Đằng sau sự gục ngã của Chu Vĩnh Khang
Ngày 29-7, Đảng Cộng sản nước này chấm dứt mọi đồn đoán hàng tháng trời khi ra thông báo ngắn gọn, có nội dung cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị 71 tuổi này bị tình nghi “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, uyển ngữ chỉ tội tham nhũng.
Một bài xã luận đăng trên trang web của Nhân dân Nhật báo cảnh báo việc điều tra Chu Vĩnh Khang không phải đặt dấu chấm hết cho chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Chu Vĩnh Khang được cho là nhân vật quyền lực nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc bị điều tra tham nhũng.
Nhiều năm trước, Chu Vĩnh Khang được ví như “Dick Cheney của Trung Quốc”, ám chỉ nhà tài phiệt dầu khí ở Mỹ trở thành phó tổng thống dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush. Nói đến Chu Vĩnh Khang, người ta nghĩ đến nét mặt đanh thép pha chút đáng sợ, nụ cười hiếm hoi hết sức gượng gạo.
Trong nhiệm kỳ 5 năm ở vị trí Trưởng ban Chính pháp Trung ương, Chu Vĩnh Khang nắm lực lượng cảnh sát, bộ máy tình báo dân sự, cảnh sát vũ trang, ngành tòa án, kiểm sát.
Dưới thời ông Chu, các lực lượng an ninh Trung Quốc đã tiến hành nhiều chiến dịch trấn áp bạo động mạnh tay ở Tây Tạng và Tân Cương. Chi tiêu cho an ninh nội địa của chính quyền Bắc Kinh thường vượt quá ngân sách quốc phòng dưới thời kỳ Chu Vĩnh Khang tại vị.
Ông cũng được mô tả rằng làm việc không mệt mỏi để duy trì “sự ổn định” nhờ các chiến dịch kiểm duyệt internet cùng các hệ thống hình phạt ngoài luật pháp.
“Ông ấy có vẻ là một nhân vật khủng khiếp nếu những tin đồn là sự thật. Tại sao Chu Vĩnh Khang lại chuyển từ kinh doanh xăng dầu sang ngành công an? Ngoài ra, câu hỏi đặt ra là ông sẽ hợp tác như thế nào với cơ quan điều tra” - Jean-Pierre Cabestan thuộc trường ĐH Baptist Hồng Kông bình luận.
Ngô Cường, học giả về các vấn đề chính trị của trường ĐH Thanh Hoa của Trung Quốc, cho rằng cuộc điều tra Chu Vĩnh Khang trên thực tế là một cuộc đảo chính của ông Tập Cận Bình nhằm thách thức hệ thống lãnh đạo tập thể cũ.
Hãng tin Reuters và tờ The New York Times lần đầu tiên đưa tin Chu Vĩnh Khang đang bị điều tra vào cuối năm 2013, khiến thông tin lan truyền nhanh chóng dù chính quyền vẫn im hơi lặng tiếng. Khi đó, một loạt các phụ tá và những người liên quan bị bắt giữ. Giới chức đã điều tra các thành viên gia đình Chu Vĩnh Khang, nhiều người trong số họ sở hữu khối tài sản giá trị không ngờ.
Nguồn Người Lao Động