Thứ Ba | 29/05/2012 06:52

Đức tìm cách chia sẻ gánh nặng nợ với châu Âu

Chính phủ Đức ghét ý tưởng hỗ trợ cho những nước chi tiêu quá đà tại Nam Âu, song ý tưởng chia sẻ gánh nặng nợ châu Âu lại đến từ Đức.
Đó là một điều khá mâu thuẫn nhưng lại là sự thật: Mới đây, Thủ tướng Angela Merkel đã yêu cầu các đảng đối lập tại Đức xem xét lại ý tưởng chia sẻ gánh nặng nợ tại các quốc gia châu Âu, được đưa ra từ cuối mùa đông năm ngoái.

Ý tưởng này xuất phát từ Hội đồng các chuyên gia kinh tế, trong đó kêu gọi triển khai Hiệp ước hoàn trả nợ châu Âu.

Theo kế hoạch này, khoản nợ của 17 quốc gia thuộc khu vực đồng euro (eurozone) sẽ được chia làm hai phần. Một phần sẽ chiếm 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên sổ sách của quốc gia nợ, phần này là không đổi. Phần nợ 60% GDP này sẽ được chuyển vào một quỹ được gọi là Quỹ hoàn trả nợ châu Âu.

17 quốc gia vẫn phải chịu trách nhiệm với khoản nợ được chuyển vào quỹ này. Họ sẽ có 20 đến 25 năm để thanh toán dứt điểm phần nợ này.

Tuy nhiên, về mặt pháp lý, 17 quốc gia sẽ cùng nhau chịu chung trách nhiệm với khoản nợ được chuyển vào trong quỹ. Đây là cách thức giúp các nước ít nợ như Đức hỗ trợ cho các nước nợ cao như Hy Lạp, giúp các chủ nợ cảm thấy an tâm hơn và làm giảm lãi suất các khoản nợ.

Để chắc chắn các nước sẽ thanh toán hết nợ trong Quỹ hoàn trả nợ châu Âu, một phần thuế của quốc gia đó sẽ được dùng để trả nợ. Các quốc gia này cũng phải cam kết cải cách nền tài chính quốc gia để giải phóng tiền trả nợ.

Các quốc gia nợ không được phép hạ nợ xuống thấp hơn 60% GDP. Nếu cố tình làm vậy, chương trình hỗ trợ nợ sẽ dừng lại. Ngoài ra, trách nhiệm của Đức và các quốc gia chủ nợ khác cũng bị giới hạn nghiêm ngặt với số tiền được chuyển vào trong quỹ hoàn trả nợ.

Kế hoạch này hoàn toàn khác với kế hoạch "trái phiếu chung" (eurobond) mà một số nước châu Âu đang thúc đẩy thực hiện. Eurobond sẽ khiến mọi nước trong eurozone đều liên đới chịu trách nhiệm với nợ. Bên cạnh đó, cũng không có giới hạn về quy mô các khoản vay thông qua trái phiếu eurobond.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là kế hoạch mang đậm phong cách Đức, song thật khó tưởng tượng làm cách nào để một quốc gia như Hy Lạp có thể ngay lập tức hoàn trả nợ trong Quỹ hoàn trả nợ châu Âu trong khi vẫn phải giữ các khoản nợ của minh ở mức 60% GDP.

Tuy nhiên, đó cũng là một giải pháp khả thi, có thể tạo nên một nguyên tắc về liên đới trách nhiệm trong eurozone, qua đó mở ra một viễn cảnh khả quan hơn cho châu Âu.

Nguồn Businessweek/DVT


Sự kiện