Ra mắt tháng 4/2021, Touchstone Partners được vận hành bởi ông Trần Nhật Khanh và bà Ngô Thùy Ngọc Tú.
Touchstone Partners: Kỳ lân hay giá trị bền vững?
Ra mắt tháng 4/2021, Touchstone Partners được vận hành bởi ông Trần Nhật Khanh và bà Ngô Thùy Ngọc Tú.
Sự kết hợp hài hòa giữa ông Khanh, cựu đối tác sáng lập của VinaCapital Ventures, đơn vị chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ và bà Tú, người có kinh nghiệm khởi nghiệp (đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Yola Education), đã giúp Touchstone Partners trở thành một trong những quỹ đầu tư năng động ở Việt Nam trong thời gian qua.
Đội ngũ sáng lập Touchstone Partners là những người có kinh nghiệm trong đầu tư. |
Chưa đầy 1 năm ra mắt, đơn vị này đã công bố gần 10 thương vụ đầu tư ở Việt Nam trải đều trong các lĩnh vực như medtech (công nghệ y tế), xe máy điện, thương mại điện tử…
Bên cạnh đó, vì tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam từ những ngày đầu nên những người điều hành Touchstone Partners đã trải các giai đoạn thăng trầm của các tech startup (khởi nghiệp công nghệ) trong 10 năm qua.
Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư đã có dịp trao đổi với những nhà điều hành Touchstone Partners về sự thay đổi trong khẩu vị đầu tư cũng như những điểm được và mất của tech startup Việt Nam trong bối cảnh sắp tới.
Hai năm qua, các công ty startup toàn cầu đã chịu nhiều biến động mạnh. Đầu tiên là các vấn đề liên quan đến nhiều công ty kỳ lân dưới sự đầu tư của SoftBank và không lâu sau đó là dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, trước tác động của dịch bệnh, nhiều ngành đã phải thay đổi để tồn tại. Trong lĩnh vực tech startup, chúng ta đang thấy sự thay đổi ở khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng như thế nào?
Ông Trần Nhật Khanh: Theo quan sát của chúng tôi, các khoản đầu tư của SoftBank khi lên sàn đã phải trải qua các đợt điều chỉnh giá, do những yếu tố chủ quan (mô hình kinh doanh, sản phẩm…) và khách quan (dịch bệnh). Theo chúng tôi, định giá và các chỉ số liên quan của những doanh nghiệp này gần đây đã thực tế hơn nhiều cho nhà đầu tư. Đây là tín hiệu tích cực vì khi một trong các quỹ đầu tư hàng đầu thế giới thay đổi sẽ có cái nhìn công bằng hơn dành cho các công ty công nghệ.
Theo đó, họ sẽ không chỉ chạy theo định giá, theo cuộc chơi tài chính như trước kia. Chính việc này khiến nhiều công ty phát triển quá nhanh trong thời gian qua dẫn đến những hệ quả về quản lý, con người.
Giờ đây các quỹ đầu tư thực tế hơn, quan tâm đến bền vững, các công ty sử dụng hàm lượng công nghệ như thế nào để giải quyết các vấn đề mà thị trường cần.
Bà Ngô Thùy Ngọc Tú: Đúng là như vậy. Và trong bối cảnh hậu COVID-19, những mô hình kinh doanh, quản lý trên các nền tảng online sẽ được quan tâm mạnh mẽ hơn. Xu hướng này vốn khá phổ biến ở các nước phương Tây nhưng giờ đây bắt đầu được quan tâm ở Đông Nam Á, nhất là sau đại dịch vừa qua.
Việc chuyển đổi như vậy cần các doanh nghiệp có những mô hình kinh doanh sáng tạo và thậm chí kể cả người lao động cũng cần phải có các kỹ năng mới để thích ứng với xu hướng mới.
Đã hơn 10 năm kể từ khi trào lưu tech startup hình thành, Việt Nam sẽ như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Ông Trần Nhật Khanh: Trước hết, hãy nói về mặt tích cực, đó là có một thế hệ các nhà sáng lập, những người làm công nghệ nghĩ đến việc đi lên trong chuỗi giá trị phần mềm.
Trước đây, chúng ta rất mạnh trong việc gia công phần mềm nhưng không nhiều người có thể hiểu được sản phẩm, thiết kế hoặc làm việc với khách hàng. Cách suy nghĩ hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Một thực tế là ngay cả các trường đại học đã có các sinh viên muốn làm chủ doanh nghiệp xây dựng sản phẩm công nghệ hoặc làm startup với doanh nghiệp nước ngoài.
Những người làm công nghệ ở Việt Nam đang dần đi lên trong chuỗi giá trị phần mềm, họ muốn làm chủ sản phẩm, tham gia vào khâu xây dựng mô hình kinh doanh, thiết kế và làm việc trực tiếp với khách hàng để đưa sản phẩm ra thị trường.
Thứ đến là góc nhìn của các tập đoàn lớn về startup Việt Nam cũng đã thay đổi. Họ đã nhìn thấy lợi ích của nhóm này đem lại và đã có sự hợp tác của 2 bên trong thời gian qua.
Ông Trần Nhật Khanh và bà Ngô Thuỳ Ngọc Tú. |
Bà Ngô Thùy Ngọc Tú: Tôi cũng muốn bổ sung thêm về hệ sinh thái khởi nghiệp. Từng là người khởi nghiệp, tôi cảm thấy hệ sinh thái đã phát triển tốt hơn so với trước kia. Các nhà sáng lập có nhiều lựa chọn hơn khi tìm kiếm đối tác quỹ đầu tư.
Bên cạnh hành vi tiêu dùng online mạnh mẽ hơn, sự xuất hiện của các tech startup hàng đầu khu vực như Shopee, Grab, Lazada… trong thời gian qua cũng là đòn bẩy cho nhiều mô hình công nghệ khác phát triển. Chính nhờ các doanh nghiệp này mà Việt Nam đã hình thành những nhóm nhân sự tài năng có thể vận hành các mô hình doanh nghiệp dựa trên internet.
Vậy còn điều cần cải thiện là gì?
Ông Trần Nhật Khanh: Có một thực tế là nhiều nước trong khu vực có chính sách đặc biệt cho nhóm tech startup phát triển như thuế doanh nghiệp, thuế mại sản cho nhà đầu tư khi thoái vốn, những yêu cầu để lên sàn chứng khoán cũng được may đo riêng cho các công ty tech startup.
Ở Việt Nam hiện nay các công ty tech startup vẫn được xếp chung với các doanh nghiệp truyền thống. Ví dụ một doanh nghiệp doanh thu ngàn tỉ đồng có quy trình đầu tư, nhận vốn như thế nào thì nhóm tech startup đôi khi còn chưa có doanh thu cũng sẽ trải qua như vậy nên khá bất lợi cho những doanh nghiệp non trẻ.
Bà Ngô Thùy Ngọc Tú: Trong 10 năm qua, chúng ta vẫn thiên về tăng trưởng số lượng, còn việc xây dựng sản phẩm chỉn chu, hạ tầng có thể đáp ứng lượng người sử dụng lớn vẫn cần thời gian cải thiện. Bên cạnh đó, theo quan sát của chúng tôi, vẫn chưa nhiều mô hình ở Việt Nam có thể mở rộng sang khu vực.
Một điểm sáng tiềm năng chúng tôi thấy được là các kỹ sư, nhà khoa học trong những lĩnh vực phần cứng, sản xuất robot, công nghệ y sinh, sau thời gian dài học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, cũng đã về Việt Nam để thành lập startup với hoài bão nâng cao năng lực sản xuất và thiết kế sản phẩm deep tech cho các thị trường mới nổi. Việc kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (A.I) vào những lĩnh vực deep tech này là một cơ hội tốt cho các kỹ sư Việt Nam được cùng tham gia vào thị trường thế giới.
Có ý kiến cho rằng Việt Nam đang có lợi trong việc thu hút dòng vốn vì chi phí (nhân lực, nguồn vốn) để tạo ra kỳ lân ở các quốc gia khác trong Đông Nam Á đã quá cao, do đã xuất hiện các kỳ lân như Grab, Traveloka (Malaysia), hay Gojek, Tokopedia (Indonesia)… Quan điểm của Touchstone Partners về nhận định này như thế nào?
Ông Trần Nhật Khanh: Theo quan điểm của chúng tôi, có thể nhận định trên quên nhắc đến chi phí thời gian. Có vẻ như Việt Nam đang mất nhiều thời gian hơn trong việc tạo ra các công ty công nghệ được định giá tỉ USD.
Nhà đầu tư luôn đặt câu hỏi rằng thị trường Việt Nam có đủ lớn để tạo ra các doanh nghiệp tech startup tỉ USD hay không, nếu không đủ thì các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng sang nước ngoài hay không? Có một thực tế là chúng ta chưa có nhiều doanh nghiệp như vậy.
Thứ đến, suy cho cùng sự lớn mạnh của doanh nghiệp công nghệ phụ thuộc vào các ngành nghề truyền thống. Khi một lĩnh vực có nhiều công ty truyền thống đạt ngưỡng decacorn (doanh nghiệp được định giá hơn 10 tỉ USD) thì sẽ có cơ hội cho các công ty công nghệ trong ngành trở thành kỳ lân.
Đây là yếu tố tạo nên niềm tin cho các quỹ khi đầu tư vào công ty công nghệ ở Việt Nam và tạm thời các quỹ lớn vẫn khá dè chừng khi thực hiện những thương vụ lớn ở Series C và xa hơn.
Như vậy, chúng ta mất 10 năm để hình thành các công ty kỳ lân như MoMo, VNG hay VNLIFE nhưng với các vấn đề quan trọng vẫn đang cần cải thiện, có vẻ như không có gì chắc chắn thế hệ kỳ lân tiếp theo có thể mất ít thời gian hơn?
Ông Trần Nhật Khanh: Chúng tôi xem đó vẫn là ẩn số. Vì rõ ràng các câu trả lời của nhà đầu tư là thị trường Việt Nam có đủ lớn không, nếu không đủ lớn thì các công ty Việt Nam có mở rộng thị phần sang Đông Nam Á được không... Tuy nhiên, điều chúng tôi quan sát được là đa số các tập đoàn lớn ở Việt Nam luôn có tinh thần khởi nghiệp cao. Bằng chứng là trong dịch bệnh vừa qua, nhiều công ty đã chuyển động rất nhanh với thị trường. Hành động này tác động rất lớn đến toàn ngành, là nền tảng cho miếng bánh tự lớn lên và tạo cơ hội cho các tech startup.
Chính vì thế, chúng tôi kỳ vọng việc tạo ra các kỳ lân thế hệ tiếp theo sẽ diễn ra theo hướng tích cực.
Bà Ngô Thùy Ngọc Tú: Tôi muốn bổ sung thêm góc nhìn khác. Tùy vào khẩu vị của các quỹ đầu tư khi vào Việt Nam, có quỹ sẽ đặt mục tiêu săn kỳ lân lên hàng đầu nhưng cũng có quỹ như Touchstone Partners thiên về việc tạo ra các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và đóng góp bền vững vào chuỗi giá trị của ngành. Sẽ không có đúng sai trong việc lựa chọn đầu tư vì khẩu vị các quỹ là khác nhau và chính sự đa dạng này là nền tảng tạo ra sự sôi động, hấp dẫn của thị trường Việt Nam.
Chúng tôi tin rằng khi một doanh nghiệp có sản phẩm chỉn chu, đáp ứng nhu cầu thị trường và có khả năng mở rộng thì việc trở thành kỳ lân là điều tất yếu. Chính vì thế, chúng tôi sẽ quan tâm nhiều hơn đến giá trị lâu dài, sử dụng công nghệ để giải quyết hiệu quả các vấn đề truyền thống. Thay vì “săn” kỳ lân, chúng tôi thích “nuôi dưỡng” nhân tài bằng việc thu hút người tài quay về Việt Nam, đóng góp vào các chương trình xây dựng đào tạo nhân lực cho thị trường công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển văn hóa công ty, kết nối các bạn trẻ có cùng giá trị để cùng làm việc với nhau.
Các nhà sáng lập nên có sứ mệnh phục vụ và hoài bão trở thành phiên bản tốt nhất của họ và kỳ lân hay định giá chỉ là một thước đo trên con đường đến đó, chứ không phải là một đích đến.