Deutsche Bank: USD sẽ tiếp tục tăng giá
Đó là nhận định của Deutsch Bank AG, hãng trader tiền tệ lớn thứ 2 thế giới, theo tạp chí Euromoney - Deutsch Bank còn dự đoán đồng bạc xanh sẽ lấy lại đà tăng trong năm nay sau khi giảm trong tháng 2 vừa qua.
Chỉ số khốn khổ (misery index) - đo lường tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp - trong tháng 11/2015 giảm xuống mức thấp nhất trong gần 6 thập kỷ qua, làm nổi rõ viễn cảnh của đồng bạc xanh. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo duy trì ở mức thấp nhất 8 năm khi Fed cân nhắc lộ trình nâng lãi suất.
Chỉ số khốn khổ (misery index) của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 6 thập kỷ qua. |
Chỉ số Đôla Giao ngay Bloomberg (Dollar Spot Index) - theo dõi sức mạnh của USD với 10 đồng tiền chủ chốt - trong tháng 2/2016 giảm 1,8% do lo ngại kinh tế toàn cầu giảm tốc sẽ kéo giảm nền kinh tế Mỹ. Đà giảm giá của USD hồi tháng trước - tồi tệ nhất kể từ tháng 4/2015 - diễn ra sau 2 năm liên tục tăng do đồn đoán Fed sẽ tăng chi phí đi vay trong khi ngân hàng trung ương các nước khác tiến hành các biện pháp kích thích chưa từng thấy.
Alan Ruskin, phụ trách nghiên cứu ngoại hối của Deutsch Bank tại New York, dự đoán, đồng bạc xanh sẽ tăng lên mức 95 cent đổi 1 euro vào cuối năm nay.
Lúc 8h33 ngày 4/3 tại Tokyo, tỷ giá USD và yên đứng ở 113,71 JPY/USD. Đồng bạc xanh tăng 0,1% so với euro lên 1,0952 USD/EUR sau khi lên cao nhất một tháng hồi đầu tuần này.
Giới đầu tư đang chờ báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ, được công bố vào thứ Sáu 4/3. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ được dự đoán duy trì ở 4,9% trong khi đó các nhà phân tích trong khảo sát Bloomberg dự đoán số việc làm mới được tạo ra trong tháng 2/2016 đạt 195.000 việc làm. Giá tiêu dùng trong tháng 1/2016 tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ.
Chỉ số khốn khổ hôm thứ Năm 3/3 đứng ở 6,3 điểm sau khi giảm xuống 5 điểm hồi tháng 11/2015, thấp nhất kể từ năm 1956.
(*) Chỉ số khốn khổ (Misery Index), do kinh tế gia Arthur Orkum sáng lập, dùng để đánh giá mức độ nghèo khó của một quốc gia trên cơ sở phép tính tổng tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát. Chỉ số này càng cao, mức độ nghèo khổ của quốc gia đó càng lớn.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg