Thứ Tư | 11/04/2012 12:15

ADB: Kinh tế châu Á tiếp tục là điểm sáng của thế giới

Theo ADB, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ lấy lại mức tăng trưởng cân bằng trong năm nay và sẽ hồi phục vào năm 2013.
Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á năm 2012 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy khu vực này đang chuyển hướng sang “con đường tăng trưởng bền vững hơn trong dài hạn dựa trên nhu cầu nội địa thay vì xuất khẩu, vốn bị ảnh hưởng bởi nhu cầu suy giảm của các nước phương Tây”.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cảnh báo rằng sự tăng trưởng của châu Á đã thúc đẩy bất bình đẳng với nguy cơ nhiều khu vực bị rơi vào vòng luẩn quẩn đói nghèo.

Theo ADB, tăng trưởng của khu vực được dự đoán ở mức 6,9% vào năm 2012, giảm 0,3% so với năm ngoái và sẽ đạt 7,3% vào năm 2013.

"Mặc dù kinh tế toàn cầu suy giảm, nhưng đà tăng trưởng của châu Á vẫn tiếp tục. Nhu cầu nội địa của các quốc gia trong khu vực này đã đóng vai trò quan trọng trong năm 2011, và điều này sẽ tiếp tục được cải thiện trong bối cảnh xuất khẩu tới các thị trường công nghiệp chủ chốt như Mỹ, khu vực Eurozone và Nhật Bản suy giảm," báo cáo cho biết.

Các chuyên gia của ADB cũng cho rằng ngay cả bị suy giảm tăng trưởng trong năm nay, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á cũng vẫn là điểm sáng trong khi châu Âu, Mỹ và Nhật Bản được dự đoán chỉ đạt mức tăng trưởng 1,1% trong năm nay và 1,7% vào năm 2013.

"Kinh tế bất ổn liên tục ở khu vực châu Âu và khủng hoảng thương mại toàn cầu tiếp tục gây ra những mối đe dọa lớn đối với triển vọng tăng trưởng," kinh tế trưởng của ADB Changyong Rhee cho hay.

"Giữa bối cảnh đó, các nền kinh tế châu Á đang dần đa dạng hóa thị trường, tiêu dùng tư nhân có xu hướng tăng lên và việc kiểm soát tốt các ảnh hưởng tài chính trực tiếp từ khu vực châu Âu sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng trong khu vực," ông Rhee cho biết thêm.

Lạm phát là mối quan tâm lớn của khu vực này năm ngoái cùng với khủng hoảng nợ khu vực đồng euro và nhu cầu nội địa sụt giảm ở Mỹ đã khiến các nhà hoạch định chính sách phải lo lắng nhiều hơn về sự phát triển.

ADB cho biết giá cả nay đã giảm bớt nhưng vẫn còn là "mối đe dọa tiềm tàng", đặc biệt là sự biến động của giá lương thực và nhiên liệu.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ tăng trưởng trung bình 8,5% trong năm nay và 8,7% vào năm 2013, so với mức 9,2% năm 2011.

Một cường quốc châu Á khác là Ấn Độ được dự báo sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2012.

Trong khi đó, GDP của khu vực Đông Nam Á sẽ tăng lên 5,2% trong năm nay so với mức 4,6% năm 2011 nhờ chủ yếu vào việc Thái Lan khôi phục kinh tế sau trận lụt tồi tệ hồi năm ngoái.

Liên quan đến Việt Nam, ADB lại một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2012 của Việt Nam xuống mức 5,7%, sau các mức 6,3% và 6,5% phát đi từ năm ngoái.

So với các nước trong khu vực, mức dự báo đối với Việt Nam thấp hơn Lào, Campuchia, Indonesia và Myanmar, nhưng cao hơn Singapore, Thái Lan, Malaysia...

Báo cáo của ADB cũng cho biết châu Á đã "đưa nhiều người dân thoát nghèo với tốc độ chưa từng có" trong vài thập kỷ qua, nhưng gần đây tăng trưởng của khu vực cũng làm gia tăng chênh lệch thu nhập giữa giới siêu giàu và các tầng lớp dân cư khác.

Theo ADB, nếu thành quả của tăng trưởng được chia sẻ đồng đều hơn và tỷ lệ bất bình đẳng được duy trì ở mức ổn định, thì sẽ có thêm 240 triệu người, chiếm 6,5% dân số châu Á có thể thoát nghèo trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2010.

ADB khuyến nghị các biện pháp như tăng chi tiêu cho y tế và giáo dục, cắt giảm trợ cấp nhiên liệu và mở rộng các nguồn thu thuế nhằm giải quyết sự bất bình đẳng đang gia tăng trong khu vực.

Bản báo cáo của ADB dựa trên các cuộc nghiên cứu từ hầu hết các nền kinh tế chiếm hơn 80% dân số ở châu Á, ngoại trừ Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan.

Nguồn http://dvt.vn


Sự kiện