem sự ra đời của nhà vua tương lai Vương quốc Anh có tác động tích cực hay tiêu cực tới nền kinh tế. Giáo sư Howard Archer - kinh tế trưởng tại IHS Global Insight - cho rằng không giống như đám cưới hoàng gia giữa Hoàng tử William và Công nương Kate năm 2011, hay lễ kỷ niệm kim cương của Nữ hoàng Elizabeth II năm 2012, sự ra đời của hoàng tử bé không hề mang lại bất cứ ảnh hưởng tiêu cực nào rõ rệt, thậm chí có thể coi là "vô cùng tích cực".

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế tranh luận rằng sự tích cực này chỉ gói gọn trong việc làm tăng doanh số cho một số sản phẩm nhất định như rượu, tỷ lệ cá cược, quà lưu niệm, các mặt hàng cho trẻ em và có thể là du lịch. Mặc dù vậy, những sự gia tăng này không đóng góp nhiều cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Anh.

Đơn cử một số ví dụ, nhiều người cho rằng doanh thu rượu vang và champagne sẽ tăng vọt sau sự ra đời của hoàng tử bé, song điều này chỉ đúng khi chúng là rượu sản xuất tại Anh. Có một sự thật là đa số rượu vang và Champagne ở Anh là nhập khẩu từ Pháp, do đó tăng doanh số rượu chỉ có lợi cho Pháp chứ không phải Anh. Điều tương tự cũng xảy ra với các loại sản phẩm khác như đồ dùng trẻ em hay quà lưu niệm. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng trong chi tiêu các loại mặt hàng này chỉ phần nào bù đắp cho sự sụt giảm chung trong tiêu dùng của Anh.

Về du lịch, hoàng tử bé ra đời là một sự kiện của Hoàng gia Anh, song nó chưa đủ để thu hút khách du lịch như Olympic London 2012 hay lễ đăng quang của tân vương nước Bỉ.

Từ những ví dụ này có thể kết luận, "hiệu ứng hoàng tử bé" chỉ làm lợi cho các sản phẩm nước ngoài thay vì các sản phẩm nội địa của Anh, trong khi hoạt động phân phối bán lẻ không được tăng cường còn chi phí nhập khẩu hàng hóa thì tăng lên. Không những thế, hiệu ứng còn phản tác dụng khi khiến chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ nội địa Anh tụt giảm.

Về khía cạnh quy mô, cứ cho rằng con số 243 triệu doanh thu bán lẻ tăng trong 3 tháng tới do Trung tâm nghiên cứu bán lẻ Anh ước tính là chính xác, dù rằng đa số các nhà kinh tế cho đó là điều "không tưởng" và "lố bịch", thì con số này chỉ bằng 0,3% tổng doanh số bán lẻ 3 tháng gần nhất của Anh (đạt 87 tỷ USD). Do lĩnh vực bán lẻ hiện đóng góp khoảng 7% GDP cho kinh tế Anh, sự gia tăng trong doanh số bán lẻ sau "sự kiện hoàng tử bé" chỉ giúp GDP Anh tăng thêm 0,02% trong quý tới.

Giả sử mọi chi tiêu đều đổ dồn vào các mặt hàng và dịch vụ của Anh, chứ không phải của nước ngoài, thì GDP Anh cũng chỉ tăng 0,06%. Rõ ràng quy mô đóng góp của sự kiện hoàng tử bé ra đời đối với kinh tế Anh là quá nhỏ.

Do đó, hoàng tử bé ra đời là một sự kiện vui mừng đối với Hoàng gia và người dân Anh, song nếu coi đó là phao cứu sinh cho nền kinh tế đang lâm vào suy thoái của Anh thì quả thực là điều không tưởng, ít nhất là trên lý thuyết.

Nguồn FT/Dân Việt


Sự kiện