Đằng sau sự phát triển thần kỳ của công nghiệp ô tô Hàn Quốc
Hàn Quốc hiện là nước sản xuất ô tô lớn thứ 5 thế giới với khoảng gần 5 triệu xe mỗi năm, gần bằng với sản lượng hơn 5,5 triệu xe của Đức. Các nhà sản xuất Hàn Quốc bao gồm Huyndai, Kia, GM Daewoo, SsanYong Motor Company và Renault Samsung Vehicles. Trong đó Huyndai - KIA Automotive Group là nhà sản xuất lớn nhất, chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Xe hơi tầm trung giá cả hợp lý là sản phẩm chủ chốt của các nhà sản xuất Hàn Quốc. Gần đây, các hãng xe của nước này cũng bắt đầu cho ra đời những mẫu xe dòng cao cấp hơn.
Lợi thế về chi phí, chuỗi cung ứng
Quốc gia nằm trên bán đảo Triều Tiên được đánh giá là một trong những địa điểm hấp dẫn cho ngành công nghiệp ô tô toàn cầu khi nằm giữa Nhật Bản của công nghệ cao, giá thành cao và Trung Quốc đang phát triển, chi phí thấp. Chính bởi thế, ưu điểm lớn nhất của Hàn Quốc là có sự cân bằng giữa chi phí và chất lượng hơn so với các đối thủ của mình.
Thành công của xe hơi Hàn Quốc có được còn nhờ một chuỗi cung ứng hoàn hảo. Tại Hàn Quốc, các nhà sản xuất ô tô có một sự liên kết chặt chẽ có một không hai với các nhà cung cấp của mình. Trên cơ sở những hợp đồng dài hạn, các nhà cung cấp linh kiện sẽ tham gia vào toàn bộ quá trình phát triển một chiếc xe ô tô, chia sẻ những thông tin quan trọng như mục tiêu chi phí, lợi nhuận dự kiến... Các doanh nghiệp ô tô Hàn Quốc có được sự hợp tác, hỗ trợ từ các nhà cung cấp trên cơ sở lợi ích chung, qua đó giảm thời gian thiết kế, nghiên cứu kỹ thuật và chi phí.
Duy trì một mối quan hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp của riêng mình nên các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc đi đâu thì cũng kéo các nhà cung cấp của mình theo đó, bất kể trong hay ngoài nước. Các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng sẽ nằm cạnh các nhà máy sản xuất, lắp ráp. Như thế, doanh nghiệp cắt giảm được những chi phí không cần thiết và rút ngắn thời gian sản xuất đáng kể. Đồng thời, chiến lược tập trung này còn tăng cường quá trình trao đổi thông tin giữa các bên.
Kết quả là các nhà sản xuất Hàn Quốc có thể giảm thời gian cho ra đời một mẫu xe mới xuống còn 3 năm, so với 5-6 năm tại các quốc gia phương Tây. Hàng triệu đô la đã được tiết kiệm và rủi ro trong quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất cũng giảm đáng kể.
Đầu tư phát triển công nghệ
Khi ngành sản xuất ô tô bắt đầu hình thành tại Hàn Quốc, chính phủ nước này không cho phép các nhà sản xuất nước ngoài được tham gia thị trường, trừ khi hình thành liên doanh với nhà sản xuất trong nước. Như thế, các doanh nghiệp trong nước đã từng bước phát triển nhờ sự hỗ trợ công nghệ kỹ thuật từ các đối tác nước ngoài tới từ các quốc gia phát triển công nghiệp ô tô hàng đầu như Mỹ, Nhật.
Chiếc xe đầu tiên do Hàn Quốc phát triển là Huyndai Pony ra đời năm 1975, được thiết kế bởi ItalDesign Italia và dựa trên công nghệ của Mitsubishi Nhật Bản. Mẫu xe này sau đó được xuất khẩu sang Anh, Ecuador, đánh dấu một trang mới của ngành công nghiệp ô tô nước này.
Khi chi phí lao động tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế, Hàn Quốc buộc phải vượt qua những hạn chế nguồn lực của mình để tiếp tục cạnh tranh và lựa chọn là đầu tư phát triển công nghệ.
Những chương trình nghiên cứu phát triển khoa học được chính phủ định hướng giờ đây là những tấm vé đảm bảo cho sự phát triển kinh tế dài hơn tại quốc gia Đông Bắc Á này. Một phần quan trọng của chiến lược phát triển công nghệ của Hàn Quốc ra đời năm 1999 là "Chương trình Nghiên cứu Phát triển (R&D) tiên phong thế kỷ 21", nằm trong khuôn khổ kế hoạch quốc gia với tên gọi "Tầm nhìn dài hạn cho phát triển khoa học và công nghệ hướng tới 2025". Chương trình này nhắm tới 23 dự án, trong thời gian 10 năm, phát triển các công nghệ cốt lõi mang tiềm năng thương mại. Mỗi dự án được tài trợ ít nhất 1 triệu USD từ quỹ.
Năm 2011, tổng ngân sách dành cho R&D của Hàn Quốc đứng thứ 6 thế giới, với khoảng 45 tỷ euro, tăng 18,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong cùng năm, Hàn Quốc đứng thứ 3 thế giới về chi tiêu cho R&D trên % GDP, với 4,03%, cao hơn mục tiêu 3% GDP cho tổng đầu tư R&D của EU.
Chính phủ Hàn Quốc đã chọn 6 lĩnh vực công nghệ cốt lõi cho phát triển tương lai và sẽ đầu tư khoảng 3,1 tỷ USD (2,3 tỷ euro) cho mỗi lĩnh vực trong 5 năm tới. Các ngành công nghệ cốt lõi - 6T là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ môi trường, công nghệ vũ trụ, và công nghệ văn hóa được gọi theo thứ tự lần lượt là IT, BT, NT, ET, ST, và CT. Nguồn tiền tài trợ cho 6 lĩnh vực này dự kiến sẽ tăng đều đặn theo năm.
Ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc rõ ràng đã hưởng lợi từ những công nghệ tiên tiến mà các nhà khoa học nước này tạo ra. Những chiếc xe hơi Hàn Quốc chiếm lĩnh những thị trường tiêu thụ ô tô hàng đầu như Mỹ, EU chủ yếu là nhờ công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường nhưng lại có chi phí rẻ.
Câu chuyện của SsangYong
SsangYong Motor là hãng sản xuất ô tô lớn thứ tư của Hàn Quốc, câu chuyện thăng trầm của hãng xe này có lẽ là minh chứng rõ ràng cho những vấn đề còn tồn tại trong ngành công nghiệp ô tô nước này.
So với Huyndai - Kia, SsangYong có quy mô nhỏ hơn hơn rất nhiều, sản lượng năm 2012 của hãng chỉ khoảng 210.000 xe, rất nhỏ so với con số hơn 5 triệu xe của Huyndai và Kia. SsangYong – Song Long là cái tên hãng xe này mang từ năm 1986 và gắn liền với thời kỳ đỉnh cao của hãng xe được thành lập từ năm 1954 này, với Korando, Rexton, Actyon…
Năm 1991, SsangYong ký thỏa thuận hợp tác công nghệ với Mercedes-Benz và được hưởng lợi đáng kể từ thỏa thuận này. SsangYong bước chân vào các thị trường mới với sự “chống lưng” của Mercedes-Benz, cho ra đời chiếc SsangYong Musso nổi tiếng.
SsangYong bắt đầu gặp rắc rối về tài chính từ những năm đầu thập niên 90, có lẽ bởi khủng hoảng kinh tế và nhu cầu sụt giảm. Đến năm 1997, Deawoo Motor nắm cổ phần kiểm soát tại SsangYong, nhưng rồi phải từ bỏ năm 2000 vì khủng hoảng tài chính. Nếu không, có lẽ sẽ có thêm một Huyndai – Kia nữa tại nước này.
Năm 2004, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc SAIC mua lại 51% cổ phần của SsangYong. Tháng 1/2009, sau khi thua lỗ 75,42 triệu USD, SsangYong nộp đơn xin bảo hộ phá sản khi không nhận được hỗ trợ tài chính từ SAIC. Công nhân và các chuyên gia phân tích đều đổ lỗi cho SAIC vì đã ăn cắp công nghệ xe hybrid từ công ty và không thực hiện cam kết đầu tư.
Mặc dù SAIC bác bỏ mọi cáo buộc, tòa án Hàn Quốc đã ra phán quyết cho rằng SAIC đã vi phạm quy định công ty và luật pháp Hàn Quốc khi yêu cầu thực hiện chuyển giao công nghệ mà SsangYong nghiên cứu phát triển với tiền tài trợ từ chính phủ Hàn Quốc cho các chuyên gia SAIC. Tập đoàn Trung Quốc buộc phải giảm sở hữu ở SsangYong từ 51% xuống 11,2%.
Năm 2010, SsangYong Motor tuyên bố tập đoàn Ấn Độ Mahindra & Mahindra Limited đã mua lại 51% cổ phần với giá 522,5 tỷ won (463 triệu USD). Thương vụ được Ủy ban Thương mại tự do Hàn Quốc phê duyệt.
Hãng xe SsangYong đã trở lại với thị trường sau nhiều khó khăn, nhiều lần đổi chủ nhờ bàn tay can thiệp của chính phủ Hàn Quốc ở những thời điểm quan trọng.
Xe hơi Hàn Quốc không chỉ là thách thức với các quốc gia có truyền thống trong ngành như Mỹ, Nhật, Đức mà còn là đối thủ cạnh tranh hàng đầu của các nhà sản xuất mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ. Từ một nhà sản xuất xe hơi giá rẻ, Hàn Quốc đang chuyển mình, với sự hỗ trợ đắc lực của những công nghệ mới tiết kiệm nhiên liệu, tạo ra những mẫu xe đáp ứng nhiều hơn nhu cầu thị trường.
Nguồn Dân Việt