Thứ Sáu | 18/04/2014 15:23

Bỏ cổ phiếu, giới đầu tư buôn tranh

Để đa dạng hóa danh mục, giới đầu tư đổ tiền vào các quỹ đầu tư nghệ thuật, kiếm lời bằng cách mua và bán lại các tác phẩm có giá trị.

Tăng trưởng trong ngành này đã giúp các phiên đấu giá quốc tế gần đây liên tiếp lập kỷ lục, thu về 66 tỷ USD năm ngoái. "Mọi người đang tìm những lĩnh vực mới để đổ tiền. Và hiện tại là nghệ thuật", Jon Reade- đồng sáng lập hãng môi giới Art Futures (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết.

Cũng như cổ phiếu, các quỹ tìm mua tác phẩm họ cho là bị định giá thấp, có thể từ các họa sĩ mới nổi. Họ cũng có thể mua tranh của các tác giả danh tiếng, tương tự cổ phiếu blue-chip, do chúng khá bảo đảm về mặt lợi nhuận.

Một số quỹ lại tập trung đầu tư vào tác phẩm từ một khu vực, một thời kỳ hay phong cách nhất định. Chiến lược khác là mua chùm, từ một triển lãm hoặc họa sĩ gần phá sản, hoặc đưa các tác phẩm đang có vào một cuộc trưng bày để tăng khả năng bán được với giá cao.

Các nhà quản lý quỹ phải dự đoán khi nào một tác phẩm sẽ có giá cao nhất. Đây là thời điểm vàng để kiếm lời. Để làm được việc này, họ cần phải theo dõi nhiều chỉ số từ các hãng đấu giá hay trung tâm triển lãm để nắm bắt xu hướng hiện tại.

Tuy nhiên, những quỹ này đòi hỏi phí tham gia khá lớn. Ví dụ, nếu muốn đầu tư vào Fine Art Fund Group London, bạn sẽ phải đổ vào đây tối thiểu 500.000 USD. "Đây là con số rất lớn. Vì thế, đây không phải là nơi dành cho các góa phụ, nhà đầu tư nhỏ hoặc trẻ mồ côi. Nó đơn thuần cho người giàu và nhà đầu tư tổ chức mà thôi", CEO quỹ này - Philip Hoffman cho biết trên CNN.

Các quỹ này tương đối mới mẻ và có tài sản khoảng 2 tỷ USD trên toàn cầu, theo Hiệp hội Quỹ đầu tư Nghệ thuật. Con số này vẫn rất thấp so với 2.600 tỷ USD ngành công nghiệp quỹ đầu tư toàn cầu. Dù vậy, nó cũng đã giúp kéo lên một số ngành liên quan, như kinh doanh địa điểm cất giữ các tác phẩm nghệ thuật và hàng xa xỉ.

j

Giới phân tích dự đoán nhu cầu quỹ này sẽ tăng mạnh tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Nhu cầu từ Trung Quốc đã giúp ngành này tăng trưởng 69% trên toàn cầu năm 2012, theo báo cáo của hãng kiểm toán Deloitte.

Người Trung Quốc chuộng loại hình đầu tư này do họ có quá ít lựa chọn trong nước. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ đây cũng khá lớn. Quy mô thị trường nghệ thuật đương đại Trung Quốc đã tăng 15% mỗi năm trong thập kỷ qua, trong khi chứng khoán gần như đứng yên, Jianping Mei – giảng viên Đại học New York cho biết.

Dù vậy, nhiều người cho rằng thiếu sự quản lý và bản chất mơ hồ của nghệ thuật khiến kênh đầu tư này rất rủi ro. Một số thậm chí cáo buộc các giám đốc quản lý quỹ lợi dụng sự thiếu minh bạch để nâng giá các họa sĩ hoặc tác phẩm, nhằm tăng giá trị cho quỹ.

Bên cạnh đó, nghệ thuật cũng không phải là tài sản thanh khoản cao như cổ phiếu hay trái phiếu. Các nhà đầu tư sẽ phải nắm giữ chúng nhiều năm liên, và phải trả chi phí bảo hiểm, cất giữ suốt thời gian đó.

Tuy nhiên, những người ủng hộ cho biết chính những việc này đã khiến nghệ thuật trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, lợi nhuận cao. "Khi mua một bức tranh đẹp, anh có thể treo tường và thưởng thức nó hàng ngày. Giá trị của nó cũng sẽ tăng dần, khi thị trường đang ngày càng nóng lên", Diana Wierbicki - chuyên gia nghiên cứu luật tại Withers cho biết.

Nguồn VnExpress


Sự kiện