Bê bối bủa vây các ứng cử viên tổng thống Pháp trước vòng bầu cử cuối
Hôm 28/4, nghị sĩ Xã hội Julien Dray đã mời giám đốc chiến dịch của ông Hollande, Pierre Moscovici, giám đốc thông tin Manuel Valls và người bạn đời cũ Segolene Royal tới một buổi tiệc rượu mừng sinh nhật ông Dray.
Nhưng ông không báo trước với họ rằng ông cũng đã mời Strauss-Kahn dự tiệc. Bà Royal nổi giận khi biết có tên ông Strauss-Kahn trong danh sách khách mời và đã bỏ về, nhưng tin tức về buổi tiệc có nguy cơ gây bất lợi cho chiến dịch của ông Hollande và ông này đã buộc phải lên tiếng công khai cắt đứt quan hệ với Strauss-Kahn, vốn là ứng viên tiềm tàng của phe Xã hội.
Valls, một nhân vật cấp cao trong đảng được cho là sẽ có ghế bộ trưởng quan trọng ở bất cứ chính phủ nào của ông Hollande, từ chối bình luận về vụ việc và khẳng định nó không liên quan gì tới chiến dịch tranh cử hay sự bận tâm của các cử tri.
Nhưng ban vận động của ông Sarkozy - đang cố gắng lôi kéo 6,4 triệu cử tri đã ủng hộ ứng viên cực hữu Marine Le Pen ở vòng một tuần trước - không bỏ lỡ cơ hội này để tăng cường chỉ trích đối thủ.
Vụ bê bối xảy ra trong bối cảnh những cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy ông Hollande sẽ thắng ở vòng hai vào ngày 6-5 tới với 54% số phiếu so với 46% của ông Sarkozy.
Bản thân Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng đang phải đối diện với những bê bối riêng.
Cũng trong hôm 28/4, trang mạng điều tra Mediapart đăng tải một văn bản tài liệu của chế độ cũ Libya có chi tiết về việc gây quỹ bất hợp pháp vào năm 2006 của Tripoli cho chiến dịch tranh cử tổng thống 2007 của ông Sarkozy.
Theo tài liệu này, Tripoli đồng ý chi cho chiến dịch tranh cử 2007 của ông Sarkozy số tiền 50 triệu euro (66 triệu USD).
Bashir Saleh, chánh văn phòng của ông Gaddafi và người đứng đầu quỹ đầu tư nhà nước 40 tỷ USD của Libya, phủ nhận các thông tin của Mediapart. Saleh hiện đang sống ở Pháp và luật sư của ông, Pierre Haik, gửi cho hãng tin AFP một tuyên bố bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về mức độ chân thực của văn bản.
Hôm 2/5 tới đây, sẽ có một cuộc tranh luận giữa hai ứng viên được truyền hình trực tiếp, có thể là cơ hội bứt phá cuối cùng của ông Sarkozy.
Nguồn Vietnam+