Chủ Nhật | 05/08/2012 11:40

Châu Âu trước cuộc khủng hoảng niềm tin doanh nghiệp

Châu Âu hiện không chỉ có khủng hoảng đồng euro mà còn cả khủng hoảng tăng trưởng. Đó là vì châu lục này không thể khích lệ doanh nhân đầy tham vọng.
Mọi người khổng lồ đều đang lão hóa

Theo số liệu thống kê, châu Âu địa đang gặp vấn đề trong việc tạo ra những doanh nghiệp mới để thúc đẩy tăng trưởng. Theo Tổ chức Giám sát Doanh nghiệp Toàn cầu (Global Entrepreneurship Monitor), bằng việc sử dụng số liệu so sánh giữa các nước, năm 2010, ở Italia số doanh nhân bắt đầu khởi nghiệp chỉ chiếm 2,3% dân số, con số này ở Đức là 4,2%, và Pháp là 5,8%, rõ ràng thấp hơn nhiều so với Mỹ 7,6%, Trung Quốc 14% và Brazil 17%.

Doanh nhân châu Âu cũng bi quan về viễn cảnh của họ. Nghiên cứu của Ernst&Young cho thấy, năm 2011, so với doanh nhân Mỹ, Canada hay Brazil, doanh nhân Đức, Italia và Pháp cảm thấy ít tự tin hơn về đất nước mình là nơi họ bắt đầu khởi nghiệp.

Chỉ có số ít doanh nhân Pháp cho biết đất nước họ mang lại cho họ môi trường tốt nhất; trong khi 60% doanh nhân Brazil, 42% Nhật Bản và 70% Canada nghĩ rằng không có nơi nào tốt bằng đất nước họ. Khi được hỏi thành phố nào có cơ hội tốt nhất để tạo ra Microsoft hay Google tiếp theo, các doanh nhân của Ernst&Young lựa chọn Thượng Hải, San Francisco và Mumbai.

Châu Âu hiện đang tạo ra rất nhiều cửa hàng tạp hóa nhỏ, hiệu làm đầu tóc và vv... Những gì châu lục này không tạo ra đủ là các công ty có tính sáng kiến và đổi mới với khả năng tăng trưởng nhanh và trở thành người khổng lồ.

Năm 2003, khi phân tích khoảng cách doanh nhân của châu Âu, Ủy ban châu Âu đã trích dẫn nghiên cứu cho thấy rằng những năm 1990, có khoảng 19% công ty quy mô vừa ở Mỹ được xếp vào nhóm tăng trưởng nhanh, so với 4% ở 6 nước châu Âu.

Tổ chức Kauffman Foundation, chuyên xúc tiến tinh thần làm chủ doanh nghiệp trên toàn thế giới, cho rằng lý do giúp Mỹ vượt xa châu Âu trong việc tạo ra việc làm mới chính là khả năng tạo ra số công ty mới có tốc độ tăng trưởng nhanh như Amazon, công ty bán lẻ trên mạng, hay eBay, công ty bán đấu giá trên mạng.

Về lĩnh vực việc làm, các công ty nhỏ mới thành lập cũng có lợi thế gia tăng. Các công ty này có ít khả năng hơn so với những người khổng lồ hiện có trong việc thuê gia công tại các nước châu Á có lao động giá rẻ.

Châu Âu không hẳn luôn luôn tụt hậu như vậy. Khi cuộc cách mạng công nghiệp Anh lan rộng ra toàn châu lục sau năm 1848, tham vọng và khả năng tiếp cận nguồn vốn có thể giúp đưa một người trẻ tuổi đi xa hơn và cao hơn. August Thyssen thành lập ThyssenKrupp, tập đoàn thép của Đức, Eugène Schuelle sáng lập L’Oréal, đế chế mỹ phẩm của Pháp, và A.P. Møller khai sinh tập đoàn A.P. Møller-Maersk Group, người khổng lồ vận chuyển đường biển của Đan Mạch.

Phần lớn các công ty lớn của châu Âu được sinh ra trong thế kỷ trước, từ Mittelstand (cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các nước nói tiếng Đức, nhất là tại Đức, Áo và Thụy Sỹ) đến hàng loạt các nhà sản xuất từ Lombardy (Italia) đến Scotland.

 Bảng so sánh thời điểm doanh nghiệp lớn thành lập tại Mỹ và châu Âu.
Bảng so sánh thời điểm doanh nghiệp lớn thành lập tại Mỹ và châu Âu.

Sau các cuộc thế chiến, châu Âu chưa bao giờ lấy lại được khả năng này. Sự tàn phá đã khiến người châu Âu không còn sẵn lòng chấp nhận rủi ro và mạo hiểm như trước kia. Theo Leslie Hannah, nhà nghiên cứu lịch sử thương mại tại Trường Kinh tế London, các thị trường từng được kết nối chặt chẽ trước năm 1914 lại bị phân mảnh. Điều này hạn chế khả năng của các công ty mới trong việc mở rộng quy mô và tăng trưởng thành người khổng lồ, nhất là trong những thập niên trước khi có thị trường chung châu Âu.

Theo phân tích 500 công ty lớn nhất thế giới được niêm yết trên sàn chứng khoán của Nicolas Véron và Thomas Phlippon tại tổ chức nghiên cứu Bruegel, châu Âu chỉ có 12 công ty lớn thành lập trong giai đoạn 1950-2007, trong khi Mỹ có đến 52 công ty. Châu Âu chỉ có 3 công ty lớn đã niêm yết thành lập trong giai đoạn 1975-2007, trong đó 2 công ty bắt đầu khởi nghiệp từ Anh hoặc Ireland – với quan điểm hoạt động tương đồng với Mỹ nhiều hơn so với các công ty của châu Âu. Các công ty tư nhân quy mô lớn của châu Âu cũng chủ yếu được thành lập trước năm 1950.

Konrad Hilbers, cựu giám đốc điều hành Napster, một công ty dịch vụ âm nhạc trực tuyến, đã từng đặt câu hỏi “Tại sao Google không phải là ‘Made in Germany’?”. Sự thiếu vắng văn hóa doanh nghiệp dám chấp nhận rủi ro và mạo hiểm là một phần cho câu trả lời.
Quá ít Virgins, không đủ Red Bulls

Châu Âu không có những câu chuyện thành công về tinh thần doanh nghiệp. Người giàu nhất là Amancio Ortega của Tây Ban Nha, người đã bắt đầu công việc tại một cửa hàng quần áo khi 13 tuổi trước khi thành lập Inditex, một đế chế thời trang. Nước Áo có Dietrich Mateschitz, người khởi động Red Bull, công ty sản xuất nước uống tăng lực. Nước Pháp có Xavier Niel, người trong năm nay bắt đầu cuộc cách mạng điện thoại di động bằng cách cung cấp cho khách hàng với giá cực thấp; Anh có Richard Branson – người tạo ra Virgin, tập đoàn đầu tư quốc tế hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, số này rất ít trong khi nhiều doanh nhân châu Âu – không bao gồm Richard Branson – đang cố gắng giữ kín thành công của họ. Ông Amancio Ortega chưa bao giờ cho giới truyền thông phỏng vấn; Ingvar Kamprad, tỷ phú sáng lập IKEA, nhà bán lẻ đồ dùng gia đình của Thụy Điển, né tránh bất kỳ dấu hiệu ám chỉ nào về đế chế của mình.

Nhiều doanh nhân có tham vọng đã rời bỏ châu Âu. Có khoảng 50.000 người Đức ở Thung lũng Silicon và ước tính khoảng 500 công ty mới khởi nghiệp ở Vịnh San Francisco là của người Pháp. Một trong những điều mà các doanh nhân châu Âu nhận thấy ở Mỹ là họ có quyền tự do thất bại.

Khảo sát hồi năm ngoái của Ủy ban châu Âu đã khảo sát tình trạng vỡ nợ chỉ ra, nhiều nước đối xử với doanh nhân trung thực bị vỡ nợ gần giống như kẻ lừa đảo, mặc dù chỉ một phần nhỏ tình trạng vỡ nợ có liên quan đến gian lận mà thôi. Một số nước còn bỏ tù doanh nhân thất bại trong nhiều năm. Anh sẽ xóa bỏ khoản nợ cho người bị vỡ nợ sau 12 tháng; ở Mỹ thời gian này thường ngắn hơn. Ở Đức, mọi người cho rằng cần 6 năm để có lại được sự khởi đầu mới; tại Pháp, mọi người cho rằng cần 9 năm. Ở Đức, người bị vỡ nợ có thể đối mặt với lệnh cấm suốt đời không được đảm nhiệm các vị trí quản lý cao cấp tại các công ty lớn.

Rào cản quan trọng thứ hai là tài chính. Nguồn cung tiền cho các doanh nghiệp châu Âu đang thiếu nghiêm trọng. Tổng lượng tiền đầu từ vào vốn mạo hiểm của Châu Âu giảm một nửa từ 8,2 tỷ euro năm 2007 xuống 4,1 tỷ euro năm 2011.

Một số người cho rằng nếu có đủ số doanh nhân đầy tham vọng với những ý tưởng tuyệt vời tại châu Âu, thì sẽ có nguồn tiền từ Mỹ và những nơi khác đổ vào đây.

Trở ngại thứ ba là luật lao động. Nếu các công ty non trẻ muốn vượt qua những sai lầm gây tổn thất hoặc nhu cầu thay đổi thất thường, họ cần có khả năng cắt giảm chi phí nhân sự một cách nhanh chóng và ít tốn kém khi cần thiết. Tại các nước châu Âu việc này khó khăn hơn rất nhiều so với các nơi khác. Tính phức tạp và chi phí cho việc sa thải lao động ở châu Âu đang là vấn đề lo ngại chủ yếu của các quỹ vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ. 

Chi phí cho gói trợ cấp thôi việc (6 tháng trợ cấp thôi việc là một thông lệ phổ biến) có thể khiến công ty nhỏ kiệt quệ. Tại San Francisco và Trung Quốc, thông thường khi cho thôi việc, nhân viên nhận được trợ cấp thôi việc là 1-2 tháng lương. Gói trợ cấp thôi việc khổng lồ cũng khiến cho những người khởi nghiệp gặp khó khăn nhiều hơn để tuyển dụng giám đốc/nhân viên quản lý chuyên nghiệp so với các công ty lớn.

Chính phủ các nước châu Âu cũng đang có những động thái tích cực, thử mọi phương thức để thúc đẩy việc kiến tạo doanh nghiệp, bất chấp hậu quả ra sao. Đức và các nước khác, gần đây, đã thành lập các cơ quan do nhà nước hậu thuẫn để cử người Châu Âu dám nghĩ dám làm thẳng đến Thung lũng Silicon, biết rằng những người sáng lập thành công thường dùng tiền của họ đầu tư trở lại quê nhà.

Sự phát triển nhanh chóng và sức hấp dẫn quốc tế của Berlin – khoảng già nửa người sáng lập doanh nghiệp ở thành phố này không phải là người Đức – biến thành phố này thành ví dụ điển hình cho thấy những gì thực sự hấp dẫn doanh nhân.

Tại Italia, thủ tướng Mario Monti cho biết, ông sẽ giảm chi phí hành chính đối với việc thành lập công ty từ 10.000 euro xuống còn 1 euro. Italia và Tây Ban Nha đang tiến hành các biện pháp để giúp cho việc sa thải công nhân dễ dàng hơn đôi chút.

Nguồn Economist/Khampha


Sự kiện