Ai thiệt hại lớn nhất khi USD tăng giá: Mỹ hay Trung Quốc?
Nguyên nhân chính là do Trung Quốc đã neo nhân dân tệ (NDT) với USD nhằm củng cố sự ổn định tài chính. Khi USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền trên thế giới do đồn đoán Fed nâng lãi suất, NDT cũng tăng. Và Trung Quốc sẽ tổn thất nhiều hơn do nền kinh tế - vốn đang tăng trưởng chậm lại - sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn nữa vào hoạt động thương mại.
Yukon Huang, chuyên gia kinh tế tại International Peace ở Washington và cựu giám đốc World Bank tại Trung Quốc, cho rằng, việc NDT tăng giá quá mức vào thời điểm kinh tế tăng trưởng chậm lại thực sự là vấn đề đáng lo ngại.
Đó là lý do tại sao ông Huang và các nhà kinh tế học khác, kể cả cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summer, dự đoán Trung Quốc sẽ cố gắng nới lỏng quan hệ giữa NDT và USD và cho phép nội tệ giảm giá hơn nữa dù rằng động thái này sẽ dấy lên chỉ trích chính trị trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thời gian tới.
“Tình cảnh có vẻ bế tắc. Nếu hạ giá NDT, Trung Quốc sẽ vấp phải sự chỉ trích, nhưng cần phải làm như vậy”, ông Huang nói.
Kinh tế Mỹ đã chịu ảnh hưởng bất lợi do USD tăng giá từ giữa năm 2014 - USD tăng hơn 20% so với các đồng tiền trong giỏ tiền tệ dù rằng chỉ tăng 3% so với NDT trong thời gian vừa qua. USD mạnh hơn làm giảm khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ trên thị trường thế giới, khiến xuất khẩu của Mỹ trong 10 tháng năm nay giảm 4,3%.
Nhưng Trung Quốc đang đối mặt với thách thức thậm chí còn lớn hơn khi USD tăng giá khi xét rằng năm 2014 thương mại đóng góp 42% GDP của Trung Quốc so với 23% của Mỹ.
Theo tính toán của các nhà kinh tế hoạc tại Goldman Sachs, USD tăng 10% sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại 1 điểm phần trăm, gần gấp đôi so với Mỹ.
NDT đã tăng 15% so với giỏ tiền tệ kể từ giữa năm 2014, theo số liệu của Westpac Strategy Group tại Sydney. NDT tăng giá vào thời điểm Trung Quốc đang mất dần khả năng cạnh tranh vào tay các nước khác như Việt Nam và Thái Lan do chi phí lao động cao hơn.
Theo số liệu của Bloomberg, trong số các đồng tiền chủ chốt, 10 năm qua, NDT tăng 26% so với USD, mức tăng lớn thứ 2, chỉ đứng sau franc Thụy Sĩ, tăng 31%. Kể từ 8/12, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã thiết lập tỷ giá tham chiếu NDT ở 6,4078 NDT/USD.
Hệ quả của việc NDT tăng giá là tăng trưởng kinh tế chậm lại. GDP của Trung Quốc chỉ tăng 6,9% trong quý III/2015, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009.
NDT mạnh hơn cũng ảnh hưởng xấu đến những nỗ lực ngăn ngừa giảm phát của Trung Quốc. Giá nhà sản xuất của Trung Quốc trong tháng 10 giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2014, ghi nhận tháng giảm thứ 44 liên tiếp.
Xiao Geng, giáo sư tại Đại học Hong Kong, nhận định, Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với giảm phát nhất là trong lĩnh vực sản xuất nếu NDT tiếp tục tăng giá cùng với USD. Tuy nhiên, giáo sư Geng cũng cho rằng Trung Quốc sẽ tránh phá giá nội tệ do lo ngại động thái này sẽ khiến thị trường tài chính nội địa - vốn rất mong manh - hoảng loạn.
Một lý do khác khiến Trung Quốc duy trì sự ổn định của NDT so với USD là những khoản nợ nước ngoài tính bằng USD của các công ty Trung Quốc ngày một tăng. NDT rẻ hơn sẽ khiến các công ty này gặp khó khăn hơn khi thanh toán các nghĩa vụ trả nợ.
Allen Sinai, giám đốc điều hành Decision Economics Inc., dự đoán, đến cuối năm 2016, USD sẽ tăng so với yên lên 140 yên/USD và ngang giá so với euro khi Fed nâng lãi suất trong khi ngân hàng trung ương các nước nới lỏng chính sách tiền tệ.
Stephen Jen, đồng sáng lập SLJ Macro Partners LLP tại London và là cựu chuyên gia kinh tế của IMF, nhận định, hiện nay chính sách của Trung Quốc đang ở trong tình trạng “thiếu nhất quán và không bền vững”. Nguyên nhân là vì nước này đang cố gắng đạt được điều mà các nhà kinh tế học gọi là “Bộ ba bất khả thi”. Trung Quốc giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng nhưng lại không muốn giảm giá nội tệ vì lo ngại dòng vốn tháo chạy.
“Bạn không thể mở cửa thị trường vốn, kích thích tiền tệ và giữ đồng nội tệ ổn định trong cùng một lúc”, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers đã nói như vậy khi bàn luận về điều mà Trung Quốc đang cố gắng theo đuổi.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg