Doanh thu bán lẻ cuối năm ở Mỹ thấp nhất từ 2008
Năm 2008, khi nước Mỹ rơi vào suy thoái do khủng hoảng tài chính, doanh thu bán hàng trong dịp này đã giảm từ 2 đến 4%.
Ngược lại, năm 2011, khảo sát của một hãng điều tra thị trường độc lập ShopperTrak cho biết doanh thu bán lẻ 2 tháng cuối năm tăng 4-5%, mức tăng được xem là dấu hiệu của một mùa buôn bán phát đạt.
Có một chuỗi các sự kiện ảnh hưởng đến tinh thần mua sắm của người dân Mỹ năm nay. Trước hết là hậu quả do siêu bão Sandy để lại hồi cuối tháng 10 vừa qua tại các bang ở bờ biển Tây Bắc nước Mỹ, nơi chiếm tới 24% sức mua sắm của cả nước.
Nhiều người dân Mỹ đã phải tiêu toàn bộ số tiền mà họ dự kiến dùng để mua sắm trong dịp lễ Giáng sinh, nhằm phục hồi những thiệt hại của thiên tai.
Bên cạnh đó, sự bế tắc giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa trong việc tìm ra giải pháp cho ngân sách năm 2013 nhằm giúp nước này tránh khỏi "vách đá tài chính", trong bối cảnh hạn chót sắp đến gần, cũng làm dấy lên những lo ngại trong công chúng.
Theo báo cáo về chỉ số niềm tin tại quốc gia Bắc Mỹ này, từ tháng 7 đến tháng 12, lòng tin của dân chúng đã rớt xuống điểm thấp nhất vì những quan ngại về tình hình kinh tế nước này. Bất chấp những món hàng giảm giá hấp dẫn, nhiều người còn cắt giảm chi tiêu một cách rõ rệt so với năm ngoái.
Vụ thảm sát tại một trường tiểu học ở bang Connecticut ngày 14/12 vừa qua khiến 26 người thiệt mạng trong đó có 20 trẻ em, cũng là yếu tố khiến không khí mua sắm trở nên lạnh lẽo hơn.
Doanh thu kì nghỉ cuối năm là một tiêu chí quan trọng để đánh giá tình trạng của nền kinh tế. Thậm chí đối với nhiều nhà bán lẻ doanh thu của tháng 11 và 12 chiếm tới 40% doanh thu bán hàng hàng năm.
Nếu tình hình buôn bán không tốt, các cửa hàng buộc phải đưa ra các chiêu giảm giá theo cấp độ. Điều đó là lợi ích cho người mua nhưng lại cắt giảm chính lợi nhuận của cửa hàng.
Doanh thu yếu ớt của mùa này có thể mang lại hậu quả cho năm 2013 khi mà các nhà bán lẻ gọi ít hàng bổ sung hơn và các đợt giảm giá làm ảnh hưởng lợi nhuận của họ. Do các nhà bán buôn mua ít hàng hơn, đơn đặt hàng cho các nhà sản xuất hàng tiêu dùng sẽ giảm trong những tháng kế tiếp.
Các chuyên gia nhận định nếu người dân Mỹ tiếp tục hạn chế mua sắm, tăng trưởng kinh tế có thể "vấp ngã" trong năm tới.
Nguồn Vietnam+