Hội nghị chuyên đề “Mở khóa 5 nguồn vốn phát triển bền vững” do Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức vào ngày 15/7 tại TP.HCM

 
Thứ Sáu | 18/07/2025 09:00

ESG - Từ tiêu chí tuân thủ đến động lực tăng trưởng bền vững

Theo Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp 2025 của UOB, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đến các sáng kiến phát triển bền vững.

Trước bối cảnh nhiều biến động, ESG đang dần trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, song song với nhu cầu tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới.

Theo Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp 2025 của UOB, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đến các sáng kiến phát triển bền vững, với 27% doanh nghiệp đặt mục tiêu giảm phát thải carbon và 28% có kế hoạch chuyển hướng hoạt động kinh doanh theo định hướng ESG trong năm 2024, lần lượt tăng 12% và 7% so với năm 2023. Phát triển bền vững không còn chỉ là yêu cầu tuân thủ, mà đang trở thành động lực tăng trưởng chiến lược của doanh nghiệp Việt. Phát biểu tại hội nghị chủ đề “Mở khóa 5 nguồn vốn phát triển bền vững” do Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức vào ngày 15/7 tại TP.HCM, ông Jason Yang, Giám đốc Cấp cao Lĩnh vực Chuyển đổi và Phát triển Bền vững, Ngân hàng UOB Việt Nam đã chia sẻ những góc nhìn thực tiễn về cách doanh nghiệp Việt đang tiếp cận ESG, từng bước cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh doanh và mục tiêu phát triển bền vững dài hạn.

Tiêu chuẩn thiết yếu để có được đơn hàng

“Theo dữ liệu từ Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp và thực tiễn trong hoạt động tài trợ vốn của chúng tôi, UOB có được cái nhìn rất rõ ràng về lý do và cách thức các doanh nghiệp đang áp dụng ESG”, ông Jason chia sẻ.

Ông giải thích rằng doanh nghiệp tìm đến tài chính xanh chủ yếu để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững từ các khách hàng đa quốc gia, đồng thời tối ưu chi phí vận hành và nâng cao uy tín thương hiệu trên thị trường quốc tế. Ông cũng chia sẻ những ví dụ thành công về các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề mà UOB đã hợp tác và hỗ trợ các giải pháp tài chính xanh cho hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững của họ.

Các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chuẩn ESG khắt khe từ các thị trường nhập khẩu như châu Âu, Mỹ.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chuẩn ESG khắt khe từ các thị trường nhập khẩu như châu Âu, Mỹ.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản xuất khẩu cá tra sang châu Âu đã đạt chứng nhận Aquaculture Stewardship Council (ASC) nhằm đáp ứng tiêu chuẩn bền vững và đủ điều kiện vay tài chính thương mại xanh. Trong ngành dệt may, một công ty cung cấp cho các thương hiệu toàn cầu như Adidas và Nike đã tiếp cận khoản vay liên kết phát triển bền vững từ UOB, trong đó lãi suất được giảm dần khi doanh nghiệp cắt giảm được phát thải. Ở ngành thực phẩm - đồ uống, một nhà cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn lớn cũng đủ điều kiện vay tài chính thương mại xanh nhờ sử dụng nguồn nguyên liệu có chứng nhận truy xuất rõ ràng.

Những ví dụ này cho thấy một cách rõ ràng rằng: đối với các doanh nghiệp Việt Nam, áp dụng ESG đã trở thành một tiêu chuẩn thiết yếu để có thể trở thành nhà cung cấp trong chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia hoặc xuất khẩu sang các thị trường lớn vốn yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn phát triển bền vững.

Vượt qua các rào cản

Ông Jason Yang - Giám đốc Cấp cao Lĩnh vực Chuyển đổi và Phát triển Bền vững, Ngân hàng  UOB Việt Nam chia sẻ về những rào cản mà doanh nghiệp Việt đang đối mặt trong quá trình thực  hành ESG
Ông Jason Yang, Giám đốc Cấp cao Lĩnh vực Chuyển đổi và Phát triển Bền vững, Ngân hàng UOB Việt Nam chia sẻ về những rào cản mà doanh nghiệp Việt đang đối mặt trong quá trình thực hành ESG

“Phát triển bền vững không phải là một khái niệm đơn giản hay dễ thực hiện,” ông Jason Yang chia sẻ. “Ngay cả với cá nhân tôi, đây cũng là một hành trình học hỏi từ con số không. Và với các doanh nghiệp, việc thực sự hiểu rõ mức độ cam kết cần có là điều kiện tiên quyết trước khi họ có thể phân bổ nguồn lực phù hợp để thành công.”

Sự nhận thức này đặc biệt quan trọng tại Việt Nam, nơi nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay trong quá trình tiếp cận ESG. Theo Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp 2025 của UOB, các mối quan ngại tài chính liên quan đến phát triển bền vững vẫn đang là rào cản lớn:

· 37% doanh nghiệp lo ngại việc đầu tư vào công nghệ bền vững sẽ làm tăng chi phí sản phẩm, con số này tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

· 33% thận trọng với tác động ngắn hạn lên doanh thu, do chi phí sản xuất tăng có thể khiến khách hàng rời bỏ, tăng 4% so với năm trước.

· 35% quan ngại về lợi nhuận dài hạn, tỷ lệ này tăng nhẹ 1% so với năm trước.

“Những thách thức này là thực tế mà doanh nghiệp cần nhìn nhận rõ trước khi tiến xa hơn,” ông Jason nhận định. Dựa trên kinh nghiệm đồng hành cùng doanh nghiệp khắp ASEAN, ông chỉ ra bốn rào cản chính trong hành trình chuyển đổi bền vững tại Việt Nam:

Thứ nhất - Thiếu rõ ràng về động lực thương mại. “Thách thức đầu tiên nằm ở việc trả lời câu hỏi căn bản: Tại sao doanh nghiệp cần áp dụng ESG?” ông lý giải. Đối với nhiều doanh nghiệp, ESG ban đầu chỉ là phản ứng trước yêu cầu từ cơ quan quản lý hoặc khách hàng quốc tế. Tuy nhiên, họ cần xác định rõ những lợi ích về tiết kiệm chi phí hay tối ưu vận hành - yếu tố then chốt để duy trì cam kết dài hạn.

Thứ hai - Thiếu kiến thức nội bộ. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khi theo đuổi các chứng chỉ bền vững do thiếu chuyên môn, quy trình thu thập và xác thực dữ liệu, cũng như chưa triển khai các công nghệ theo dõi ESG hiệu quả. “Khoảng trống này có thể làm chậm tiến độ hoặc cản trở quá trình thực hiện ESG, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ,” ông nói.

Thứ ba – Chuỗi cung ứng nội địa còn yếu. Hiện nay, khoảng 90% nguyên vật liệu sản xuất tại Việt Nam là nhập khẩu, chỉ khoảng 10% đến từ nguồn cung trong nước. “Việc mở rộng tỷ trọng 10% này và nâng cao năng lực của các nhà cung cấp nội địa để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế là bước đi quan trọng nhằm xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, linh hoạt hơn tại Việt Nam,” ông Jason nhấn mạnh.

Thứ tư – Thách thức trong tiếp cận tài chính xanh. Việc tiếp cận vốn xanh là rào cản khác, nhưng không phải vì vốn xanh khó hơn vốn truyền thống. “Dù là tài chính xanh hay không, quyết định cấp vốn đều dựa vào hồ sơ rủi ro và dòng tiền của dự án,” ông Jason làm rõ. Vấn đề nằm ở chỗ: doanh nghiệp chưa có đủ thông tin để xác định dự án nào đủ điều kiện “xanh”.

Trong bối cảnh Việt Nam chưa hoàn tất Bộ tiêu chí phân loại xanh (Green Taxonomy), UOB đang tham khảo Bộ tiêu chí từ Singapore để hướng dẫn các quyết định tài trợ. Ông Jason cũng cho biết, việc Việt Nam định hướng xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng sẽ góp phần thúc đẩy dòng vốn và tính thanh khoản của thị trường trái phiếu xanh trong tương lai.

Vai trò của các định chế tài chính

Tại UOB, phát triển bền vững là một hành trình được đồng hành cùng các đối tác và khách hàng. “Mỗi ngày, chúng tôi đều học hỏi từ chính khách hàng và đối tác của mình”, ông Jason chia sẻ. UOB chủ động hợp tác với các tổ chức cấp chứng nhận và các tổ chức đa phương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản kỹ thuật và tài chính trong quá trình thực hành ESG.

“Chúng tôi làm việc với các tổ chức cấp chứng nhận để chuyển giao kiến thức, xác định các khoảng trống cần cải thiện và hỗ trợ khách hàng đạt được các chứng chỉ bền vững cần thiết”, ông Jason cho biết. UOB đang tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tổ chức đa phương trong các chương trình chia sẻ rủi ro, qua đó giúp Ngân hàng cung cấp các khoản tài trợ cho dự án xanh với biên độ rủi ro thấp hơn.

Ngoài ra, UOB đã xây dựng các bộ khung thực hành bền vững tùy chỉnh, đóng vai trò như một lộ trình hướng dẫn doanh nghiệp từng bước trong hành trình chuyển đổi ESG. “Với các bộ khung của chúng tôi, doanh nghiệp không cần phải bắt đầu từ con số không. Chúng tôi đơn giản hóa quy trình, giúp họ biến phát triển bền vững từ một thách thức thành một cơ hội thực sự.”