Chính phủ Anh vừa bật đèn xanh cho Equinor phát triển một mỏ dầu khí khổng lồ gần Shetland ở Scotland.. Ảnh: Getty Images.
Anh phê duyệt dự án dầu khí khổng lồ gây tranh cãi ở Biển Bắc
Theo CNN, Chính phủ Anh đã phê duyệt dự án phát triển một mỏ dầu khí khổng lồ ở Biển Bắc 27/9, khẳng định cam kết tiếp tục sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập kỷ tới.
Mỏ Rosebank, nằm ở phía tây bắc Shetland ở Scotland và do công ty năng lượng nhà nước Equinor của Na Uy sở hữu phần lớn, là mỏ dầu khí chưa phát triển lớn nhất ở Biển Bắc, với tiềm năng sản xuất 500 triệu thùng dầu.
Kế hoạch xây dựng cơ sở khai thác này đã gây ra sự chỉ trích gay gắt về tác động của nó đối với cuộc khủng hoảng khí hậu và khả năng của Vương quốc Anh trong việc đáp ứng cam kết giảm lượng khí thải carbon ròng xuống 0 vào năm 2050.
Người phát ngôn của cơ quan quản lý dầu khí thuộc Cơ quan chuyển tiếp Biển Bắc cho biết: “Hôm nay chúng tôi đã phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ Rosebank cho phép các chủ sở hữu tiến hành dự án của họ.” Người phát ngôn cho biết thêm, quyết định đã được đưa ra có tính đến lượng phát thải ròng bằng 0 trong suốt vòng đời của dự án.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak mới đây cho biết ông muốn tận dụng tối đa hoạt động phát triển dầu khí ở Biển Bắc và cấp hàng trăm giấy phép mới. Ông Sunak lập luận rằng lượng dự trữ dầy này sẽ mang lại an ninh năng lượng cho Vương quốc Anh và giúp giảm các hóa đơn chi tiêu.
“Ngay cả khi chúng ta đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, 1/4 nhu cầu năng lượng của chúng ta sẽ đến từ dầu khí.”, ông Sunak nói trong một tuyên bố vào tháng 7.
Nhưng các nhà phê bình cho rằng Anh xuất khẩu 80% lượng dầu của mình.
“Rosebank sẽ không làm giảm hóa đơn nhiên liệu hoặc tăng cường an ninh năng lượng của Vương quốc Anh.” Ông Tessa Khan, Giám đốc điều hành của tổ chức vận động Uplift của Anh kiêm luật sư về khí hậu, cho biết. Theo ông, phần lớn lượng dầu này sẽ được vận chuyển ra nước ngoài và sau đó bán lại cho chính nước Anh với bất kỳ giá nào giúp ngành dầu khí thu được nhiều lợi nhuận nhất.
Các nhóm khí hậu cũng cho rằng việc tiếp tục sản xuất nhiên liệu hóa thạch mới trong nhiều thập kỷ tới sẽ đe dọa đến các cam kết về khí hậu của Vương quốc Anh.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết vào năm 2021 rằng có thể không có mỏ dầu khí mới nào nếu thế giới thật sự muốn hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Bà Lyndsay Walsh, Cố vấn chính sách về biến đổi khí hậu tại Oxfam, cho biết Dự án Rosebank sẽ khiến Vương quốc Anh ngày càng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tăng lượng khí thải trong khi các đợt nắng nóng kỷ lục, lũ lụt và cháy rừng hủy hoại nhiều sinh mạng.
Một phân tích từ Uplift cho thấy tình trạng ô nhiễm làm nóng hành tinh do Rosebank tạo ra sẽ đủ để đẩy Vương quốc Anh vượt quá các mục tiêu về khí hậu từ năm 2028 trở đi.
Bà Claire Coutinho, Bộ trưởng an ninh năng lượng của Vương quốc Anh, cho biết Rosebank sẽ mang lại việc làm và giúp Vương quốc Anh giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu khí.
Rosebank có quy mô gấp đôi mỏ dầu Cambo đang gây tranh cãi, cũng ở Biển Bắc, dự kiến được phát triển cho đến khi Shell rút khỏi dự án vào năm 2021, vì lý do kinh tế.
Sự chấp thuận được đưa ra chỉ một tuần sau khi ông Sunak tuyên bố trì hoãn các cam kết quan trọng về khí hậu, bao gồm cả việc đẩy lùi lệnh cấm bán ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel cũng như tạm hoãn kế hoạch loại bỏ dần các lò hơi đốt gas. Các chuyên gia về khí hậu cho biết những quyết định đó cũng sẽ khiến Vương quốc Anh gặp khó khăn hơn nhiều trong việc đáp ứng các cam kết về phát thải ròng bằng 0 của mình.
Có thể bạn quan tâm:
Indonesia cấm bán hàng trên mạng xã hội để bảo vệ tiểu thương
Nguồn CNN