Thứ Ba | 24/03/2015 15:51

ADB: Các nước châu Á đang phát triển tăng trưởng vững chắc năm 2015-2016

Giá hàng hóa thế giới giảm, các nền kinh tế công nghiệp lớn tiếp tục phục hồi là 2 yếu tố chính thúc đẩy châu Á tăng trưởng, theo ADB.

Theo báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2015 công bố ngày 24/3, khối các nền kinh tế châu Á đang phát triển đang duy trì tốc độ ổn định. Tăng trưởng GDP của khu vực này dự báo sẽ đạt 6,3% trong cả năm 2015 và 2016, bằng tốc độ tăng trưởng của năm 2014.

Trong đó, kinh tế Ấn Độ và phần lớn các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ góp phần bù đắp cho sự giảm tốc của nền kinh tế lớn nhất khu vực - Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
 
Được hỗ trợ bởi nhu cầu bên ngoài tăng và khả năng chính sách tiền tệ được nới lỏng, kinh tế Ấn Độ dự báo sẽ tăng trưởng 7,8% trong năm tài khoá 2015 (kết thúc vào tháng 3/2016) trước khi tiếp tục tăng lên 8,2% trong năm tài khóa 2016. Thậm chí, Ấn Độ được cho là sẽ vượt Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng. ADB nhận định, triển vọng kinh tế Ấn Độ ngày càng khởi sắc chủ yếu nhờ những nỗ lực cải cách cơ cấu ban đầu của chính phủ nước này đã lấy lại được lòng tin của các nhà đầu tư.

Trong khi đó ADB dự báo, GDP chung của 10 nước ASEAN dự báo sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2015 và 5,3% trong năm 2016 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Indonesia và Thái Lan.

Chuyên gia kinh tế trưởng Shang - Jin Wei tại ADB nhận định, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á vẫn là động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu kể từ khi xảy ra khủng hoảng. Từ đáy của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, khu vực châu Á đang phát triển đóng góp 2,3 điểm % vào tăng trưởng GDP toàn cầu, tương đương gần 60% tốc độ tăng trưởng 4%/năm của kinh tế thế giới.

ADB cho biết, giá cả hàng hóa giảm và các nền kinh tế công nghiệp lớn phục hồi là 2 yếu tố quan trọng giúp khu vực châu Á đang phát triển tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2015 - 2016.

Thứ nhất, giá hàng hóa thế giới giảm sẽ hạ bớt áp lực giá đối với các mặt hàng tiêu dùng, từ đó kìm chân lạm phát tại khu vực này. Mặt khác, chính phủ cũng có cơ hội cắt giảm trợ cấp giá nhiên liệu để tập trung vào cải cách cơ cấu hơn.

Lạm phát tại các nền kinh tế châu Á đang phát triển dự báo sẽ giảm từ 3,1% trong năm 2014 xuống 2,6% trong năm 2015 trước khi tăng trở lại 3% trong năm tiếp theo. Lạm phát thấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để chính phủ các nước đẩy mạnh chính sách tiền tệ kích thích kinh tế.

Thứ hai, đà phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế công nghiệp lớn như Mỹ và Anh, sẽ là bàn đạp thúc đẩy các hoạt động kinh tế tại khu vực châu Á đang phát triển. Mỹ và Anh hiện là 2 nền kinh tế cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ rệt nhất trong các nền kinh tế công nghiệp lớn. Trong khi đó, dù các tín hiệu từ châu Âu và Nhật Bản còn lẫn lộn, song giá dầu thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng ở các thị trường này.

ADB dự báo, khối các nền kinh tế công nghiệp lớn sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm 2015 và 2,4% trong năm tiếp theo.

Trong khi các nền kinh tế châu Á đang phát triển giữ vững đà tăng trưởng thì những tiểu vùng khác tại châu Á lại cho thấy những xu hướng khác nhau.

Kinh tế khu vực Đông Á sẽ tăng trưởng chậm lại do Trung Quốc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế về mặt bằng bình thường mới, ADB cho biết.

Theo dự báo của ADB, GDP Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 7,2% trong năm 2015 và 7% trong năm tiếp theo; trong khi chính phủ Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay xuống 7%. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng chậm lại do chính phủ tiến hành cải cách và kiểm soát tăng trưởng tín dụng để tạo nền tảng vững chắc hơn cho kinh tế trong tương lai.

Tăng trưởng GDP khu vực Đông Á theo đó được dự báo giảm từ 6,6% trong năm 2014 xuống 6,5% trong năm nay và tiếp tục giảm xuống 6,3% trong năm 2016. Lạm phát của khu vực này cũng sẽ được giữ ở mức thấp, dự báo giảm xuống 1,7% trong năm 2015 trước khi tăng lên 2,2% trong năm sau đó.

Cùng xu hướng, khu vực Trung Á cũng đang bối rối trước đà lao dốc của giá dầu và nguy cơ suy thoái gần kề. Điển hình là kinh tế Nga sẽ càng suy yếu do tác động của giá dầu rẻ và đòn trừng phạt của phương Tây. Tăng trưởng cũng sẽ yếu đi ở Kazakhstan, Turkmenistan và Uzbekistan khi kim ngạch xuất khẩu dầu lửa thấp kìm hãm chi tiêu trong nước.

Tăng trưởng trung bình khu vực Trung Á dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống 3,5% trong năm 2015. Tuy nhiên đến năm 2016 khi kinh tế Nga dần phục hồi, tốc độ tăng trưởng trung bình của Trung Á dự báo sẽ tăng lên 4,5%. Lạm phát ở Trung Á dự báo sẽ tăng mạnh lên 6,7% trong năm nay do nội tệ của các nước (trừ Kazakhstan) suy yếu theo ruble. Con số này dự báo sẽ giảm nhẹ xuống 6,6% trong năm sau.

Trái ngược lại, kinh tế Nam Á sẽ tăng trưởng vững chắc khi tiến trình cải cách chính sách kinh tế mang lại kết quả. Kinh tế Ấn Độ vẫn sẽ là tiêu điểm cho khu vực Nam Á. Tăng trưởng của tiểu vùng này có xu hướng tiếp tục tăng cao lên 7,2% trong năm 2015 và 7,6% trong năm sau. Tiểu vùng này cũng sẽ vẫn hưởng lợi lớn từ tình trạng giá hàng hóa thấp với tỷ lệ lạm phát dự báo ở mức trung bình 5,1% trong năm 2015 và 5,6% trong năm 2016.

Trong khi đó, Đông Nam Á sẽ phục hồi tăng trưởng trong năm 2015 sau 2 năm liên tiếp tăng trưởng chậm chạp. Hai nền kinh tế lớn nhất ASEAN - Indonesia và Thái Lan - sẽ phục hồi sau những bất ổn về chính sách bình ổn và xáo trộn về chính trị. Ngoài ra, hầu hết các nền kinh tế trong khu vực (trừ Malaysia) đều có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn nhờ tăng cường xuất khẩu và lạm phát thấp. Tỷ lệ lạm phát trong giai đoạn 2015 - 2016 của tiểu vùng này sẽ duy trì ở 3,1% - thấp hơn mức 4,1% của năm 2014, do giá dầu và giá hàng hóa thế giới giảm.

Nguồn DVO/ ADB