Châu Âu hậu khủng hoảng sẽ theo mô hình xã hội nào?
Ít nhất đó dường như cũng là những gì Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi ám chỉ trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Wall Street Journal khi ông này nói rằng: mô hình xã hội của châu Âu đã không còn hiệu quả nữa, vì nó không còn có thể đảm bảo việc làm cho tầng lớp lao động trẻ.
Những bình luận của Draghi có thể đã được phóng đại đôi chút để đi đến kết luận nói trên, tuy nhiên ông này không phải là người đầu tiên có những hoài nghi về tính bền vững của hệ thống phúc lợi của châu Âu. Cũng tờ Wall Street Journal đã đăng tải một bài báo vào giữa những năm 1990 tuyên bố rằng những hệ thống này đã thực sự không còn hoạt động nữa.
Mùa thu năm ngoái, Jin Liqun, chủ tịch của tập đoàn Đầu tư Trung Quốc cho rằng những vấn đề của châu Âu là hậu quả của một hệ thống phúc lợi phải chịu gánh nặng quá lớn và luật lao động dung túng cho thái độ lười biếng và ỷ lại. Đây là một nhận định nhận được sự đồng tình từ phía đảng Cộng hòa Mỹ nếu dựa vào những chiến dịch tranh cử gần đây từ các ứng cử viên của Đảng này.
Tuy nhiên, cũng không có nhiều dấu hiệu khả quan là châu Âu sẽ từ bỏ những hệ thống phúc lợi của mình.
Để đưa ra một định nghĩa chính xác về mô hình xã hội của châu Âu không hề là điều dễ dàng. Đặc điểm của từng hệ thống ở các nước khác nhau là khác nhau nhưng các hệ thống này đều có điểm chung là tỷ lệ đóng góp lớn của chính phủ vào việc cung cấp các dịch vụ sức khỏe, giáo dục, lương hưu và các dịch vụ xã hội cùng với những quy tắc điểu khiển mối quan hệ lao động.
Lực lượng lao động bị thu hẹp
Người dân châu Âu đang có tuổi thọ ngày càng cao nhưng lại có tỷ lệ sinh giảm đi, vì vậy ngay từ trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, đã có những tranh cãi về việc làm thế nào để đối phó với những thay đổi này khi mà lực lượng lao động thu hẹp bị buộc phải chi trả cho bộ phận dân số nghỉ hưu đang ngày càng phình ra. Rất nhiều nước đã tăng tuổi nghỉ hưu và những nước phải gặp phải những vấn đề điều chỉnh trầm trọng như Hy Lạp và Italia giờ đây phải đối mặt với nguy cơ hệ thống lương hưu không bền vững.
Người Mỹ hoặc người Trung Quốc có thể sẽ không hiểu được nghịch lý là tại sao những nước Bắc Âu có chi phí xã hội rất cao, do đó gánh nặng thuế là rất lớn, lại vẫn có được chỉ số cạnh tranh toàn cầu cao. Lý do là hầu hết các chi tiêu xã hội này là để phục vụ cho các hoạt động kinh tế (như dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em ở Thụy Điển), và giúp người dân có việc làm (lộ trình tập huấn của Đan Mạch), hoặc y tế (Đức và Pháp tiêu ít hơn Mỹ cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhưng đạt được những kết quả tốt hơn)
Rõ ràng là những nước chậm đổi mới sẽ phải tăng tốc. Tây Ban Nha không những đã có thể củng cố tài khóa mà còn bắt đầu gỡ bỏ những điều luật bảo hộ lao động chặt chẽ trước đây. Danh sách những cải cách xã hội mà Hy Lạp phải thực hiện đang ngày càng lớn hơn, nhưng rất nhiều yếu tố trong đó minh họa cho việc hệ thống phúc lợi đã dần mất đi chức năng. Nhân viên chính phủ nghỉ hưu ở độ tuổi 50 hay những hành vi của dược sĩ làm tăng giá thuốc có thể được coi là những hành vi không thể bào chữa được trong hầu hết các nước châu Ấu với hệ thống xã hội tương đối giống nhau.
Ở Italia, Thủ tướng Mario Monti đã phát động một loạt chương trình nhằm khắc phục tình trạng trốn thuế và củng cố thị trường lao động và thắt chặt mạng lưới an toàn xã hội.
Không thể nói trước được tình hình cuối cùng sẽ như thế nào sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc. Trước khi cuộc khủng hoảng nổ ra, các nhà lãnh đạo châu Âu đã theo đuổi một mô hình xã hội với cái tên có thể tạm dịch là “linh hoạt và an toàn” , hệ thống được lần đầu áp dụng bởi Đan Mạch và Hà Lan. Mô hình này được cho là có thể kết hợp được sự linh hoạt trong thị trường lao động với sự đảm bảo việc làm cho những nhân viên đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Cách tiếp cận này tập trung vào từng cá nhân hơn là chỉ nhằm đạt mục tiêu tìm được công việc cụ thể.
Nguồn DVT