Thứ Bảy | 23/06/2012 09:50

Doanh nhân 33 tuổi muốn quyên tiền cứu Hy Lạp

Tháng trước, 1 cựu sinh viên Đại học Princeton mở 1 tổ chức phi lợi nhuận sử dụng tiền quyên góp được để mua nợ Chính phủ Hy Lạp với giá rẻ.
Trong khi, nhiều người dân ồ ạt rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng của Hy Lạp giữa lúc nước này khó khăn về tài chính, thì một số doanh nhân vẫn nỗ lực cứu giúp.

Trong đó phải kể đến Peter Nomikos, một doanh nhân 33 tuổi, người đã bắt đầu chiến dịch quyên góp tiền từ các doanh nhân và người dân Hy Lạp sau đó thông qua một tổ chức phi lợi nhuận mà ông đã lập tại Mỹ để mua trái phiếu Chính phủ Hy Lạp giá rẻ trên thị trường mở.

Hiện doanh nhân này đã quyên góp được 273.000 euro mua trái phiếu Hy Lạp với giá cực thấp, cụ thể, ông chỉ mất 15 cent để mua 1 euro trên mệnh giá trái phiếu.

Kế hoạch này nhằm giảm bớt gánh nặng nợ nần cho Hy Lạp khi mà nợ công của nước này đã lên tới 350 tỷ euro hay 165% GDP.

Ngoài ra, Nomikos cũng xây dựng một nhà máy bia nhỏ ở đảo Santorini với hy vọng có thể tạo thêm công ăn việc làm cho người dân Hy Lạp khi tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp vẫn trên 20%. Ông cũng dự kiến đóng góp 50% lợi nhuận cho tổ chức quyên tiền nói trên.

Ông Nomikos cũng sử dụng các sản phẩm địa phương tiêu dùng hàng ngày như bia và yogurt để vận động người dân quyên góp tiền giúp giảm gánh nặng nợ quốc gia. Gia đình của ông cũng nổi tiếng với các hoạt động làm từ thiện như xây sửa lại trường học, bệnh viện ở Santorini sau trận động đất cuối thế kỷ trước.

Tuy kế hoạch cứu Hy Lạp của ông Nomikos có thể quá xa vởi, nhưng cho thấy nó có thể giúp Hy Lạp tránh rơi vào sự hỗn loạn tài chính.

Giống như cuối những năm 1990, khi khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra, hàng chục nghìn người Hàn Quốc đã đổ xô đến ngân hàng tình nguyện đóng góp vàng với hy vọng giúp đất nước khôi phụ kho dự trữ của ngân hàng trung ương và trả nợ 57 tỷ USD cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Tại Indonesia, năm 1988, chiến dịch mang tên “Tôi yêu rupiah” cũng được xướng lên, khuyến khích hàng trăm người bản địa đổi hàng triệu USD lấy nội tệ. Điều này giúp khôi phục niềm tin quốc gia mặc dù không có tác dụng nhiều cho nền kinh tế.

Nguồn WSJ, NYTimes/DVT


Sự kiện