Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc đã bùng nổ trong thập kỷ qua, trở thành thị trường dược phẩm lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ. Ảnh: Bloomberg.
Các tập đoàn dược phẩm chi hàng tỉ USD để khai thác dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Trung Quốc
Nhiều thỏa thuận đang được ký kết liên tục
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn ChinaBio, 271 quan hệ đối tác cấp phép xuyên biên giới đã được thỏa thuận vào năm 2020 giữa các tập đoàn đa quốc gia bao gồm Roche, Bayer, AbbVie và Pfizer và các công ty dược phẩm của Trung Quốc. Sự hợp tác bao gồm các thử nghiệm lâm sàng, phát triển, thương mại hóa và chia sẻ dữ liệu, tăng gần 50% so với năm 2019 và hơn 300% kể từ năm 2015.
Nhân viên làm việc tại trung tâm phát triển dược phẩm giai đoạn đầu của Asymchem Laboratories Inc, tại Thiên Tân, Trung Quốc. Khoảng 80% dược phẩm bán ở Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: VCG. |
Các thỏa thuận đang được ký kết bất chấp những lo ngại về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và sự an toàn của dữ liệu chăm sóc sức khỏe của Mỹ ở Trung Quốc, khi các nhà phân tích cho rằng thị trường này quá lớn và phát triển nhanh nên không thể bỏ qua.
Năm 2016, ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc đã vượt qua Nhật để trở thành ngành công nghiệp lớn thứ 2 thế giới và dự kiến sẽ vượt qua Mỹ trong vòng 3 năm. Chi tiêu cho dược phẩm ở Trung Quốc đạt tổng cộng 137 tỉ USD vào năm 2018, có thể đạt 140-170 tỉ USD vào năm 2023.
“Đã có sự gia tăng trong cả hai thương vụ, trong đó các công ty Trung Quốc sẽ phát triển và thương mại hóa các ứng cử viên thuốc sáng tạo được phát hiện bởi các công ty phương Tây và nơi các công ty đa quốc gia sẽ làm điều tương tự với các loại dược phẩm tiên tiến do Trung Quốc phát minh bên ngoài Trung Quốc”, ông Sam Thong, Chủ tịch nhóm chăm sóc sức khỏe Goldman Sachs thuộc bộ phận ngân hàng đầu tư châu Á.
Quan hệ đối tác với các tập đoàn dược phẩm Trung Quốc đạt kỷ lục năm 2020
Theo chiến lược “Made in China 2025”, một kế hoạch được thiết kế để thúc đẩy các mục tiêu công nghệ và sản xuất của Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đặt mục tiêu cho các công ty dược phẩm trong nước để đạt được tiến bộ về đổi mới và hợp lý hóa quy trình phê duyệt thuốc.
Trong một động thái nhằm thúc đẩy nhu cầu, chương trình bảo hiểm y tế nhà nước của Trung Quốc cũng đã bổ sung thêm nhiều loại thuốc có nhãn hiệu, không phải thuốc gốc vào danh sách những thuốc đủ điều kiện để hoàn trả cho bệnh nhân, bao gồm các sản phẩm của các công ty nước ngoài như Novartis.
Các công ty dược phẩm phương Tây cũng báo cáo những lợi ích tài chính từ các chiến lược đối với Trung Quốc của họ. Công ty dược phẩm Mỹ Eli Lilly đã đồng ý một thỏa thuận trị giá 255 triệu USD với công ty công nghệ sinh học Junshi Biosciences được niêm yết tại Thượng Hải vào tháng 5.2020 để hợp tác điều trị kháng thể COVID-19. Theo báo cáo công ty, lợi nhuận hàng quý tăng 41% vào tháng 1.2021.
Pfizer cũng đồng ý một thỏa thuận trị giá 480 triệu USD vào tháng 9 với CStone Pharmaceuticals. Thỏa thuận này mang lại cho tập đoàn Mỹ 9,9% cổ phần trong công ty niêm yết ở Hồng Kông, tập trung vào các loại thuốc điều trị ung thư miễn dịch, cũng như giấy phép độc quyền để thương mại hóa thuốc điều trị ung thư của CStone ở Trung Quốc.
Đối với các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc, quan hệ đối tác có thể được sử dụng như một bệ phóng cho tham vọng toàn cầu của họ. Điều đó cho phép các công ty tiến hành thử nghiệm và giành được sự chấp thuận thương mại cho các sản phẩm của họ ở phương Tây.
Quan hệ đối tác với các tập đoàn dược phẩm Trung Quốc đạt kỷ lục vào năm 2020. Ảnh: ChinaBio Consulting. |
Eli Lilly đã ký hợp đồng cấp phép trị giá hơn 1 tỉ USD với tập đoàn ung thư học Innovent có trụ sở tại Tô Châu vào tháng 8 năm ngoái để độc quyền đối với liệu pháp điều trị ung thư phổi bên ngoài Trung Quốc.
AbbVie, một tập đoàn dược phẩm khác của Mỹ, đã đồng ý trả cho công nghệ sinh học I-Mab ở Trung Quốc lên tới 2 tỉ USD để được tiếp cận với loại thuốc điều trị ung thư thử nghiệm vào tháng 9.2020.
Bà Cathy Zhang, người đứng đầu bộ phận chăm sóc sức khỏe của Morgan Stanley cho các thị trường vốn toàn cầu ở châu Á, cho biết: “Đây là một bước quan trọng đối với các công ty Trung Quốc vì nó xác nhận năng lực của họ trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm với tiêu chuẩn toàn cầu”.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chịu áp lực phải bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ. Đây vốn là vấn đề nước này luôn bị các công ty nước ngoài phàn nàn lâu nay.
Các chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ cũng lo lắng về việc Bắc Kinh có quyền truy cập vào dữ liệu chăm sóc sức khỏe của Mỹ, đặc biệt là thông tin bộ gen, vì cả lý do riêng tư và lo ngại về khả năng sử dụng dữ liệu đó để giúp phát triển vũ khí sinh học.
Có thể bạn quan tâm:
► Trung Quốc đang chứng tỏ vẫn là "cái nôi" nguyên liệu cho ngành chăm sóc sức khỏe toàn cầu