Ấn Độ là nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất châu Á
Ấn Độ là một trong những nước có tỷ lệ lạm phát cao hàng đầu thế giới và cao nhất châu Á.
Tăng trưởng yếu và lạm phát cao tại Ấn Độ đã gây khó khăn cho sự lựa chọn chính sách của Ngân hàng Trung ương nước này (Ngân hàng dự trữ Ấn Độ-RBI).
Các số liệu do Văn phòng thống kê Trung ương (CSO) công bố cho thấy sản lượng công nghiệp của Ấn Độ chỉ tăng 1,8% trong tháng 10/2013 so với mức tăng 8,4% của tháng tương ứng năm 2012, mặc dù hồi tháng 9/2013, sản lượng công nghiệp đã đạt mức tăng 2%, làm dấy lên tia hy vọng phục hồi.
Các số liệu thống kê về sản lượng công nghiệp cho thấy lĩnh vực chế tạo giảm 2% trong tháng 10/2013 so với mức tăng 9,9% trong tháng 10/2012; lĩnh vực khai mỏ giảm 3,5% so với mức giảm 0,2%; lĩnh vực hàng tiêu dùng giảm 5,1% so với mức tăng 13,8%; hàng tiêu dùng lâu bền giảm tới 12% so với mức tăng 16,7% cùng kỳ.
Điện lực là lĩnh vực duy nhất có tăng trưởng, với mức tăng 1,3% trong tháng 10/2013 so với mức tăng 5,5% cùng tháng này năm 2012.
Lạm phát giá bán lẻ tại các vùng nông thôn Ấn Độ vẫn ở mức 11,7%, trong khi tại đô thị là 10,5%, gây khó khăn cho cuộc sống của các hộ gia đình, đặc biệt là những gia đình có thu nhập thấp.
Lạm phát giá bán lẻ tăng cũng làm tăng thêm nỗi khổ cho đảng Quốc đại cầm quyền, vốn vừa bị thất bại trong các cuộc bầu cử viện lập pháp ở bốn bang.
Giá cả tăng, nhất là giá lương thực, được coi là một trong những yếu tố khiến cử tri tức giận và không bỏ phiếu cho Quốc đại.
Chính phủ Ấn Độ nói rằng họ đang triển khai các biện pháp để giảm lạm phát, song chính quyền các bang không cải cách các luật thị trường nông nghiệp cổ lỗ và không hành động chống những kẻ đầu cơ.
Thống đốc RBI, ông Raghuram Rajan, nói rằng tỷ lệ lạm phát hiện nay cao hơn mức dự định của ngân hàng, trong khi tăng trưởng yếu hơn ước đoán, do đó, cần phải xem xét chính sách một cách thận trọng.
RBI sẽ tiến hành cuộc họp thường kỳ để đánh giá lại chính sách tiền tệ vào tuần tới.
Những số liệu mới nhất về kinh tế, đặc biệt là tỷ lệ lạm phát bán lẻ cao, có thể buộc RBI phải tăng lãi suất để kiềm chế sức ép lạm phát đối với nền kinh tế./.
Nguồn Vietnamplus