Alibaba đang hướng đến thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất trong lịch sử, có giá trị lên tới 24,3 tỷ USD, vượt qua vụ IPO lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại có quy mô 22,117 tỷ USD của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (Agricultural Bank of China - AGBank).
Nhưng chính xác thì điều gì khiến cho Alibaba có thể làm nên câu chuyện "Nghìn lẻ một đêm" kỳ diệu đến vậy?
Câu trả lời có thể đơn giản vì Alibaba là công ty thống trị ngành mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc. Nhưng thực ra, công ty được thành lập bởi Jack Ma, người từng là một giáo viên tiếng Anh, đã làm được nhiều hơn thế. Alibaba đã mở rộng đầu tư vào gần như mọi lĩnh vực liên quan đến cuộc sống của người Trung Quốc.
7 dịch vụ dưới đây đều do Alibaba cung cấp, phục vụ cho người tiêu dùng trong nước.
1. Mua sắm
"Con bò sữa" lớn nhất của Alibaba chính là Taobao, thị trường mua bán trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, với 8,4 triệu doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và dịch vụ mỗi năm.
Trong tiếng Trung Quốc, Taobao có nghĩa là "tìm kiếm kho báu" và người mua sắm có thể tìm thấy bất cứ thứ gì trên internet từ Taobao, bao gồm quần áo, giày dép, đồ điện tử,...
2. Vẫn là mua sắm, nhưng đẳng cấp hơn
Trong khi hầu hết các doanh nghiệp bán hàng trên Taobao đều là các công ty nhỏ, thì các thương hiệu lớn có thể được tìm thấy ở Tmall - một thị trường thương mại điện tử khác được Alibaba triển khai từ năm 2008.
Hàng loạt các tên tuổi lớn cung cấp hàng trên Tmall như Apple, Gap, Marks & Spencer, Esprit và Burberry.
Taobao và Tmall là "trái tim" của đế chế Alibaba. Hai trang web bán hàng trực tuyến này kết nối các nhà bán hàng với 279 triệu người mua sắm và doanh số bán qua Taobao và Tmall chạm ngưỡng gần 300 tỷ USD tính từ đầu năm đến tháng 6.
3. Đi taxi, ăn uống và xem phim
Nhưng đó chưa phải là tất cả! Một ứng dụng (app) của Taobao cho phép người tiêu dùng Trung Quốc có thể đặt chỗ ăn, gọi taxi hay mua vé xem phim. Đặc biệt, toàn bộ những giao dịch này đều được thực hiện qua điện thoại thông minh (smartphone).
4. Bản đồ
Gần đây, Alibaba đã mua lại AutoNavi, một đối thủ của Google Maps đến từ Trung Quốc. AutoNavi là một phần trong danh mục đầu tư đang được Alibaba phát triển nhanh chóng trên nền tảng điện thoại di động.
5. Giao hàng bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu
Alibaba sở hữu 48% cổ phần của công ty chuyên về hoạt động logictics của Trung Quốc là China Smart Logistics. Đây là công ty thành lập dựa trên liên doanh với các công ty logictics ở các địa phương. Mạng lưới hoạt động của China Smart Logistics có quy mô lên tới hơn 1.800 trung tâm phân phối và gần 100.000 trạm giao hàng.
6. Dịch vụ thanh toán
Người tiêu dùng Trung Quốc trả tiền cho tất cả những thứ họ mua thông qua Alibaba bằng cách nào? Họ sử dụng Alipay, dịch vụ xử lý phần lớn các giao dịch được thực hiện trên các trang web mua sắm của Alibaba và trên các ứng dụng di động.
Tuy nhiên, cấu trúc chủ sở hữu không cho phép Alipay tham gia vào vụ IPO lần này của Alibaba.
7. Đầu tư
Một đơn vị kinh doanh của Alibaba là Yu'e bao - quỹ đầu tư trên thị trường tiền tệ do Alipay điều hành. Với Yu'e bao, người tiêu dùng Trung Quốc có thể gửi tiền thông qua điện thoại thông minh và lợi nhuận mà Yu'e bao thu được cao hơn hẳn so với dịch vụ tương tự của các ngân hàng quốc doanh truyền thống tại Trung Quốc. Hàng chục triệu USD tiền gửi đã đổ vào quỹ Yu'e bao của Alibaba.
Với 7 lĩnh vực đầu tư từ thương mại điện tử, thanh toán, dịch vụ tài chính, logictics, bản đồ và ứng dụng di động, dường như Alibaba vẫn cảm thấy còn chưa đủ. Hãng thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc vẫn còn đang nhanh chóng mở rộng sang các lĩnh vực khác. "Đế chế" của Jack Ma đang đổ tiền vào lĩnh giải trí và thể thao. Gần đây, Alibaba đã chi gần 200 triệu USD để mua một đội bóng.
Liệu các nhà đầu tư có thưởng cho những tham vọng lớn lao của Alibaba? Jack Ma sẽ tìm thấy câu trả lời khi mã cổ phiếu "BABA" bắt đầu giao dịch trên sàn New York vào cuối tháng này.
Nguồn Theo DVO/ CNN Money