Thứ Năm | 03/10/2013 14:42

Cuộc chiến ngân sách Mỹ: Lần này đã khác!

Các tranh cãi ngắn hạn trở nên thường xuyên hơn, rủi ro tê liệt hoạt động của các cơ quan chính phủ trong dài hạn trở nên rõ ràng hơn.
Có lẽ nhà đầu tư đã quá quen với cuộc chiến trần nợ công của Mỹ - vấn đề vốn gây nhiều tranh cãi trong 3 năm nay. Nhưng trong bối cảnh các tranh cãi ngắn hạn trở nên thường xuyên hơn, rủi ro tê liệt hoạt động của các cơ quan chính phủ trong dài hạn trở nên rõ ràng hơn.

Tổng thống Obama đã đúng khi phàn nàn về các áp lực chính trị buộc ông phải nhượng bộ. Quốc hội Mỹ không thể trông chờ vào công cụ “đe dọa vỡ nợ” – một vũ khí hủy diệt hàng loạt đối với lĩnh vực tài chính – như là một công cụ để có được sự nhượng bộ từ các bên. Tuy nhiên điều không may là Tổng thống Obama đã có “tiền lệ” chịu nhượng bộ trong bối cảnh Quốc hội đứng trước các nguy cơ khác nhau và điều này đã khiến cho các tranh luận về trần nợ công thay đổi về bản chất và không đơn thuần là cuộc đấu đá chính trị nội bộ nữa.

Càng ngày cuộc chiến trần nợ công của Mỹ càng phản ánh sự đấu tranh quyền lực liên quan đến vấn đề lập pháp giữa Tổng Thống và Quốc hội. Nếu không được giải quyết thấu đáo thì cuộc chiến này có thể làm suy yếu trầm trọng khả năng ra các quyết sách kinh tế quan trọng của chính phủ.

Tất nhiên việc xảy ra đổ vỡ chính trị không phải là duy nhất ở Mỹ - hệ thống chính trị ở tất cả các quốc gia đều bị ảnh hưởng ở một mức độ nào đó. Sự tê liệt hệ thống chính trị ở Mỹ còn xa mới bằng Italia nhưng nếu Quốc hội nước này tiếp tục phá hủy các chính sách kinh tế thì điều này là báo hiệu cực xấu cho các triển vọng dài hạn của Mỹ.

Ít nhất là cho đến thời điểm này, phần còn lại của thế giới vẫn có lòng tin “vô bờ bến” rằng Mỹ thừa sức “lặp lại trật tự” ở Hạ viện – điều này thể hiện ở tỷ lệ lãi suất cho vay rất thấp. Không một ai có thể tưởng tượng một quốc gia với rất nhiều lợi thế kinh tế độc nhất vô nhị lại có thể tự gây ra các hậu quả nghiêm trọng như vậy.

Tuy nhiên lần này tình hình hoàn toàn khác. Tổng thống Obama cần thuyết phục các đối thủ đảng Cộng hòa nhượng bộ và không có gì đảm bảo rằng họ sẽ làm điều này. Thậm chí trước kia, chính Tổng thống Obama là người phải nhượng bộ khi ông biết rằng khi mà thảm họa vỡ nợ xảy ra – cho dù là do các nghị sỹ đảng Cộng hòa gây ra – thì ông cũng sẽ phải chịu trách nhiệm và điều này có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2 của ông.

Cuộc chiến

Hiện nay, với việc đã đắc cử nhiệm kỳ 2 (và không thể tiếp tục tranh cử thêm nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp), Tổng thống Obama có thể sẽ có các biện pháp táo bạo, rủi ro hơn nhưng vẫn phải đảm bảo duy trì được các thành quả kinh tế của 2 nhiệm kỳ Tổng thống của mình.

Vậy thì thành quả 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Obama là gì? Bất chấp các quyết sách có hại của chính phủ liên bang, kinh tế Mỹ vẫn đang cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ. Tất nhiên là ông Obama cũng như tất cả mọi người đều muốn xu thế phục hồi này tiếp tục. Không may là sự kiện chính phủ vỡ nợ - dù chỉ mang tính kỹ thuật hay nói cách khác là theo các con số - cũng có thể mang lại các hậu quả không lường trước được, từ đó đe dọa sự phục hồi của kinh tế Mỹ.

Đơn giản, hãy thử xem xét khi Fed nói đến vấn đề giảm quy mô gói nới lỏng định lượng quá sớm. Fed đã phải đi ngược lại với tuyên bố của mình sau khi thị trường trải qua nhiều tháng biến động cũng như Fed đã đánh giá lại các yếu tố kinh tế và chính trị. Tuy nhiên điều này đã gây ra các hậu quả nghiêm trọng – đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi. Chỉ một gợi ý đơn giản về việc thắt chặt tiền tệ đã làm hỗn loạn thị trường quốc tế thì liệu việc chính phủ Mỹ vỡ nợ sẽ có ảnh hưởng thế nào đến kinh tế toàn cầu?

Phần lớn các phương tiện truyền thông đều tập trung vào các nguy cơ ngắn hạn từ các biện pháp phản tác dụng nhưng rủi ro thực sự lớn hơn thế nhiều. Tất nhiên đồng USD vẫn sẽ là đồng tiền dự trữ chính của thế giới kể cả sau đợt vỡ nợ nghiêm trọng lần này – bởi lẽ đơn giản là hiện chẳng có bất cứ đồng tiền nào đủ sức thay thế đồng USD – và nếu có thì chắc chắn không phải là đồng Euro của ngày nay. Tuy nhiên kể cả đồng USD có giữ được vị thế của nó thì giá trị của nó sẽ bị suy yếu nghiêm trọng.

Lợi thế của việc phát hành đồng tiền dự trữ thế giới là rất lớn – không chỉ là việc chính phủ Mỹ chỉ phải trả lãi suất thấp cho trái phiếu chính phủ mà còn là việc tất cả các loại lãi suất ở Mỹ cũng thấp. Các tính toán cho rằng lợi thế này tiết kiệm cho người Mỹ hơn 100 tỷ USD trong 1 năm.

Trong những năm 1800, đã có thời kỳ Anh có được lợi thế này (như ông Valéry Giscard d’Estaing – cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp dưới thời Tổng thống Charles de Gaulle từng phát biểu). Tuy nhiên trong bối cảnh các thị trường vốn nước ngoài phát triển, các lợi thế của Anh giảm dần và đến đầu Thế chiến thứ 2 thì gần như biến mất.

Điều tương tự sẽ xảy ra với đồng USD – đặc biệt là trong bối cảnh các thị trường vốn châu Á đang lớn mạnh. Kể cả khi đồng USD vẫn giữ được ngôi vương thì quyền lực của nó sẽ không được như trước nữa.

Tuy nhiên sự vỡ nợ trong bối cảnh hiện nay sẽ đẩy nhanh quá trình này, khiến cho người Mỹ thiệt hại hàng trăm tỷ USD do phải trả lãi suất cao hơn đối với các khoản nợ công và tư.

Cuộc chiến ngân sách.

Một nghịch lý là cuộc chiến trần nợ lại không thực sự về vấn đề nợ nần. Đảng Cộng hòa không phải là những kẻ theo chủ nghĩa diều hâu với vấn đề nợ công khi Đảng này nắm quyền. Ứng viên Tổng thống gần đây nhất của Đảng Cộng hòa Mitt Romney và người vận động tranh cử cùng ông là Paul Ryan đã vận động tranh cử dựa trên chương trình kích thích kinh tế vốn có thể khiến cho khỏa nợ của Mỹ phình to thêm vài nghìn tỷ USD nữa – chủ yếu là do cắt giảm thuế và tăng chi tiêu quốc phòng. Cuộc chiến về trần nợ công chủ yếu là về quy mô và quyền lực của chính phủ.

Tất nhiên Mỹ cần phải lo lắng về vấn đề nợ công ngày càng tăng cao của mình cũng như chi phí hưu trí và y tế đang dần hiện hữu. Bất chấp các tuyên bố mang động cơ chính trị và vô căn cứ, các nghiên cứu vẫn chỉ ra rằng nợ quá cao sẽ là trở lực cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Đương nhiên là người Mỹ phải quan tâm như vậy đến chất lượng giáo dục cũng như cơ sở hạ tầng – chưa nói đến môi trường tự nhiên – vấn đề mà họ đang cố gắng đùn đẩy cho các thế hệ tương lai. Tuy nhiên, trên tất cả, Mỹ cần phải để lại cho đời sau di sản của một cơ chế ra quyết định chính trị của dân, do dân và vì dân. Chức năng quan trọng này đang có nguy cơ bị xóa bỏ.

Nguồn Project-Syndycated/Dân Việt


Sự kiện