Khi nền kinh tế chậm lại, thương mại điện tử cũng chậm lại. Ảnh: Reuters.
Các nhà bán lẻ thương mại điện tử Trung Quốc trước cuộc chiến sinh tồn
Các nhà bán lẻ thương mại điện tử Trung Quốc đang gặp khó với những thách thức để duy trì hoạt động, khi tăng trưởng doanh số chậm lại, áp lực giá cả tăng cao và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các nền tảng mua sắm khác nhằm thu hút các khách hàng đang ngày càng tiết kiệm chi tiêu cho việc mua sắm.
Trong quá khứ, ngành thương mại điện tử đã phát triển mạnh mẽ nhờ vào các đợt mua sắm rầm rộ với sự tham gia của những ngôi sao và các sự kiện lớn. Tuy nhiên, ngành này hiện đang chịu tác động nặng nề từ sự suy yếu của nền kinh tế, dẫn đến việc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu.
Những chương trình giảm giá lớn, các chiến dịch bán hàng do những người có sức ảnh hưởng đại diện và chính sách hoàn trả dễ dàng từng giúp ngành thương mại điện tử phát triển thực tế lại đang gây ra những tác động tiêu cực đối với các nhà bán lẻ, những người đóng vai trò quan trọng trong ngành này.
“Thời kỳ hoàng kim của thương mại điện tử đã qua. Năm nay có sự cạnh tranh khốc liệt và tôi không nghĩ nhiều người bán sẽ tồn tại được thêm ba năm nữa”, ông Lu Zhenwang, CEO công ty tư vấn Wanqing Consultancy, cho biết.
Biên lợi nhuận của các nền tảng lớn như Alibaba và JD.com, cũng như tại hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ tham gia vào làn sóng bùng nổ thương mại điện tử bắt đầu từ khoảng năm 2013 bị thu hẹp. Ở thời điểm năm 2013, sự bùng nổ đã giúp thương mại điện tử chiếm 27% thị trường bán lẻ, với giá trị hàng hóa được bán ra hàng năm lên đến 12 nghìn tỉ nhân dân tệ (1,65 nghìn tỉ USD).
Nhưng khi nền kinh tế chậm lại, thương mại điện tử cũng chậm lại, với tốc độ tăng trưởng hai con số trong những năm gần đây dự kiến sẽ chỉ còn một con số, theo dữ liệu từ Euromonitor.
Bảo vệ người mua hàng
Khi tác động của đà chậm lại bắt đầu rõ ràng, các nhà bán lẻ đã có động thái phản đối những tác động phụ từ các chiêu trò bán hàng. Trong sự kiện mua sắm trực tuyến "618", lấy từ ngày thành lập 18/6 của JD.com, chủ sở hữu thương hiệu thời trang nữ Inman đã kêu gọi chính quyền hạn chế các chính sách "bảo vệ hoàn trả hàng" của các nền tảng buộc người bán phải chịu chi phí hoàn trả.
Những chính sách này ban đầu được áp dụng trên nền tảng giá rẻ Pinduoduo của PDD từ năm 2021 và sau đó đã trở nên phổ biến đến mức các nền tảng khác cũng áp dụng theo. Việc này đã gây tổn hại lớn cho các nhà bán lẻ.
“Tỉ lệ hoàn trả trên các nền tảng thương mại điện tử là 60%. Trước khi có các chính sách thì tỉ lệ này chỉ khoảng 30%”, ông Fang Jianhua, nhà sáng lập Inman, cho biết.
Theo ông Jianhua, các nền tảng lớn, nơi mà các nhà bán lẻ phụ thuộc vào, không nên áp dụng các chính sách "ưu tiên người tiêu dùng" làm gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, nhiều trong số đó phải bán dưới giá thành để duy trì vị trí cao trong kết quả tìm kiếm giữa nhiều sự kiện giảm giá. Các chính sách bảo vệ hoàn trả đã khiến tỉ hoàn trả tăng vọt trong các ngành hàng như thời trang.
Một số nhà bán lẻ cho biết mặc dù tỉ lệ hoàn trả trong ngành thời trang luôn ở mức tương đối cao, tỉ lệ này đã tăng vọt kể từ khi chính sách yêu cầu người mua phải trả tiền ship khi trả lại hàng bị bãi bỏ.
Lỗ chồng lỗ
Một nguồn tin cho biết, người tiêu dùng đã tăng tỉ lệ hoàn trả các sản phẩm mua trong lúc ngẫu hứng, gây ra những khó khăn đáng kể cho các các doanh nghiệp bán lẻ nhỏ, khiến họ bấp bênh trong việc quản lý nguồn tài chính. Tuy nhiên, tỉ lệ hoàn trả chỉ là một phần nhỏ của những thách thức mà các doanh nghiệp này đang đối mặt. Chi phí cao để thu hút lượng truy cập và cộng tác với những người có sức ảnh hưởng cho các buổi livestream cũng là việc cần lưu ý.
Các nhà bán lẻ đang cảm nhận được tác động của việc các nhà máy bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng với giá xuất xưởng. Do đó, một số doanh nghiệp bán lẻ trên Pinduoduo đã phải hoạt động với mức lỗ trong hai năm. “Những công ty này không có nhiều hy vọng rằng giá bán cuối cùng sẽ đủ để bù đắp chi phí của mình, nhưng họ vẫn phải tiếp tục kinh doanh thông qua Pinduoduo, nếu không họ sẽ phải đóng cửa nhà máy”, Giáo sư kinh tế He-Ling Shi, Đại học Monash (Melbourne), cho biết.
Giới chuyên gia cũng nhận định, môi trường kinh doanh hiện nay rất khó khăn do sự gia tăng của thương mại điện tử đã tạo ra hiệu ứng "neijuan" (nghĩa là làm việc nhiều hơn nhưng thu lại ít hơn) trong tiếng Trung. Không có dấu hiệu tăng trưởng doanh số nào, bởi vì không có khách hàng mới và thu nhập trung bình của người dân không tăng lên như thời kỳ 10 năm trước. Chỉ có sự cạnh tranh, không chỉ giữa các nền tảng thương mại điện tử, mà còn giữa các doanh nghiệp bán lẻ. Đây là tình hình mới của ngành thương mại điện tử tại Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm:
Số người giàu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng đột biến
Nguồn Reuters