Doanh nghiệp ngoại tan giấc mộng Trung Quốc
Các quan chức Trung Quốc khẳng định, điều này chỉ đơn giản cho thấy nỗ lực lớn hơn của chính phủ nhằm đối phó với các hoạt động sai trái trong khi đó, một số lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài phàn nàn rằng doanh nghiệp của họ đang phải đối mặt với sự “kỳ thị” dưới chính quyền mới của Trung Quốc.
Những lo ngại này càng có thêm căn cứ hơn khi tuần này Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc phạt 110 triệu USD với 6 hãng sản xuất sữa trẻ em với cáo buộc thao túng giá. 5 trong số này là các hãng sữa nổi tiếng trên thế giới như Mead Johnson của Mỹ, Fonterra của New Zealand. Vụ việc xảy ra chỉ vài tuần sau khi hãng dược phẩm hàng đầu thế giới GSK của Anh cũng bị điều tra bê bối hối lộ.
Trong khi đó không ít nhà đầu tư phải tìm cách đối phó với chiến dịch “bôi xấu” của truyền thông quốc gia Trung Quốc như vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng kém. Giám đốc điều hành Apple, Tim Cook, đã phải đưa ra lời xin lỗi sau khi truyền thông Trung Quốc cáo buộc hành vi của hãng công nghệ hàng đầu thế giới này “tham lam” và “ngạo mạn” liên quan đến dịch vụ hậu mãi đối với khách hàng Trung Quốc. Volkswagen phải thu hồi 380.000 xe hơi do lỗi hộp số sau khi bị CCTV “phanh phui” hồi tháng 3.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ngoại đã tỏ ra nghi ngại về cách phân biệt đối xử của chính quyền mới của Trung Quốc với công ty nước ngoại và doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, quan chức Trung Quốc bác bỏ định kiến cho rằng có sự phối hợp nhằm đánh vào các doanh nghiệp ngoại. Ủy ban cải cách và phát triển Trung Quốc hôm 8/8 phủ nhận ý kiến cho rằng việc điều tra thao túng giá sữa là do phân biệt đối xử với doanh nghiệp ngoại.
Một số nhà quan sát cho rằng hành động nhằm vào doanh nghiệp ngoại chỉ đơn thuần là một phần trong chiến dịch lớn hơn của chính quyền Trung Quốc. Luật sư Veronica Lockyer tại Thượng Hải cho rằng còn có những động cơ khác ngụy trang đằng sau cái gọi là thực thi luật chống độc quyền của Trung Quốc.
Nguồn FT/Dân Việt