Alibaba đang vung tiền tỷ đầu tư khắp thế giới như thế nào?
Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba của Trung Quốc vừa có thương vụ thâu tóm lớn nhất từ trước tới nay, đó là bỏ ra 1 tỷ USD để nắm cổ phần kiểm soát (67%) tại công ty Lazada Group có trụ sở ở Singapore. Đây là thương vụ đặt cược vào sự tăng trưởng tại thị trường hơn 600 triệu dân của Đông Nam Á, tờ Wall Street Journal bình luận.
Trang thương mại điện tử Lazada chuyên bán tất cả mọi thứ từ nồi cơm điện cho đến điện thoại di động, với độ phủ bao trùm cả 6 thị trường quan trọng nhất khu vực là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Trong năm 2015 vừa qua, công ty này cho biết tổng giá trị hàng hóa giao dịch qua hệ thống của họ (GMV) đã đạt 1,3 tỷ USD.
Với dòng tiền tự do (FCF) lên tới 3,7 tỷ USD, Alibaba đang vung tiền ra khắp thế giới nhằm mở rộng hoạt động trong các lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ logistics, truyền thông, cũng như lĩnh vực giải trí tại Trung Quốc và nước ngoài.
Trước thương vụ này, Alibaba đã đồng ý trả 266 triệu USD để mua lại tờ báo South China Morning Post (Hong Kong) vào tháng 12/2015.
"Toàn cầu hóa là một chiến lược quan trọng đối với sự phát triển của Alibaba trong cả hiện tại và tương lai", ông Michael Evans, Chủ tịch Alibaba, tuyên bố. Một phát ngôn viên của Alibaba cũng cho biết, việc đầu tư vào Lazada là nhằm tiếp cận hệ thống logistics, vốn được coi là "xương sống" của Lazada.
Các công ty Trung Quốc như Alibaba hiện đang đổ tiền thâu tóm các công ty khác trên thế giới nhằm tìm cách mở rộng thị trường, và đối phó với tình hình tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc. Thống kê cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc đã chi ra 92,3 tỷ USD cho các thương vụ M&A ở nước ngoài trong năm nay, từ ngành công nghiệp chất bán dẫn đến nông nghiệp. Con số này trong năm 2015 là 106,7 tỷ USD, theo dữ liệu của Dealogic.
Năm ngoái, Alibaba cùng Foxconn (Đài Loan) và SoftBank (Nhật Bản) đã tham gia đầu tư 500 triệu USD vào Snapdeal.com, startup thương mại điện tử hàng đầu của Ấn Độ. Năm 2014, Alibaba cũng đã mua cổ phần tại SingPost, công ty bưu điện chính của Singapore, với giá 249 triệu USD, và sang năm 2015 thì đầu tư tiếp 138 triệu USD.
Các thương vụ đầu tư ra nước ngoài của Alibaba trong thời gian qua. Nguồn: WSJ |
Bành trướng mạnh mẽ
Trong thỏa thuận với Lazada, Alibaba cho biết đã đầu tư 500 triệu USD để mua cổ phiếu mới phát hành và 500 triệu USD để mua lại cổ phần của cổ đông hiện hữu.
Tập đoàn siêu thị Tesco của Anh cho biết họ đã bán lại 8,6% cổ phần trong Lazada cho Alibaba với giá 129 triệu USD, và còn giữ lại 8,3% cổ phần. Cổ đông sáng lập Lazada là Rocket Internet của Đức cũng bán lại 9,1% cổ phần với giá 137 triệu USD, giữ lại 8,8%. Trong khi đó, công ty đầu tư của Thụy Điển là AB Kinnevik cũng bán 3,8% cổ phần với giá 57 triệu USD. Như vậy, Alibaba đã định giá Lazada ở mức 1,5 tỷ USD.
Khoản đầu tư này sẽ giúp Lazada "gia tăng tập trung vào thương mại điện tử, công nghệ, dịch vụ thanh toán và logistics", giám đốc điều hành Lazada là ông Maximilian Bittner cho biết vào hôm thứ Ba. Ông Bittner cũng nói rằng ông và đội ngũ quản lý sẽ "tiếp tục ở lại và làm việc chặt chẽ với Alibaba".
Lĩnh vực thương mại điện tử hiện chiếm chưa tới 1% doanh thu bán lẻ tại Đông Nam Á, thấp hơn nhiều so với con số 6% tại châu Âu hay 8% tại Trung Quốc và Mỹ, theo dữ liệu của A.T. Kearney.
"Alibaba vẫn có cơ hội phát triển hơn ở Trung Quốc, nhưng họ muốn sớm thâm nhập vào các thị trường mới nổi", Elinor Leung, nhà phân tích của CLSA nói. Bà cho rằng khoản đầu tư ban đầu không phải không có thách thức. Cơ sở hạ tầng yếu kém của Đông Nam Á và tốc độ internet chậm sẽ là những vấn đề mà Alibaba phải đối mặt.
Nhà phân tích này cũng cho rằng, Lazada sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và khả năng hậu cần của Alibaba. Khu vực Đông Nam Á không có nhiều hệ thống nhà kho rộng lớn, khả năng quản lý bằng công nghệ thông tin, hoặc hệ thống giao thông hoàn chỉnh, khiến việc vận chuyển hàng hóa có nhiều thử thách đáng kể.
"Alibaba có thể sẽ hỗ trợ mạnh về hạ tầng và hậu cần, giúp giảm chi phí và rút ngắn thời gian giao hàng", Nicole Peng, một nhà phân tích tại Canalys nhận định.
Còn các chuyên gia tại Forrester cho rằng, thỏa thuận giúp Alibaba thâm nhập vào một thị trường nơi mà ít có đối thủ cạnh tranh nào ngang tầm với họ. Việc mở rộng ra nước ngoài có thể khá tốn kém khi bao gồm chi phí xây dựng thương hiệu và đầu tư hậu cần. Nhưng đây cũng là cơ hội giúp cho Alibaba đẩy mạnh thương hiệu của mình, đồng thời tiếp tục sử dụng thương hiệu Lazada để phát triển hơn nữa.
An Phong
Nguồn WSJ