Thứ Hai | 15/10/2012 16:15

10 trung tâm tài chính hấp dẫn nhất thế giới

New York, London và Toronto là 3 trung tâm tài chính hàng đầu hấp dẫn nhất thế giới
Bảng xếp hạng 10 trung tâm tài chính hấp dẫn nhất thế giới mà PricewaterhouseCoopers vừa công bố cho thấy cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) không thể làm giảm sự hấp dẫn của một số thành phố châu Âu có trong danh sách.

1. New York, Mỹ

New York, Mỹ
New York, Mỹ

New York vẫn là thành phố hấp dẫn nhất thế giới. Đây không chỉ là quê hương của nhiều ngân hàng lớn, thị trường chứng khoán, các công ty bảo hiểm mà còn là nơi nhiều chi nhánh ngân hàng nước ngoài chọn làm địa điểm hoạt động.

Mặc dù kinh tế toàn cầu suy giảm cùng cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu khiến nhiều trung tâm tài chính thế giới lao đao nhưng một lần nữa nước Mỹ vẫn chứng tỏ được vai trò đầu tàu kinh tế và New York vẫn là trung tâm tài chính số 1 thế giới.

2. London, Anh

London, Anh
London, Anh

Thủ đô London của Anh - thành phố đan xen giữa cổ kính và hiện đại đã vươn lên từ vị trí thứ 6 trong năm ngoái lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng 10 trung tâm tài chính hấp dẫn nhất thế giới.

Thủ đô London là nơi tập trung đông đảo các chuyên gia tài chính giàu kinh nghiệm với hơn 400 ngân hàng nước ngoài, nhiều hơn bất kỳ thành phố nào trên thế giới. Ngành công nghiệp lớn nhất của London là tài chính và thu nhập từ xuất khẩu tài chính của thành phố đã đóng góp không nhỏ cho cán cân thanh toán của Anh quốc.

3. Toronto, Canada

Toronto, Canada
Toronto, Canada

Toronto - thành phố lớn nhất của Canada với diện tích khoảng 630 km2 được coi là một trong những trung tâm thương mại, tài chính và công nghiệp lớn nhất thế giới.

Xếp ở vị trí thứ 3, Toronto một lần nữa chứng minh sự thành công trong chính sách an ninh, giáo dục và y tế.

4. Paris, Pháp

Paris, Pháp
Paris, Pháp

Được biết đến là "kinh đô ánh sáng", thủ đô Paris của Pháp cũng là nơi tập trung các dịch vụ tài chính của châu Âu và thế giới. Paris là nơi nhiều công ty lớn chọn đặt trụ sở, văn phòng. Sở giao dịch chứng khoán Paris với gần 400 ngân hàng và công ty cùng những hoạt động đa dạng về tài chính, kinh doanh, chính trị và du lịch đã khiến Paris trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn nhất trên thế giới.

Không những thế, Paris còn thành phố có tốc độ tăng trưởng việc làm tốt và vẫn giữ được sự thịnh vượng nhờ những hoạt động đa dạng về tài chính, kinh doanh, chính trị và du lịch.

5. Stockholm, Thụy Điển

Stockholm, Thụy Điển
Stockholm, Thụy Điển

Stockholm, thành phố được dựng lên bởi 14 hòn đảo kết nối bằng 50 cây cầu với dân số khoảng 800.000 người là trung tâm kinh tế và chính trị của Thụy Điển từ thế kỷ XIII.

Stockholm dự kiến sẽ là thành phố được hưởng lợi nhiều nhất từ tốc độ tăng trưởng GDP vào năm 2025.

6. San Francisco, Mỹ

San Francisco, Mỹ
San Francisco, Mỹ

Kinh tế San Francisco ngày càng gắn liền với Thung lũng Silicon ở phía Nam. Di sản của thời kỳ đổ xô đi tìm vàng đã biến San Francisco thành trung tâm lớn về ngân hàng và tài chính của vùng biển phía Tây của Mỹ. Nhiều công ty, ngân hàng cùng các tổ chức tài chính lớn có văn phòng hoặc trụ sở tại thành phố này.

7. Singapore, Singapore

Singapore, Singapore
Singapore, Singapore

Singapore là tên thủ đô đồng thời cũng là tên của đất nước đảo quốc sư tử. Đây là thành phố nhỏ nhất khu vực Đông Nam Á nhưng lại là nơi có dịch vụ ngân hàng đẳng cấp quốc tế và cơ sở hạ tầng hàng đầu thế giới.

Tốc độ phát triển nhanh, mức thuế thấp và môi trường ngân hàng thân thiện là những nhân tố khiến Singapore trở thành điểm đến hấp dẫn đối với hàng nghìn tập đoàn đa quốc gia trong mọi lĩnh vực từ khắp nơi trên thế giới.

Theo các nhà phân tích, Singapore cùng với các thành phố khác ở châu Á như Hong Kong và Thượng Hải sẽ trở thành các trung tâm tài chính hàng đầu vào 2022. Hơn nữa, theo dự báo, Singapore sẽ tiếp tục duy trì vị trí quốc gia giàu nhất thế giới về thu nhập bình quân đầu người cho tới năm 2050 nhờ các nhân tố lực lượng lao động tay nghề cao, môi trường kinh doanh, sự mở cửa đối với thương mại, vốn lưu động và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

8. Hong Kong, Trung Quốc

Hong Kong, Trung Quốc
Hong Kong, Trung Quốc

Đặc khu kinh tế Hong Kong được Vương quốc Anh trao trả cho Trung Quốc từ năm 1997 cũng là một trong những trung tâm kinh tế, tài chính hàng đầu thế giới nhờ chính sách kinh tế phát triển tự do không có sự can thiệp của chính quyền.

Kinh tế Hong Kong chủ yếu là dịch vụ. Tỷ trọng của khu vực này trong GDP của Hong Kong lên đến 90%. Cùng với Singapore, Hàn Quốc, và Đài Loan, Hong Kong được gọi là một trong 4 con hổ châu Á do tốc độ tăng trưởng cao và công nghiệp hóa nhanh chóng trong thời kỳ từ thập niên 1960 đến thập niên 1990.

9. Chicago, Mỹ

Chicago, Mỹ
Chicago, Mỹ

Chicago - thành phố đông dân thứ 3 của Mỹ nổi tiếng toàn thế giới lâu năm về tài chính, công nghệ và vận tải.

Được thành lập năm 1833, Chicago phát triển thành một trong những thành phố hạng nhất của thế giới. Chicago là nơi có nhà chọc trời đầu tiên của thế giới Home Insurance Building, ngày nay là trung tâm kiến trúc, tài chính, và văn hóa của miền Trung Tây.

10. Tokyo, Nhật Bản

Tokyo, Nhật Bản
Tokyo, Nhật Bản

Tokyo là trung tâm tài chính quốc tế, là nơi đặt trụ sở chính của nhiều ngân hàng đầu tư và công ty bảo hiểm lớn trên thế giới, đóng vai trò đầu mối của Nhật Bản về giao thông, công nghiệp xuất bản và phát thanh truyền hình.

Tokyo được coi là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới nhưng vẫn thu hút một lượng lớn khách du lịch mỗi năm bởi vẻ đẹp của những tòa lâu đài cổ kính, nét quyến rũ của những công trình kiến trúc hiện đại và nhịp sống năng động hàng đầu châu Á.

Nguồn Telegraph/Khampha


Sự kiện