Thứ Năm | 21/01/2016 16:04

2015: Năm nóng nhất trong lịch sử hiện đại

Năm 2015 là năm nóng nhất trong vòng 135 năm qua, và làm dấy lên mối lo ngại về tốc độ gia tăng của biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo của Cục Đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), năm 2015 là năm nóng nhất kể từ năm 1880, với mức nhiệt độ trung bình trên mặt đất và đại dương cao hơn tới 0,9 độ C so với bình quân của toàn thế kỷ 20. Còn nếu chỉ so với năm 2014, thì nhiệt độ của năm 2015 đã tăng lên tới 0,13 độ C.

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phân tích những biến đổi về nhiệt độ, và chỉ ra rằng nguyên nhân chủ yếu là do nồng độ carbon dioxide (CO2) và các khí thải khác trong bầu khí quyển đã đồng loạt tăng cao. Giám đốc NASA Charles Bolden tuyên bố: "Biến đổi khí hậu là thách thức cho thế hệ của chúng ta. Thông báo này là một dữ liệu quan trọng để khiến các nhà hoạch định chính sách phải hành động để bảo vệ khí hậu".

Thế giới đang trải qua một giai đoạn nóng hơn nhiều so với trước đây. Phần lớn vùng Trung Mỹ và phía bắc Nam Mỹ đã trở nên ấm hơn chưa từng thấy. Các đợt thời tiết nóng cũng xuất hiện tại Châu Âu, Tây Á và một phần lớn của vùng Siberia.

Khu vực miền Đông và Nam châu Phi đang hứng chịu nhiều khô hạn hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, phần lớn khu vực Đông Bắc Thái Bình Dương và vùng xích đạo đang bị quấy nhiễu bởi El Nino. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Tom Karl - Giám đốc NOAA thì các kỷ lục mới về nhiệt độ cũng vẫn sẽ được thiết lập mà không cần phải “nhờ đến” El Nino.

Thông báo của NOAA xuất hiện trong bối cảnh khi cuộc đàm phán COP21 vừa kết thúc thành công tại Paris, với mục tiêu đặt ra là không cho nhiệt độ toàn cầu tăng quá 2 độ C so với thời thế kỷ 19. Nhiều nhà khoa học cho rằng loài người đã đi quá nửa mức giới hạn đó, và chưa có dấu hiệu gì là sẽ chậm bước lại.

Hậu quả của việc trái đất ầm lên là việc băng tan ở hai cực và đại dương nóng hơn, dẫn đến mực nước biển dâng cao trong những năm tới. Các cơn mưa sẽ trở nên dữ hội hơn, và các cơn bão cũng sẽ trở nên nguy hiểm hơn.

Tiến sĩ Gavin Schmidt, giám đốc Viện Không gian Goddard của NASA cho hay: "Xu hướng này sẽ vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới. Do ảnh hưởng của El Nino hồi đầu năm, 2016 dự kiến ​​sẽ là một năm đặc biệt nóng, có thể tạo ra một kỷ lục khác.”

Tiến sĩ Astrid Caldas, chuyên gia về khí hậu của UCS (Liên minh các nhà khoa học quan tâm đến Trái Đất) lại cho rằng kỷ lục nhiệt độ của năm 2015 không có gì bất ngờ, nhưng việc nó tăng đáng kể so với năm 2014 là điều rất đáng chú ý. Theo bà Caldas, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và ít tạo ra carbon là điều phải làm để có thể duy trì mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C.

Ý Nhi

Nguồn AFP