Thiên Lộc Thứ Sáu | 09/10/2020 13:00

Doanh nghiệp toàn cầu ngày càng đẩy mạnh xu hướng bán hàng trên kênh thương mại điện tử

Thành công vượt trội từ kinh doanh trực tuyến khiến doanh nghiệp toàn cầu đang ngày càng quyết liệt hơn trong việc số hoá kênh phân phối.

Thâm nhập đến từng địa phương

Tháng 3.2020, Shiseido, thành viên của Tập đoàn Shiseido, một trong những thương hiệu làm đẹp lâu đời nhất thế giới tiếp tục đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử thông qua ký kết hợp tác chiến lược với Shopee trên toàn khu vực. Theo đó, Shiseido châu Á - Thái Bình Dương sẽ được quyền khai thác tệp khách hàng cũng như lợi thế am hiểu sâu sắc về người dùng của Shopee tại thị trường Đông Nam Á để nâng cao khả năng tiếp cận người dùng và mức độ nhận diện trực tuyến của mình. Ở lần kết hợp tác này với Shopee, đại diện Shiseido cho biết, đơn vị này muốn tận dụng lợi thế nền tảng của Shopee để gia tăng độ phủ của sản phẩm, nâng cao tương tác trực tuyến và cuối cùng là kết nối mạnh mẽ hơn với người tiêu dùng trên kênh thương mại điện tử.

Từ các ngành hàng dễ dàng dịch chuyển kinh doanh online như thời trang, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm... đến gần đây là các mặt hàng quen thuộc với thị trường truyền thống vì kích thước lớn khó vận chuyển như: mặt hàng cho mẹ bé, chăm sóc cá nhân cũng đều đang nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thương mại điện tử. “Hiệu quả từ kênh thương mại điện tử ngày một tăng cao. Các doanh nghiệp toàn cầu chắc chắn sẽ không muốn bỏ lỡ kênh phân phối quá hữu dụng này. Tham gia các nền tảng online sẽ là xu hướng tất yếu”, bà Trần Phương Thảo Giám đốc phát triển kinh doanh Frieslandcampina Việt Nam nhận xét.

Chưa có con số thống kê toàn thị trường nhưng, chỉ riêng sàn giao dịch điện tử Shopee, đã ghi nhận, có đến hơn 18.000 thương hiệu đang đặt nền tảng cho việc kinh doanh trực tuyến của mình. Con số này cho thấy mức độ hưởng ứng của doanh nghiệp với thương mại điện tử là khá lớn. Tuy nhiên, không đơn giản để khai thác hiệu quả kênh phân phối này. Bà Claire Hennah, Phó Chủ tịch toàn cầu, khối thương mại điện tử, Unilever cho biết, thương mại điện tử hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp tiến hành chiến lược tiếp cận từng thị trường, từ đó phát triển danh mục hàng hóa phù hợp theo từng địa phương. Trong bối cảnh kênh phân phối online vẫn còn nhiều mới mẻ, doanh nghiệp rất cần sự đồng hành chuyên môn từ phía sàn giao dịch.

Cũng theo đại diện của Unilever, thông qua bộ công cụ của Shopee, Hãng có được thông tin về thói quen và nhu cầu của người tiêu dùng, cùng các phân tích chi tiết. Đây cũng là sàn thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả trong việc xây dựng các chiến dịch tiếp thị tích hợp đến việc tổ chức những nội dung được địa phương hóa. Nhờ vậy, Unilever mới có thể tạo ra những trải nghiệm thương hiệu tuyệt vời cho người tiêu dùng trên kênh online.

“Thông qua các thông tin chi tiết về người tiêu dùng và các nội dung được địa phương hóa cùng các phân tích chi tiết về chiến dịch tiếp thị tích hợp Shopee đã hỗ trợ rất tốt chúng tôi tạo ra những trải nghiệm thương hiệu tuyệt vời cho người tiêu dùng”, bà  Claire Hennah cho biết thêm.

Sự chỉnh chu liền mạch của cả hệ thống

Theo báo cáo eConomy SEA 2019 do Google và Temasek, vai trò của thương mại điện tử đang dần trở nên quan trọng. Dự kiến, đến 2025, thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á sẽ vượt mốc con số 100 tỉ USD. Ở Việt Nam, tỉ trọng doanh thu từ thương mại điện tử trên tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước năm 2019 cũng đạt 4,2%, tăng 0,6% so với năm 2018. Trong năm 2020, các chuyên gia thương mại điện tử nhận định, tỉ lệ mua sắm thông qua kênh online sẽ nhanh chóng vượt hơn con số 30% của hiện tại. Sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử phụ thuộc nhiều vào sự liền mạch trong dịch vụ hậu cần và  hệ thống kho bãi, quy trình giao nhận được liền mạch.

Ông Faraz Siddiqui, Phó Chủ tịch toàn cầu, Khối thương mại điện tử, Ngành Dinh dưỡng, Reckitt Benckiser - tập đoàn cung cấp các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, vệ sinh và các sản phẩm gia đình nổi tiếng của Anh cho biết, không chỉ sản phẩm chất lượng, hay sáng tạo trong công tác quảng bá... sự phát triển và mở rộng quy mô thương mại điện tử thực sự có được nhờ vào sự chỉnh chu liền mạch của cả hệ thống từ việc lưu kho, kiểm kê cũng như mạng lưới đối tác cung cấp dịch vụ hậu cần, giao nhận. Tất cả nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành mọi đơn hàng một cách suôn sẻ và kịp thời “Chúng tôi không thể tự mình làm được điều đó nếu thiếu sự chuyên nghiệp và hỗ trợ 24/7 từ Shopee”, ông nhận xét.

Đánh giá làn sóng dịch chuyển kênh phân phối sang nền tảng online của doanh nghiệp, đại diện Shopee cho biết, đây thực sự là tín hiệu đáng mừng cho thị trường bởi thương mại điện tử thực sự là lĩnh vực tiềm năng, đang chờ được các doanh nghiệp tiếp tục khai phá. Mặc dù được các thương hiệu lựa chọn và đánh giá rất cao về các công cụ hỗ trợ và hệ thống liền mạch về kho bãi và hậu cần, đơn vị này vẫn sẽ tiếp tục đầu tư về hệ thống trong thời gian tới.

“Shopee luôn cố gắng mang lại những trải nghiệm mua sắm trực tuyến dễ dàng, an toàn và hấp dẫn cho người dùng. Bên cạnh đó, Shopee cũng luôn nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp đạt được thành công trực tuyến bằng việc tiếp tục đầu tư mở rộng các phương thức hỗ trợ thương hiệu”, đại diện Shopee khẳng định.