Đây là dịp để Hội nhìn lại chặng đường đầy ý nghĩa trong năm 2022.

 
Trịnh Tuấn Thứ Ba | 11/04/2023 15:58

TBA tạo cầu nối cho doanh nghiệp phát triển

Đối với doanh nghiệp thành phố Thủ Đức trong năm 2022 vừa qua hầu hết doanh nghiệp cũng đã cơ bản phục hồi, doanh thu tạm ổn so với năm 2021.

Kỷ niệm ngày thành lập Hội Doanh nghiệp Thành phố Thủ Đức - TBA (12/5/2021 – 12/5/2023), TBA tổ chức chuỗi hoạt động gồm: Giải Tennis TBA mở rộng lần thứ II năm 2023; Ngày hội trưng bày sản phẩm, xúc tiến thương mại; Giải Golf TBA và sự kiện “Kỷ niệm thành lập Hội Doanh nghiệp Thành phố Thủ Đức”.

Đây là dịp để Hội nhìn lại chặng đường đầy ý nghĩa trong năm 2022; những hoạt động, chương trình nổi bật mà Hội đã phát động và thực hiện thành công; những đóng góp to lớn góp phần khẳng định vị thế và tầm quan trọng của Hội trong công tác phát triển kinh tế -  xã hội tại thành phố Thủ Đức. Đồng thời là dịp để các Hội viên có thêm sân chơi lành mạnh, hội thắt chặt tinh thần đoàn kết, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với hàng trăm gian hàng trong chương trình Hội chợ xúc tiến thương mại; từ đó có những định hướng phát triển mới để thúc đẩy Hội Doanh nghiệp Thành phố Thủ Đức ngày càng phát triển.

Năm 2022 đánh dấu sự phục hồi khá ấn tượng của nền kinh tế đất nước. Mặc dù ảnh hưởng của hậu quả dịch bệnh COVID-19 và khủng hoảng chính trị thế giới vẫn tồn tại, nhưng số lượng doanh nghiệp trở lại thương trường đã gia tăng đáng kể.

Đối với doanh nghiệp thành phố Thủ Đức trong năm 2022 vừa qua hầu hết doanh nghiệp cũng đã cơ bản phục hồi, doanh thu tạm ổn so với năm 2021. Trong đó, có khá nhiều doanh nghiệp đã phát triển mạnh mẽ hơn so với các năm trước, đặc biệt là trong các ngành hàng bán lẻ, lương thực thực phẩm, công nghệ thông tin...

Để có kết quả này, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp thì TBA với vai trò của mình đã luôn là cầu nối quan trọng giữa Hội viên với Lãnh đạo và các Ban ngành của Thành phố trong việc phổ biến, tuyên truyền nắm vững và thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chương trình kinh tế xã hội, từ thiện của địa phương; Tập hợp những tâm tư, vướng mắc của doanh nghiệp để trình lên các cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, Hội đã phối hợp cùng thành phố Thủ Đức tổ chức các chương trình: Thảo luận về Quy hoạch chung của thành phố Thủ Đức tầm nhìn đến năm 2030; Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên địa bàn năm 2022, Hội nghị Logistics Thành phố Thủ Đức, thu hút hơn 100 Hội viên TBA tham gia và đóng góp ý kiến trong chương trình.

Một số chương trình gây được tiếng vang của Hội Doanh nghiệp Thành phố Thủ Đức như chương trình Lễ ra mắt hội quán doanh nhân Thành phố Thủ Đức; Các chương trình xúc tiến thương mại tại các tỉnh Lâm Đồng, Bến Tre, Đắk Nông,… Chương trình chào mừng ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 đã thu hút nhiều doanh nghiệp ngoài Hội tham dự, và đã có thêm hơn 150 Doanh nghiệp trở thành Hội viên của TBA trong năm 2022.

Lễ ra mắt hội quán doanh nhân Thành phố Thủ Đức, một Một chương trình gây được tiếng vang của Hội Doanh nghiệp TP. Thủ Đức
Lễ ra mắt hội quán doanh nhân Thành phố Thủ Đức, một Một chương trình gây được tiếng vang của Hội Doanh nghiệp Thành phố Thủ Đức.

Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức hoặc cùng phối hợp chương trình sức khỏe, tọa đàm để từ đó giúp doanh nghiệp Hội viên có được góc nhìn đa chiều và các giải pháp hiệu quả trong định hướng phát triển để xuyên qua tâm bão hướng đến thành công. Biến thách thức thành cơ hội, linh hoạt thích ứng và thay đổi, mạnh dạn đưa ra các sáng kiến để phát triển trong thời kỳ bình thường mới.

Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành, tập thể Hội đã được Ủy ban Nhân dân TP.HCM tặng bằng khen “Có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua: Doanh nghiệp, doanh nhân đồng hành cùng Thành phố đổi mới - Phát triển” giai đoạn 2017-2022” và Hiệp Hội Doanh nghiệp TP.HCM tặng cờ thi đua: Là đơn vị dẫn đầu cụm thi đua 5 - năm 2022”.

Năm 2023 trên bình diện quốc tế, thế giới đang trong thời kỳ nhiều biến động và thay đổi về kinh tế, địa chính trị. Lạm phát tăng lên mức cao dẫn đến xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tại nhiều quốc gia. Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia đã bắt đầu có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế.

Trong nước, kinh tế - xã hội cũng được nhận định phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt. Các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng lạm phát là rất lớn, như biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao, rủi ro về chuỗi cung ứng… đã và đang tác động mạnh tới doanh nghiệp nói chung TP.HCM nói chung, doanh nghiệp thành phố Thủ Đức nói riêng.

Theo đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có phần chậm lại. Cụ thể, do lạm phát tăng cao nên xuất khẩu của doanh nghiệp dệt may, da giày, gỗ, nhự  -cao su ở các thị trường như Mỹ, EU đã sụt giảm rõ rệt. Hệ quả là hàng tồn kho tăng cao, doanh nghiệp thiếu dòng tiền, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất.

Trong bối cảnh đó TBA sẽ tiếp tục phát huy vai trò kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền địa phương, Bộ, ngành Trung ương nhằm phản ánh những khó khăn, vướng mắc; những đề xuất về chính sách để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Song song đó, TBA sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tạo cầu nối cho doanh nghiệp mở rộng hợp tác kinh doanh tại thị trường nội địa và xuất khẩu.