Thứ Bảy | 26/01/2013 11:03

Đồng euro tăng giá đe dọa phục hồi kinh tế châu Âu

Ngày 25/1, đồng euro đã lên mức cao kỷ lục trong 11 tháng qua, với một euro đổi được 1,3479 USD.
Euro tăng giá sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo gần 300 ngân hàng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ sớm được vay trở lại khoản tín dụng khẩn cấp trị giá 137,16 tỷ euro.

Thông tin từ ECB càng củng cố lòng tin rằng cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đã qua giai đoạn tồi tệ nhất.

Trong sáu tháng vừa qua, đồng euro đã tăng giá 10% so với đơn vị tiền tệ của Mỹ và tăng 25% so với đồng yên Nhật Bản. Tuy nhiên, theo báo Pháp Le Monde (Thế giới), việc đồng euro tăng giá chưa hẳn là dấu hiệu lạc quan, thậm chí, điều này còn có thể đe dọa đến đà phục hồi kinh tế của châu Âu.

Trên thực tế, đồng euro đã mạnh lên đáng kể vào cuối năm qua, sau khi Eurozone nhất trí giải ngân khoản cho vay cứu trợ tổng cộng 49,1 tỷ euro, giúp Hy Lạp tránh nguy cơ vỡ nợ và phải rời khỏi khối. Đến đầu năm nay, người ta không còn lo ngại khối sử dụng đồng tiền chung bị tan rã, mà điều đang khiến nhiều người băn khoăn chính lại là hiện tượng đơn vị tiền tệ chung châu Âu tăng giá so với đồng USD.

Trong bài: “Thoát hiểm, đồng euro liệu có cao giá quá hay không?,” báo Le Monde khẳng định vào lúc mà châu Âu chưa thoát khỏi khủng hoảng, ngành công nghiệp tại "lục địa già" lại đang đi xuống và châu Âu mất dần khả năng cạnh tranh, đây là một tin xấu đối với các nhà xuất khẩu cũng như đối với các chính phủ.

Đồng euro tăng giá đe dọa khu vực xuất khẩu của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, hai mắt xích yếu kém trong dây chuyền châu Âu. Trong một chừng mực nào đó, xuất khẩu của Pháp và kể cả của Đức cũng không thể “bình an vô sự.”

Về nguyên nhân khiến đồng euro tăng giá, Le Monde nêu ra hai yếu tố chính. Một là do Chủ tịch ECB Mario Draghi, cuối năm 2012 đã cam kết “làm tất cả để thu hút đầu tư,” tức là duy trì lãi suất chỉ đạo ở mức đủ “hấp dẫn,” tránh để tư bản quốc tế ồ ạt rút lui khỏi châu Âu. Lý do thứ hai là vào lúc các ngân hàng trung ương của Mỹ, Nhật Bản hay Thụy Sĩ “bơm tiền” để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ECB lại chọn khoanh tay đứng ngoài "vòng chiến tranh tiền tệ.”

Theo Le Monde, tính toán này không hẳn là sai, vì trên nguyên tắc, phá giá đồng tiền luôn là một con dao hai lưỡi và trước mắt, đồng euro cũng chưa tăng giá đến mức đáng báo động, hay đạt kỷ lục của năm 2008, khi một euro tương đương với 1,6 USD. Vì vậy, sẽ cần thêm từ 3-6 tháng nữa mới biết chính sách tiền tệ của ECB có thực sự đe dọa đà phục hồi kinh tế của Eurozone hay không.

Về lý thuyết, các nhà phân tích cho rằng đồng euro đã "thoát hiểm" và tiếp tục tồn tại trong năm 2012 đầy biến động, nhưng nhiều thử thách vẫn ở phía trước và đồng tiền chung châu Âu có thể đối mặt với năm nay khó khăn nếu kinh tế khu vực này vẫn suy giảm.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện