Thứ Ba | 09/09/2014 15:22
Alibaba thay đổi hành vi mua sắm ở những "thành phố hạng 2" như thế nào?
Từ khi có Taobao và Tmall của Alibaba, Li Yuxin không còn phải cất công đi từ Zhangjiekou đến tận thủ đô Bắc Kinh để mua những bộ quần áo hợp mốt.
Li Yuxin nhớ lại, cô đã từng đi từ Zhangjiekou - thành phố đang sinh sống ở miền Bắc Trung Quốc - đến Bắc Kinh, để thăm người em gái cùng cha khác mẹ của mình và cũng để mua những bộ quân áo hợp mốt. Chắc chắn, Zhangjiekou cũng có những trung tâm mua sắm lớn với đầy những chiếc áo khoác rộng thùng thình, hay những chiếc áo phông rẻ tiền nhưng không có bất kỳ cửa hàng thời trang nào để Li Yuxin có thể mua đồ phụ kiện từ những thương hiệu cao cấp của nước ngoài như Prada hay thậm chí quần áo thể thao phổ biến của phương Tây như Nike và Adidas.
Nhưng kể từ khi bắt đầu đặt mua quần áo qua Taobao và Tmall - hai trang web của Alibaba, những lựa chọn của cô đã nhiều lên đáng kể cùng với những thứ cất trong tủ quần áo. "Có thể bây giờ tôi đang tiêu quá nhiều tiền, nhưng tôi phải đuổi kịp Li Zhu", người em gái cùng cha khác mẹ của cô đang sinh sống ở Thủ đô.
Thương mại điện tử đã nhanh chóng thay đổi bộ mặt mua sắm và tiếp thị tiêu dùng ở Trung Quốc. Cùng với sự nổi lên của Amazon ở Mỹ, vị thế của Alibaba cũng tăng lên rất nhanh chóng ở Trung Quốc và biến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai sau Mỹ.
Các thương hiệu quốc gia chưa bao giờ được tổ chức tốt ở Trung Quốc, vì vậy những thương hiệu này cũng không bao giờ có thể hy vọng người tiêu dùng trung thành hơn với các cửa hàng của họ.
Ngày nay, "chỉ có một tỷ lệ nhỏ trong hoạt động động mua bán trực tuyến của Trung Quốc được diễn ra trực tiếp giữa các nhà bán lẻ và người tiêu dùng, cho dù hình thức kinh doanh trực tuyến thuần túy vẫn được xuất hiện trên trang web của các nhà bán lẻ", theo báo cáo tháng 5/2013 của McKinsey. "Thay vào đó, hầu hết hoạt động mua sắm được thực hiện thông qua thị trường điện tử trực tuyến" và Alibaba lại sở hữu những thị trường điện tử trực tuyến quan trọng nhất tại Trung Quốc.
Giờ đây, những khách hàng như Li Yuxin có quyền truy cập hàng loạt các mặt hàng mà trước đây họ không thể xem hay mua được. Có lẽ một phần vì Li Yuxin và bạn bè của mình không có thật nhiều lựa chọn các mặt hàng mua sắm tại các cửa hàng địa phương, nên hoạt động mua sắm trực tuyến luôn chiếm một tỷ lệ lớn hơn trong thu nhập khả dụng của những người mua sắm tại Trung Quốc. Cụ thể, tại các thành phố vừa và nhỏ, tỷ lệ này là 27% và thấp hơn đôi chút ở những thành phố lớn nhất, với 18%.
Ngoài ra, để khỏa lấp khoảng trống giữa các thành phố kém phát triển với các thành phố phát triển tại Trung Quốc, nền tảng bán lẻ của Alibaba cũng được thiết lập để một số người tiêu dùng có thể mua các mặt hàng nhập khẩu cao cấp mà không phải chịu thuế, mặc dù đây là hình thức bất hợp pháp. Các trang web "Dai Gou" (trợ giúp mua hàng) trên Taobao cho phép khách hàng đặt hàng với các doanh nghiệp nhỏ, sau đó nhờ những thành viên trong gia đình vận chuyển lượng hàng nhỏ quần áo của các thương hiệu nổi tiếng quốc tế từ Seoul hoặc New York về Trung Quốc một cách nhanh chóng và đôi khi còn không phải chịu thuế.
Nguồn Theo DVO/ Business Week