Thứ Năm | 14/11/2013 09:09

Các công ty phương Tây đã quá chậm chân trước cơ hội đầu tư vào Myanmar

Một số doanh nghiệp Mỹ và châu Âu liên tục đòi hỏi Myanmar đưa ra nhiều điều kiện đầu tư hấp dẫn hơn.
Theo một cố vấn kinh tế của tổng thống Myanmar, các công ty phương Tây đang chậm chân hơn những đối thủ đến từ Trung Quốc và các nước châu Á trong việc đầu tư vào Myanmar.

Giáo sư Aung Tun Thet cho rằng một số doanh nghiệp Mỹ và châu Âu liên tục đòi hỏi Myanmar đưa ra nhiều điều kiện đầu tư hấp dẫn hơn.

Giáo sư cho biết, lẽ dĩ nhiên là các công ty nước ngoài phải cân nhắc lợi ích doanh nghiệp, nhưng nếu họ quá thận trọng với việc đầu tư vào Myanmar họ sẽ để tuột mất cơ hội. "Nếu có cơ hội đầu tư hấp dẫn, sẽ có người tận dụng cơ hội đó."

Nhận xét của ông cho thấy sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa các công ty nước ngoài đang thận trọng trước những cơ hội đầu tư vào Myanmar và chính phủ Myanmar đang nỗ lực để đạt được tiến bộ thực sự trong việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trước cuộc bầu cử quốc gia diễn ra vào năm 2015. Nhiều nhà đầu tư quốc tế đã hoãn việc đầu tư vào thị trường mới nổi có tiềm năng tăng trưởng lớn do lo ngại về cơ sở hạ tầng, ổn định chính trị và luật pháp.

Giáo sư Thet ca ngợi một số công ty Mỹ và châu Âu đã mạo hiểm đầu tư vào Myanmar từ khi chính quyền quân sự chuyển giao quyền lực cho chính phủ bán dân sự trong năm 2011. Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn còn nhiều nhà đâu tư đã bỏ lỡ cơ hội khi để Trung Quốc chiểm tới 40% lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Myanmar.

Các khoản đầu tư của các công ty phương Tây chiếm một phần rất nhỏ và tốc độ đầu tư rất chậm kể từ khi tổng thống Thein Sein lên năm quyền vào tháng 3 năm 2011.

Chính phủ Myanmar vẫn lắng nghe yêu cầu của các nhà đầu tư và áp dụng các chính sách đầu tư ưu đãi như giảm thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và miễn thuế, tuy nhiên các công ty nước ngoài liên tục đòi hỏi sự thay đổi về luật đầu tư và các quy định giải quyết tranh chấp trong kinh doanh.

"Các công ty nước ngoài liên tục đòi hỏi các ưu đãi về đầu tư. Việc ưu đãi của Myanmar cũng chỉ có giới hạn nhất định vì chúng tôi cũng cần phải tính tới lợi ich quốc gia."

Giá trị các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực từ năng lượng cho tới khai thác tài nguyên thiên nhiên tại Myanmar lên tới 14 tỷ USD tương đương 41,7% tổng giá trị đầu tư nước ngoài tại Myanmar tính tới cuối tháng 10.

Trong khi đó Anh chỉ chiếm vị trí thứ 5 với 2,5 tỷ USD và Pháp với 480 triệu USD.

Các công ty đa quốc gia đầu tư vào Myanmar gồm Coca-Cola, British American Tobacco và Nissan. Tuy nhiên vẫn còn nhiều công ty chưa đầu tư vào Myanmar do lo ngại lệnh trừng phạt của Mỹ và bong bóng bất động sản đẩy giá nhà ở Yangon cao hơn Bangkok và một số thành phố khác trong khu vực.

Sự thận trọng của các công ty phương Tây đã làm thất vọng một số nhà lãnh đạo giới doanh nghiệp và các nhà ngoại giao. Ông Roger Gifford, thị trưởng London, tuyên bố sẽ tiến hành chuyến thăm tới Myanmar vào tháng trước cho rằng công ty của Anh đã chậm chân trong việc tiến vào thị trường 60 triệu dân, có thể lên tới 200 tỷ USD vào năm 2030.

Giáo sư cho biết, "Các công ty như Coca- Cola và Nissan vẫn tới Myanmar với môi trường đầu tư như vậy. Tôi không hiểu lý do tại sao các công ty khác lại không làm như vậy."

Ông nói đầu tư nước ngoài không chỉ có ý nghĩa xây dựng nền kinh tế mà còn giải quyết các vấn đề xã hội ở một quốc gia mà các dịch vụ xã hội đã xuống cấp nghiêm trọng trong thời gian Myanmar ở dưới chế độ chính quyền độc tài, bị cô lập về chính trị và trừng phạt về kinh tế.

Ông kêu gọi các công ty dược phẩm và sản xuất thiết bị y tế đa quốc gia đầu tư vào Myanmar để đối phó với nạn thuốc giả tràn vào nước này từ Ấn Độ, Bangladesh và Thái Lan. Đây là yêu cầu khẩn thiết của Myanmar.

Nguồn Dân Việt/Financial Times


Sự kiện