Cỗ máy sáng tạo ý tưởng của thế giới đã ngừng quay?
Thung lũng Silicon từng là cái nôi của ngành công nghiệp bán dẫn, và đã có hằng sa số các doanh nghiệp máy vi tính và internet cất bước từ mảnh đất này. Vào thời kỳ đỉnh cao của mình, Thung lũng Silicon luôn làm sững sờ thế giới bởi những tuyệt tác công nghệ tột đỉnh, khiến loài người không ngừng hướng về tương lai, từ những chiếc điện thoại màn hình cảm ứng, những công cụ tìm kiếm đưa người dùng tới những thư viện tri thức vĩ đại chỉ trong chớp mắt, cho đến công nghệ giúp con người chỉ huy một cuộc tấn công cách đó hàng nghìn dặm.
Cỗ máy đổi mới đang chết
Trải qua một thời gian dài đóng băng, sự hồi sinh của các hoạt động kinh doanh kể từ năm 2010 cho đến nay tại Thung lũng Silicon khiến nhiều người cho rằng quá trình thăng hoa ấy đang trở lại.
Do đó, sẽ thực là ngạc nhiên khi biết một số người ở Thung lũng Silicon lại cho rằng nơi đây đang trong giai đoạn trì trệ, chẳng những thế tốc độ đổi mới cũng chững lại trong nhiều thập kỷ qua.
Peter Thiel, nhà sáng lập của Paypal - một doanh nghiệp thanh toán trực tuyến - đồng thời là một trong những người đầu tiên đầu tư vào mạng xã hội Facebook, cho rằng: "Quá trình đổi mới ở nước Mỹ đang bước vào vào giai đoạn thu hẹp và chết dần chết mòn". Chẳng riêng gì Thiel, nhiều kỹ sư trong các doanh nghiệp trong thung lũng cũng chung cảm giác thất vọng tương tự. Trong khi đó, một nhóm nhỏ song ngày càng tăng các nhà kinh tế cho rằng những tác động kinh tế từ hoạt động đổi mới công nghệ ngày nay mỗi lúc một mờ nhạt so với quá khứ.
Một số còn hoài nghi rằng sự trì trệ trong đổi mới công nghệ chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng kinh tế ảm đạm tại những nước giàu hiện nay. Trong cuốn sách xuất bản năm 2011, nhà kinh tế Tyler Cowen cho rằng khủng hoảng tài chính thực tế chỉ là vẻ bề ngoài của một thứ còn đáng sợ hơn gấp trăm lần, đó chính là "sự trì trệ đổi mới". Đó cũng chính là lời giải thích cho câu hỏi vì sao tăng trưởng thu nhập thực tế và việc làm tại những quốc gia giàu lại chậm lại. Qua biểu đồ, có thể thấy thu nhập và việc làm của những nước này từ năm 2000 hầu như không còn tăng trưởng nữa.
Các động cơ tăng trưởng khác nhau của thế kỷ 20 - bao gồm cả công nghệ và những động cơ khác - đã chững lại, trong khi các công nghệ mới được tạo ra lại không có tác dụng tiếp thêm sinh lực cho các nền kinh tế như trong quá khứ. Khi nhìn vào thực tế ấy, nhiều người đã thốt lên: Phải chăng thế giới đã cạn kiệt ý tưởng?
Con đường tuột dốc
Lập luận cho rằng thế giới đang ở trên một cao nguyên công nghệ - ngụ ý cân bằng nhưng không còn đổi mới - có 3 luồng tư tưởng chính. Luồng tư tưởng thứ nhất dựa trên thống kê tăng trưởng. Các nhà kinh tế học chia tăng trưởng thành 2 loại khác biệt, "rộng rãi" và "chuyên sâu".
Tăng trưởng rộng là loại tăng trưởng trong đó người ta tìm cách tăng cường hoặc mở rộng hơn nguồn lao động, vốn và tài nguyên. Ở loại hình tăng trưởng này, các quốc gia có thể tận dụng lao động nữ để qua đó mở rộng lực lượng lao động, đồng thời tăng cường giáo dục kiến thức cho các công nhân. Như nhà kinh tế Cowen viết, loại hình tăng trưởng này về lâu dài sẽ khiến lợi nhuận giảm dần do các nguồn tài nguyên sẽ bị tận dụng triệt để và cạn kiệt. Nếu chỉ áp dụng phương thức tăng trưởng này, thu nhập của một quốc gia sẽ chỉ dừng ở mức trên tự cung tự cấp.
Tăng trưởng sâu là loại tăng trưởng được hỗ trở bởi những phương pháp tận dụng nguồn lao động và tài nguyên sẵn có hiệu quả hơn. Loại hình tăng trưởng này cho phép thu nhập và phúc lợi được cải thiện liên tục, đồng thời giúp kinh tế phát triển ngay cả khi dân số của một quốc gia giảm. Các nhà kinh tế thường cho rằng để cải thiện kinh tế, tất yếu phải tăng trưởng công nghệ - mặc dù còn nhiều vấn đề khác như luật pháp và quy định tốt hơn - và đo lường nó bằng 1 phương pháp gọi là "hạch toán tăng trưởng". Trong cách tính này, yếu tố "công nghệ" sẽ được bóc tách sau khi mức độ hiệu quả đối với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các yếu tố như nguồn lao động, vốn và giáo dục được hạch toán rõ ràng.
Theo đó, ở những nước giàu hiện tại, có thể thấy yếu tố công nghệ ngày càng ít ảnh hưởng tới GDP. Trong khi đó, những nền kinh tế mới nổi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng nhờ biết bắt kịp công nghệ và áp dụng chúng mọi lúc mọi nơi. Có thể nói, những nước giàu giờ đây không còn sử dụng công nghệ để thúc đẩy nền kinh tế như trước kia.
Điều này quả thực là rất bất thường. Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, chưa khi nào tăng trưởng sản lượng và phúc lợi kinh tế toàn cầu lại chậm và đứng hẳn như lúc này. Trong 20 năm qua, tình trạng chậm lại đó lần đầu xuất hiện ở Anh, châu Âu, Mỹ rồi lan sang những nơi khác trước khi ngừng hẳn.
|
Tuy nhiên, đến thập niên 1970, tăng trưởng sản lượng bình quân đầu người của Mỹ đã giảm từ mức 3% sau Thế chiến II xuống còn hơn 2% mỗi năm. Đến những năm 2000, con số này là dưới 1%.
Sản lượng bình quân của mỗi công nhân trên mỗi giờ cũng chịu tình cảnh chung. Theo nhà kinh tế thuộc Đại học Northwestern, ông Robert Gordon, chỉ số này khá cao trong hầu hết những năm thuộc thế kỷ 20, nhưng bắt đầu có xu hướng giảm trong thập niên 1970. Mặc dù có tăng trở lại trong giai đoạn 1996-2004, song kể từ đó, tỷ lệ hàng năm giảm còn 1,3%. Ông Gordon cho rằng tăng trưởng kinh tế trong 2 thế kỷ trước trên thực tế là nhờ một loạt những thay đổi đáng kể của thế giới, và đó không phải là kỷ nguyên của những tiến bộ liên tiếp. Và vào lúc này, thế giới đang quay trở lại thời kỳ đó, thời kỳ của loại hình tăng trưởng theo chiều rộng (xem biểu đồ 3).
|
Luồng tư tưởng thứ 2 về sự chững lại của cỗ máy đổi mới được dựa trên số lượng sáng chế đang được tạo ra. Nhà kinh tế Cowen đã trích dẫn một nghiên cứu khá thú vị của ông Charles Jones, nhà kinh tế thuộc Đại học Stanford, năm 2002. Nội dung nghiên cứu này xoay quanh sự đóng góp của các yếu tốt khác nhau tới tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người Mỹ, giai đoạn 1950-1953. Nghiên cứu chỉ ra rằng trình độ giáo dục tăng cao và "cường độ nghiên cứu" mạnh hơn (phần đóng góp của lực lượng lao động hoạt động trong các ngành công nghiệp sáng tạo ý tưởng) đóng góp tới 80% tăng trưởng thu nhập. Do cả 2 yếu tố này đều không thể phát triển không ngừng, nên chỉ cần một vài yếu tố đóng vai trò thúc đẩy mất đi, tăng trưởng tất yếu sẽ chậm lại.
Tuy nhiên, bức tranh về một nền kinh tế kém sáng tạo này xem ra khá mâu thuẫn với một thực tế đang diễn ra ở Mỹ, đó là số lao động làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) đang ngày càng tăng. Theo số liệu nghiên cứu, số lực lượng lao động Mỹ tham gia vào ngành R&D từ năm 1975 đến nay đã tăng từ 0,3% lên gần 3%.
Sự tụt lùi trong các phát minh của nhân loại
Luồng tư tưởng cuối cùng thì đơn giản nhất: Đó chính là cảm nhận của chính bạn. Bằng mắt thường bạn cũng có thể nhận thấy những tiến bộ trong thời gian qua dường như chậm hơn nhiều so với hồi đầu thế kỷ hoặc những năm giữa thế kỷ 20. Lấy ví dụ như cái bếp ăn. Năm 1900, những chiếc bếp ăn, kể cả trong những hộ gia đình giàu có nhất, cũng khá thô sơ. Trong khi đó, những đồ ăn dễ hỏng thì được chứa trong những hộp đá, những hộp đá này được những người buôn bán phân phát tới từng nha trên các toa xe ngựa kéo. Hầu hết các gia đình thời đó đều không được tận hưởng những tiện nghi như ánh sáng điện hay nước máy như bây giờ.
Đến thập niên 1970, những bếp ăn của tầng lớp trung lưu ở Mỹ và châu Âu bắt đầu sử dụng gas và còn có những dụng cụ nấu nướng kháu như bếp điện, lò nướng, tủ lạnh, máy chế biến thực phẩm, lò vi sóng và máy rửa bát. Tuy nhiên, thêm 40 năm nữa, những bếp ăn đó hầu như không thay đổi, nếu có thì chỉ là có thêm nhiều đồ dùng lặt vặt khác và những thiết bị kỹ thuật số phổ biến hơn.
Một ví dụ khác chính là tốc độ. Ở thế kỷ 19, những con ngựa và thuyền buồn được thay thế bằng đường sắt và tàu hơi nước. Sự ra đời của động cơ đốt trong và tua-bin phản lực giúp con người di chuyển nhiều hơn và tốc độ các phương tiện cũng ngày một nhanh hơn. Nhưng kể từ năm 1970, sự tiến bộ đó đã chững lại. Tốc độ di chuyển trên đường cao tốc của còn người chỉ nhanh hơn chút đỉnh so với 50 năm trước. Nạn tắc đường trầm kha đã khiến nhiều thành phố đầu tư nhiều hơn vào tàu điện và xe đạp, trong khi những phương tiện di chuyển siêu thanh lần lượt bị bỏ rơi.
Y học cũng là một ví dụ điển hình khác. Từ đầu thế kỷ 20 cho đến 1980, tuổi thọ trung bình của người Mỹ đã tăng từ 49 lên 74 tuổi. Sự tiến bộ vượt bậc trong y học cũng xuất hiện trong thời gian này. Tuy nhiên, đến năm 2011, tuổi thọ trung bình của người Mỹ chỉ là 78,7 tuổi. Mặc dù đã đổ hàng trăm tỷ USD cho nghiên cứu, con người vẫn tiếp tục mắc các loại bệnh từ xa xưa như ung thư, đau tim, đột quỵ hay suy nội tạng.
Đối với những người có may mắn được tận hưởng những phát minh tốt nhất mà thế giới có thể cung cấp, bản thân họ cũng không khỏi thất vọng với những gì mình đang thấy. Nhà nghiên cứu Thiel cùng đồng nghiệp tại Founders Fund cho biết: "Ở một thế giới mà tất cả mọi người có thể sử dụng Twitter, những phương tiện di chuyển bằng đường không giờ đây còn không ấn tượng bằng những bộ phim viễn tưởng trong quá khứ".
Theo Thiel, tiến bộ công nghệ không đồng nghĩa mọi công nghệ đều tiến bộ, mà chỉ cần một vài công nghệ quan trọng luôn được cải thiện cải tiến là đủ. Chẳng hạn, tốc độ xử lý của máy tính đã tăng tiến tới mức độ không tưởng, trong khi tốc độ di chuyển của các hành khác trên những chuyến bay lại không được cải thiện đáng kể so với 40 năm trước.
Hai nhà kinh tế Gordon và Cowen cho rằng sự tiến bộ của những công nghệ như vận chuyển hàng không đã không còn ảnh hưởng nhiều như trước nữa, và điều này cũng lý giải vì sao vai trò kinh tế của những phát minh hiện tại lại ngày một đi xuống như vậy. Nếu máy tính và internet cũng ảnh hưởng nhiều tới kinh tế - thay vì những yếu tố khác như tài nguyên tri thức và văn hóa dồi dào - chắc hẳn người ta có thể đánh giá ngay được sự tiến bộ của chúng thông qua các con số. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.
Sự thực có phải như vậy?
Mặc dù các số liệu thống kê cho thấy hiệu suất hoạt động của nước Mỹ kể từ năm 2004 đã kém đi rất nhiều so với những năm 1970 đến đầu 1990, một số nhà phân tích chuyên sâu hơn lại cho thấy những dấu hiệu lạc quan khác. Những người này thừa nhận năng suất tổng của kinh tế Mỹ đã chậm lại kể từ năm 2005 và 2006, song tăng trưởng năng suất trong lĩnh vực sản cuất lại được cải thiện rõ rệt. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng hậu quả mà đó để lại khiến việc phân tích rạch ròi các số liệu hiện tại trở nên khó khăn hơn.
Họ cho rằng đối với sự tăng trưởng năng suất thần kỳ trong thập niên 1990, vẫn còn quá sớm để kết luận sự tăng trưởng đó là nhờ những tiến bộ trong công nghệ thông tin đã giúp các dây chuyền sản xuất hiệu quả hơn. Nếu nhìn lại, có thể thấy năng suất khi đó được thúc đẩy chủ yếu bởi các doanh nghiệp trong lĩnh vực R&D, như các công ty sản xuất vi tính, điện thoại hoặc tương tự như vậy. Hiệu quả tăng năng suất của người lao động và các doanh nghiệp thông qua việc mua các sản phẩm công nghệ mới chỉ thực sự bắt đầu xuất hiện từ thập niên 2000.
Nghiên cứu của nhà phân tích Susanto Basu thuộc Đại học Boston và John Fernald thuộc Cục Dự trữ liên bang (Fed) San Francisco cho thấy độ trễ giữa các khoản đầu tư vào công nghệ thông tin và các khoản đầu tư trực tiếp vào năng suất là từ 5 đến 15 năm. Sự suy giảm trong năm suất bắt đầu vào năm 2004, song thời điểm đó những công ty sáng tạo như Google hay những tiến bộ về website vẫn chưa xuất hiện.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, để khai thác triệt để một công nghệ có thể mất nhiều thời gian hơn so với bình thường. Hoạt động đổi mới và công nghệ là 2 thứ hoàn toàn riêng rẽ. Đổi mới là cách thức mới giúp con người biết phải làm thế nào, còn công nghệ lại là thứ họ đang thực sự làm việc để tạo ra của cải - và đây mới chính là thứ ảnh hưởng tới kinh tế. Những hộp thép hay động cơ diesel đã xuất hiện kể từ thập niên 1900, và chúng vẫn được sử dụng cho hoạt động vận chuyển hàng hóa 50 năm sau đó. Tuy nhiên, trong những thập kỷ sau, chúng lại không còn đóng vai trò là xương sống của ngành thương mại như trước nữa.
Một ví dụ khác nữa, con người phải mất gần 1 thế kỷ mới có thẻ ứng dụng động cơ hơi nước của James Watt vào hoạt động thương mại đầu tiên, để rồi qua đó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Anh. Tương tự, kỹ thuật điện được phát minh vào thập niên 1880, những phải mất tới 4 thập kỷ sau chúng mới được ứng dụng rộng rãi và trở thành yếu tố không thể thiếu cho tăng trưởng kinh tế. Nhà phân tích Gordon khẳng định rằng hoạt động đổi mới công nghệ chỉ đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng năng suất trong giai đoạn từ cuối thế kỷ 19 cho đến đầu thập niên 1970. Song nhiều nhà phân tích lại phản bác rằng sẽ là quá võ đoán khi khẳng định sự sụt giảm năng suất sau năm 2004 là do ý tưởng trong ngành công nghệ thông tin bị cạn kiệt.
Nhà khoa học máy tính Ray Kurweil thì cho rằng những đổi mới trong công nghệ thông tin mới chỉ ở giai đoạn trứng nước. Điều này cũng tương tự như câu chuyện huyền thoại về "nửa kia của bàn cờ". Câu chuyện kể rằng có một nhà vua cả tin đã bị lừa khi một người muốn ông trả số gạo trong ô cuối cùng của bàn cờ. Ở ô vuông đầu tiên, số hạt gạo chỉ là 1, ô số 2 cũng chỉ là 2 hạt gạo, song cứ mỗi ô vuông, số hạt gạo lại tăng lên gấp đôi. Khi đến hết một nửa bàn cơ, số gạo mà nhà vua phải trả cũng chỉ khoảng 100 tấn, nhưng đến ô vuông cuối cùng, số gạo trên toàn bàn cờ đã lên tới 500 triệu tấn - bằng lượng gạo của cả thế giới vào thời điểm đó. Công nghệ cũng tương tự, ban đầu bạn nghĩ nó có thể là nhỏ bé, nhưng phải đi đến hết ô cuối cùng của bàn cờ, bạn mới biết ý nghĩa thực sự của nó là bao nhiều.
Phía bên kia bầu trời
Một trong những ví dụ về "hiệu quả tịnh tiến" chính là các phương tiện tự động. Năm 2004, Cơ quan nghiên cứu các dự án quốc phòng cấp cao (DARPA) đã tổ chức một cuộc thi chế tạo xe hơi không người lái, với giải thưởng 1 triệu USD dành cho người có thể chế tạo chiếc ô tô có thể đi 240 km với tốc độ nhanh nhất. Không một chiếc xe nào hoàn thành hết con đường đó. Đến tháng 8/2012, Google tuyên bố đã chế tạo thành công một ô tô tự động có thể thành thành 500 nghìn km mà không gặp bất cứ tai nạn nào. Ở nhiều bang ở nước Mỹ, các nhà chức trách đã ngay lập tức đưa ra hoặc cân nhắc các quy định dành cho các ô tô không người lái. Qua ví dụ này, có thể thấy rằng, cuộc cách mạng vể vận chuyển bằng robot tự động có thể là bất khả thi trong 10 năm trước, nhưng có thể thành hiện thực vào 10 năm sau.
Song đó mới chỉ là bề nổi của vấn đề. Người ta có thể điểm ra hàng trăm hàng nghìn phát minh đổi mới khác đang trên đường trở thành hiện thực, chẳng hạn như những thiết bị sử dụng ít năng lượng hơn, những máy tính thông minh có thể hiểu ngôn ngữ của con người hay những trò chơi điện tử trở nên chân thực hơn. Hay như công nghệ in 3 chiều có thể hiển thị những góc cạnh phức tạp nhất của vật thể, qua đó góp phần giúp con người tìm hiểu các mô hay những vật chất hữu cơ khác.
Một người bi quan có thể gạt đi những ý tưởng này và cho đó là "viễn tưởng", song ý kiến cho rằng sự phát triển trong công nghệ đang suy giảm hoặc ngừng lại là hoàn toàn đi ngược lại xu thế phát triển của lịch sử. Giáo sư Chad Syverson thuộc Đại học Chicago chỉ ra rằng tăng trưởng năng suất trong thời kỳ điện năng là khá lộn xộn. Tăng trưởng trong những năm cuối thể kỷ 19 và đầu 20 cũng từng chậm lại trong giai đoạn xuất hiện những đổi mới quan trọng về điện, nhưng sau đó lại bật tăng trở lại. Và do đó, thời kỳ công nghệ thông tin cũng phải trải qua hành trình tương tự.
Nguồn Economist/Khampha