Chủ Nhật | 28/09/2014 10:27

Đại dịch hàng giả ở châu Á

Nhằm chống nạn sản xuất và bán hàng giả ở châu Á, Interpol đã phối hợp lực lượng chức năng ở 10 quốc gia và vùng lãnh thổ truy quét hàng giả.
Chiến dịch mang tên Real được thực hiện tại Campuchia, Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam từ ngày 5 - 11/5. Tuy nhiên, kết quả chiến dịch mới được công bố trong tuần này.

Trước khi tiến hành chiến dịch Real, Interpol đã tổ chức khóa huấn luyện cho hơn 70 đại diện đến từ các nước, vùng lãnh thổ nói trên để nắm bắt kỹ thuật chống hàng giả. Dù chỉ kéo dài một tuần, chiến dịch Real đã mang lại thành công lớn, với gần 1 triệu món hàng giả trị giá gần 50 triệu USD bị tịch thu, trong đó có rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, quần áo, hàng điện tử. Ngoài ra, cảnh sát các nước và vùng lãnh thổ còn bắt giữ hoặc điều tra hơn 660 người. Đây là chiến dịch truy quét hàng giả lần thứ 2 ở châu Á do Interpol phối hợp thực hiện, sau chiến dịch Hurricane được tiến hành cách đó một năm.

Hiểm họa mỹ phẩm dỏm

Kết quả hai chiến dịch Real và Hurricane của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cho thấy Trung Quốc đại lục dẫn đầu về giá trị hàng giả bị tịch thu và là nơi có nhiều cơ sở sản xuất hàng gian bị đóng cửa nhất. Cụ thể, trong chiến dịch Real, cảnh sát đã triệt phá nhóm tội phạm có tổ chức vận hành một nhà máy sản suất, đóng gói mỹ phẩm giả, tịch thu số hàng giả trị giá 37 triệu USD, bắt giữ 589 nghi phạm tại Trung Quốc.

Kết quả kiểm tra cho thấy số mỹ phẩm giả bị tịch thu chứa hàm lượng thủy ngân cao, có thể gây hại cho người sử dụng. Thông cáo của Interpol không cung cấp chi tiết về vụ triệt phá cơ sở mỹ phẩm giả ở Trung Quốc. Tuy nhiên, theo truyền thông Trung Quốc, vào tháng 5 giới chức tỉnh Giang Tô đã đánh sập một mạng lưới bán mỹ phẩm giả qua mạng, trong đó có những mặt hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng như L'OREAL, DIOR và CHANEL.

Cũng tại Giang Tô, giới chức đã bắt giữ 3 người và tịch thu hàng trăm hộp mỹ phẩm giả, trong đó có thuốc xóa vết nhăn BTX-A, với tổng trị giá hàng triệu USD sau khi bố ráp một cơ sở thẩm mỹ địa phương, theo tờ China Daily. Vào hôm qua, tờ The Star đã dẫn lời giới chức Bộ Y tế Malaysia khuyến cáo người dân tránh mua nhầm mỹ phẩm và thuốc kích dục giả, trong đó phần lớn được tuồn từ Trung Quốc và Indoneisia sang.

Trong chiến dịch Hurricane trước đó, lực lượng chức năng đã đóng cửa một hệ thống sản xuất đứng sau việc phân phối dầu gội đầu và kem đánh răng giả ở miền nam Trung Quốc. Hệ thống này gồm có 21 cơ sở sản xuất, nhiều thiết bị và trang mạng do 8 băng nhóm tội phạm có tổ chức điều hành. Ở miền bắc Trung Quốc, các nhân viên công lực cũng đã xâm nhập một mạng lưới tội phạm có tổ chức liên quan đến việc sản xuất dầu ăn giả ở 5 tỉnh, bắt 42 nghi phạm, đóng cửa 56 cơ sở. Nhà chức trách còn triệt phá một mạng lưới tội phạm có tổ chức khác ở miền bắc Trung Quốc sản xuất dao cạo râu giả, tịch thu 7 triệu món hàng với trị giá khoảng 41 triệu USD.

Đại công xưởng hàng giả

Hồi tuần rồi, Tân Hoa xã dẫn thông báo từ Bộ Công an Trung Quốc cho hay từ năm 2013 đến nay đã truy quét hơn 1.400 cơ sở sản xuất, phân phối hàng giả. Bộ này nêu một số trường hợp kinh doanh hàng giả bị đóng cửa trong thời gian gần đây như một cơ sở sản xuất băng vệ sinh kém chất lượng. Tổng cộng 9 dây chuyền sản xuất trị giá 36 triệu nhân dân tệ (5,86 triệu USD) đã bị lực lượng chức năng của các tỉnh Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Chiết Giang và Hồ Nam đóng cửa hồi tháng 3.

Ngoài ra, tờ China Business News ngày 18.9 đưa tin cảnh sát thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông đã triệt phá một mạng lưới tội phạm chuyên làm và bán sản phẩm nhái nhãn hiệu túi xách nữ cao cấp nổi tiếng của Pháp Louis Vuitton (LV), bắt giữ 14 nghi phạm. Giới chức còn tịch thu 11.000 túi xách và va li cùng lượng lớn sản phẩm da thuộc mang nhãn LV, với tổng trị giá hơn 1 tỉ nhân dân tệ nếu được bán với giá như hàng thật.

Lực lượng chức năng khẳng định các sản phẩm giả đó được bán tại những trung tâm mua sắm cao cấp ở Trung Quốc đại lục và chỉ có giới trong nghề mới có thể phát hiện đó là hàng giả. Các nghi phạm thậm chí còn lập website giống website của LV nhằm lừa gạt khách hàng nước ngoài. Theo cảnh sát, các công xưởng sản xuất hàng da thuộc cao cấp giả rất phổ biến ở một số quận thuộc thành phố Quảng Châu.

Ngoài ra, giới chức thành phố Thâm Quyến, cũng thuộc Quảng Đông, hồi tháng 8 đã triệt phá một nhóm làm đồng hồ cao cấp giả, tịch thu 2.600 chiếc, với tổng trị giá khoảng 5 triệu nhân dân tệ nếu được bán như hàng thật, theo tờ South China Morning Post.

Ngoài Trung Quốc, hai chiến dịch Real và Hurricane của Interpol cũng dẫn đến việc phát hiện, tịch thu hàng giả và bắt giữ nhiều nghi phạm ở những nước và vùng lãnh thổ trong khu vực. Trong chiến dịch Real, lực lượng chức năng phát hiện hơn 600 mặt hàng điện tử buôn lậu ở Hồng Kông và khoảng 500.000 mặt hàng quần áo giả ở Hàn Quốc.

Theo thông cáo của Interpol, công an Việt Nam cũng đã tịch thu 690 mặt hàng giả từ những người bán hàng rong và một số cửa hàng bán lẻ, trong đó có số hàng điện tử trị giá hơn 3 triệu USD.

Giới công lực ở 6 nước châu Âu vừa bắt 12 nghi phạm, tịch thu hàng triệu viên thuốc giả trị giá lên tới 13 triệu USD cùng nhiều tiền mặt và xe hơi sang trọng trong chiến dịch phối hợp nhằm trấn áp một nhóm tội phạm có tổ chức chuyên cung cấp thuốc giả qua mạng, theo chuyên trang in-PharmaTechnologist.com.

Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) cho hay những nghi phạm trên đã bán thuốc giả thông qua các website giới thiệu dược phẩm trái phép. Giới chuyên gia cảnh báo những website như thế là nguồn bán thuốc giả lớn ở châu Âu nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Các cơ quan thực thi pháp luật châu Âu phối hợp thực hiện chiến dịch truy quét trên từ năm 2012, sau khi giới chức Tây Ban Nha bắt một băng nhóm nhập khẩu thuốc cường dương giả từ Trung Quốc và Singapore, tịch thu 300.000 viên thuốc và bắt giữ 6 người.


Nguồn Thanh Niên


Sự kiện