Thành phố Thái Nguyên ở miền trung Trung Quốc đã chứng kiến GDP tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong ba quý đầu năm 2022. Anh: Getty Images.
Bất động sản không còn là động lực kinh tế của Trung Quốc
Tháng trước, Trung Quốc bất ngờ ngừng hàng loạt biện pháp phong tỏa và yêu cầu xét nghiệm Covid, vốn đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của nước này trong 18 tháng qua. Dù đưa ra các cảnh báo về một con đường gập ghềnh sau khi mở cửa trở lại hoàn toàn, thì các nhà phân tích vẫn kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi sớm hơn dự báo trước đó.
Theo các nhà kinh tế, các yếu tố làm nền tảng cho sự tăng trưởng trong tương lai chắc chắn sẽ khác so với ba năm trước.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng đầu tư hàng đầu Trung Quốc, CICC, cho biết mô hình tăng trưởng của Trung Quốc đang chuyển từ phụ thuộc nhiều vào bất động sản và cơ sở hạ tầng sang mô hình kinh tế xanh và kỹ thuật số. Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đổi mới sáng tạo, như đã được đề cập trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 của Trung Quốc.
Theo ước tính của CICC, trong 5 năm tới, đầu tư tích lũy vào nền kinh tế kỹ thuật số dự kiến sẽ tăng hơn 7 lần, đạt 77,9 nghìn tỉ nhân dân tệ (11,13 nghìn tỉ USD).
Con số này vượt qua đầu tư tích lũy dự báo rót vào ngành bất động sản, cơ sở hạ tầng truyền thống hay kinh tế xanh. Theo đó, kinh tế số sẽ là hạng mục có đầu tư lớn nhất trong 4 hạng mục.
Năm 2021 và 2022, bất động sản là hạng mục đầu tư lớn nhất, nhưng CICC cho biết đầu tư vào bất động sản năm nay đã giảm khoảng 22% so với năm ngoái, trong khi đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật số và kinh tế xanh lần lượt tăng khoảng 24% và 14%.
Xuất khẩu mờ dần
Theo Wind Information, xuất khẩu của Trung Quốc bắt đầu giảm so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 10 - lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020. Nhưng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã tăng lên, vượt qua xuất khẩu sang Mỹ và EU trên cơ sở hàng tháng vào tháng 11, theo dữ liệu hải quan.
“Xuất khẩu sang các nước ASEAN có thể đóng vai trò như một bước đệm nhẹ trước những áp lực tại thị trường EU và Mỹ,” nhà kinh tế Trung Quốc Xiaowen Jin của Citi cho biết. Họ kỳ vọng tăng trưởng GDP của ASEAN sẽ phục hồi vào năm 2023, trong khi Mỹ và EU trong năm tới có xu hướng suy thoái.
Ông Jin chỉ ra rằng xuất khẩu ô tô của Trung Quốc, đặc biệt là ô tô điện và các linh kiện liên quan, đã giúp hỗ trợ xuất khẩu tổng thể trong năm nay. Bắc Kinh đã nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô điện quốc gia. Nhiều thương hiệu, từ Nio đến BYD, đã bắt đầu bán xe sang châu Âu và các nước khác.
Người tiêu dùng quay trở lại?
“Xuất khẩu giảm tốc nhanh chóng đồng nghĩa với việc Trung Quốc cần khai thác thị trường nội địa để tăng trưởng trong tương lai gần,” ông Hao Zhou, nhà kinh tế tại Guotai Junan Securities, cho biết trong một báo cáo ngày 15/12. “Với việc nới lỏng các hạn chế COVID, tiêu dùng có thể sẽ phục hồi bền vững và đóng vai trò quan trọng từ năm tới.”
Ông kỳ vọng doanh số bán lẻ sẽ tăng 6,8% trong năm tới và GDP quốc gia sẽ tăng 4,8%.
Chính phủ trung ương trong tháng này đã thông báo ưu tiên thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Kể từ khi đại dịch bùng phát, tăng trưởng doanh thu bán lẻ của nước này sụt giảm mạnh, đặc biệt là khi người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Trung Quốc từ 4,5% lên 5,2% nếu Trung Quốc mở cửa trở lại sớm hơn dự báo, trong đó tiêu dùng sẽ là một động lực chính.
Tuy nhiên, họ cảnh báo rằng thu nhập và niềm tin của người tiêu dùng sẽ cần thời gian để hồi phục, có nghĩa là bất kỳ đợt giải phóng “nhu cầu bị dồn nén” nào trong năm tới đều có thể bị hạn chế và du lịch nước ngoài không nằm trong số này.
Có thể bạn quan tâm:
Siêu dự án dưới lòng đất hàng tỉ USD của Singapore
Nguồn CNBC