Trang sức sang trọng được trưng bày trong cửa hàng Bulgari ở Moscow. Ảnh: Bloomberg.
Đồng Rúp rớt giá thảm, giới nhà giàu đổ vào trang sức và đồ hiệu để "giữ của"
Vì các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, đồng Rúp đã lao dốc và thị trường chứng khoán thì đóng cửa, những người giàu có của nước này đang chuyển hướng sang đồ trang sức và đồng hồ xa xỉ trong nỗ lực bảo toàn khoản tiết kiệm của họ.
Doanh số bán hàng của các cửa hàng Bulgari tại Nga đã tăng trong vài ngày qua sau khi cả thế giới “quay lưng” với Nga và dòng tiền tại đây bị hạn chế, Giám đốc điều hành công ty kim hoàn Ý này cho biết,
Ông Jean-Christophe Babin, CEO của Bulgari cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg: “Trong ngắn hạn, hoạt động kinh doanh đã được thúc đẩy và trang sức của Bulgari được xem là khoản đầu tư an toàn.”
Khó có thể nói được xu hướng này sẽ duy trì bao lâu, bởi những biện pháp SWIFT được áp đặt lên Nga sẽ khiến việc xuất nhập khẩu trở nên khó khăn hơn.
Ngay cả như các thương hiệu tiêu dùng từ Apple đến Nike và các công ty năng lượng khổng lồ BP, Shell và Exxon MobilCorp đã rút khỏi Nga, cho đến nay, chỉ có các thương hiệu xa xỉ lớn nhất châu Âu là vẫn đang cố gắng tiếp tục hoạt động tại nước này.
Bulgari, thuộc sở hữu của tập đoàn quốc tế LVMH, không phải là doanh nghiệp đơn độc. Hãng Cartier, chuyên cung cấp trang sức và đồng hồ, thuộc công ty cổ phần hàng xa xỉ Richemont, hãng Omega của tập đoàn Swatch hiện vẫn hoạt động bình thường, Rolex cũng vậy. Tất cả đều đang tiến hành kinh doanh và cố gắng đạt được lập trường phi chính trị.
Ông Babin nói: “Chúng tôi ở đây là vì người dân Nga chứ không phải vì thế giới chính trị. Chúng tôi cũng từng kinh doanh ở nhiều quốc gia khác nhau trong thời kỳ bất ổn định và căng thẳng dâng cao.”
Ông Jean-Christophe Babin tại văn phòng ở Rome. Ảnh: Alessia Pierdomenico / Bloomberg. |
Giống như vàng, có thể đóng vai trò là vật bảo toàn giá trị kiêm hàng rào chống lạm phát, đồng hồ và đồ trang sức sang trọng có thể giữ hoặc thậm chí tăng giá trong bối cảnh kinh tế hỗn loạn do chiến tranh và xung đột.
Trên thị trường thứ cấp, khi một chiếc đồng hồ phổ biến được sang tay, giá trị của nó có thể cao gấp 3, gấp bốn giá bán lẻ ban đầu. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc tấn công lên giá trị hàng xa xỉ đang tạo ra một số vấn đề về quan hệ công chúng.
Theo nhà phân tích Luca Solca của Bernstein, “Đúng là các thương hiệu xa xỉ có thể quyết định ngừng buôn bán tại thị trường Nga. Nhưng về mặt lý thuyết thì, hình ảnh truyền thông tích cực mà họ đã và đang xây dựng tại các thị trường khác có thể bị ảnh hưởng, đây sẽ là cái giá mà họ phải trả. ”
Theo một báo cáo tuần này của Edouard Aubin và các nhà phân tích tại MorganStanley, doanh số từ Nga và các tài khoản Nga ở nước ngoài chiếm ít hơn 2% tổng doanh thu tại LVMH và tập đoàn Swatch, tại Richemont thì ít hơn 3%. Một con số khá là lu mờ.
Một phần là do sự chênh lệch thu nhập và sự giàu có của người Nga, số ít tỉ phú tài phiệt có lối sống khác xa người dân thường. Mức lương trung bình hàng tháng ở Moscow là khoảng 113.000 rúp (1.350 USD theo tỷ giá hối đoái trước chiến tranh), và thấp hơn nhiều ở các vùng nông thôn.
Người phát ngôn của Swatch Group cho biết công ty đang theo dõi tình hình Nga-Ukraine rất chặt chẽ và từ chối bình luận thêm. Người phát ngôn của Richemont, Rolex, Hermes, LVMH và Kering cũng từ chối bình luận.
Áp lực lên các thương hiệu lớn ngày càng tăng. Ấn phẩm thương mại Business of Fashion, được LVMH hậu thuẫn, đã kêu gọi các nhà bán lẻ đóng cửa tại Nga và ngưng cả việc bán hàng trực tuyến. Trong một bài xã luận được chia sẻ rộng rãi, Tổng biên tập Imran Amed cho biết động thái này phần lớn mang tính biểu tượng nhưng nó thể hiện cam kết đối với một quan điểm đạo đức vững vàng.
Nhưng cho đến nay vẫn có ít phản hồi. Balenciaga, một thương hiệu thời trang cao cấp của Tây Ban Nha, đã loại bỏ tất cả nội dung thời trang khỏi trang Instagram của mình vài ngày trước buổi trình diễn thu đông ở Paris. Thay vào đó là lá cờ Ukraine và lời kêu gọi quyên góp cho Chương trình Lương thực Thế giới.
Bulgari, được thành lập vào năm 1884 bởi ông Sotirio Bulgari và được LVMH mua lại vào năm 2011, có thể sẽ tăng giá ở Nga vào một thời điểm sắp tới.
CEO của công ty cho hay: “Nếu đồng rúp mất một nửa giá trị, chi phí của chúng tôi vẫn là giá đồng euro, chúng tôi không thể bán đồ mà tiền thì vẫn mất đi, vì vậy sẽ phải điều chỉnh giá cả.”
Tiền tệ của Nga đã giảm mạnh so với đồng USD. Ảnh: Bloomberg. |
Dù cho việc tăng doanh thu kéo dài, các nhà sản xuất đồng hồ và đồ trang sức sang trọng có thể sớm gặp khó khăn trong việc tái cung cấp cho các cửa hàng. Nga đã đóng cửa không phận của mình đối với các nước thuộc Liên minh châu Âu và các công ty hậu cần lớn nhất của lục địa này đã tạm dừng các chuyến hàng đến Nga.
Bulgari dự định vẫn mở cửa kinh doanh như bình thường và sắp phát triển một khách sạn mới tại Moscow, bất chấp chiến tranh. Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng kéo dài trong nhiều tháng sẽ rất khó để cung cấp thêm hàng hóa và dịch vụ cho người Nga.
Có thể bạn quan tâm:
Lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu bốc cháy vì pháo kích
Nguồn Bloomberg