Vũ khí bí mật của Starbucks: Chiếc máy đến từ Thụy Sỹ
Giám đốc điều hành của Thermoplan, ông Adrian Steiner tự hào: “Những cỗ máy tự động đã làm nên một thứ bản sắc rất riêng cho Đức và Thụy Sỹ”.
Ông Steiner đã có thâm niên 17 năm làm kĩ sư điện tại Thermoplan trước khi trở thành người điều hành cao nhất của doanh nghiệp này: “Sản phẩm của hãng chúng tôi là sự kết hợp của năng lực công nghệ vượt trội đến từ cả hai quốc gia Đức và Thụy Sỹ. Quy trình sản xuất ra một chiếc máy pha cà phê cũng ưu việt chẳng kém quy trình làm ra những chiếc đồng hồ: nó hội tụ đầy đủ yếu tố con người, chất lượng, giá trị và sự bảo đảm.”
Với 230 nhân công, hãng Thermoplan xuất đi 98% số sản phẩm mà mình tạo ra và là một điển hình cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ đến từ Thụy Sỹ: lấy nền tảng kỹ thuật công nghệ để thúc đẩy thành công trên thương trường. Thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Thụy Sỹ và Trung Quốc, bên cạnh vị thế đang lên của “người khổng lồ châu Á” trong bản đồ thị phần của Starbucks, đem đến cho Steiner nhiều lý do để lạc quan.
Là quê hương của những tập đoàn danh tiếng được niêm yết trên sàn chứng khoán như Nestle hay UBS, song 99% các doanh nghiệp tại Thụy Sỹ chỉ có quy mô vừa và nhỏ và đang tạo ra công ăn việc làm cho 2/3 tổng số lao động. Bên cạnh việc sản xuất máy pha cà phê cho Starbucks, Thermoplan cũng kết hợp với nhiều đối tác khác, từ công ty chế tác đồng hồ Swatch Group cho tới các đơn vị sản xuất linh kiện điện tử chính xác như Mikron Holding, với mục tiêu mở rộng thị trường vào Bắc Kinh và Thượng Hải.
Tháng trước, Starbucks cho biết thương hiệu này có kế hoạch mở thêm 800 cửa hàng mới tại Trung Quốc và khu vực châu Á-Thái Bình Dương tính tới năm 2015. Thông tin này đã giúp giá cổ phiếu của ông trùm đồ uống nước Mỹ tăng 0.1%, lên mức 76,87 USD trong phiên giao dịch lúc 10 giờ sáng ở New York.
Câu chuyện bắt đầu từ chiếc máy trộn kem
Tuy nhiên, Thermoplan nổi lên không chỉ nhờ những chiếc máy pha cà phê thượng hạng tại Starbucks. Trên thực tế, công ty này đã tạo ra bước đột phá từ ba thập kỷ trước khi nhanh chóng tấn công thị trường sản xuất đồ uống làm từ cà phê trên toàn thế giới với những chiếc máy đánh kem (whipped-cream machine).
Và cho tới năm 1999, Thermoplan – khi đó chỉ có vỏn vẹn 20 nhân công - đã đạt lợi nhuận kỷ lục khi kí kết thành công hợp đồng trọn gói với Starbucks, cung cấp cho toàn bộ hệ thống cửa hàng những chiếc máy pha chế cà phê tự động mang nhãn Thermoplan. Xem ra, Starbucks đã rất sáng suốt khi quyết định thay thế những chiếc máy pha espresso cũ kỹ bằng những chiếc máy tự động mới, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho người pha chế. Với hợp đồng này, sản phẩm máy pha Thermoplan đã theo Starbucks “phủ sóng” rộng rãi tại nhiều thành phố lớn trên toàn thế giới, từ New York tới Paris rồi tới Bắc Kinh.
Giá cho một chiếc máy pha chế Thermoplan dao động từ 7.000 franc (tương đương 7.700 USD) cho tới 17.000 franc – với kích thước lớn hơn và các tính năng bổ sung như tự làm sạch sau pha chế. Mẫu máy Mastrena, được Thermoplan thiết kế và sản xuất độc quyền cho Starbucks vào năm 2008. Để có được một ly cappuccino thơm ngon, người vận hành máy chỉ cần bấm một nút trên bảng menu điện tử.
“Kích thước nhỏ gọn, khả năng vận hành dễ dàng của chiếc máy đã giúp các chuyên viên pha chế của chúng tôi kết nối với khách hàng tốt hơn, thông qua các tương tác và tốc độ dịch vụ nhanh chóng”, Lisa Passe, một phát ngôn viên của thương hiệu Starbucks khẳng định.
Uy tín dịch vụ
Hợp đồng của Thermoplan với hãng Starbucks có lẽ sẽ tiếp tục được gia hạn trong nhiều năm sắp tới, mặc dù hai bên từ chối bình luận cụ thể về khả năng này. Steiner thì cho biết chính năng lực làm việc nhanh chóng và đầy sáng tạo của công ty mình đã bảo chứng cho hợp đồng béo bở này, và ông tự hào gọi đây là “sự kết hợp hoàn hảo giữa vị thế của một hãng lớn với tính linh hoạt của một doanh nghiệp nhỏ”.
Việc lắp đặp một chiếc máy, chủ yếu là các thao tác thủ công, tiêu tốn từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ. Hiện tại, Thermoplan có khả năng đáp ứng khoảng 84 chiếc máy mỗi ngày cho chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới, chiếm 1/3 tổng doanh số bán ra. Số còn lại đến từ những khách hàng khác như Nestle, Google hay Costa Coffee.
Năm ngoái, lợi nhuận của Thermoplan tiếp tục tăng trưởng và đạt con số 130 triệu franc (tương đương 143 triệu dola Mỹ). Điều kiện kinh doanh hiện tại cùng những triển vọng tươi sáng trong tương lai cho phép công ty gạt sang bên ý định cổ phần hóa, mặc dù Steiner không loại trừ khả năng này.
Thành công của Thermoplan cũng đến từ những cam kết dịch vụ tối ưu. Bất kỳ chiếc máy nào, trước khi xuất xưởng, cũng đều phải đảm bảo quy tắc pha đủ 100 tách cà phê thơm ngon đạt chuẩn. Một kỹ thuật viên đến từ phía đối tác dịch vụ của Thermoplan sẽ tới quan sát quy trình trong suốt 4 tiếng đồng hồ, nhanh chóng giải quyết mọi vấn đề phát sinh. Các kết cấu mô-đun cũng giúp việc bảo trì máy được đơn giản và thuận tiện, theo lời ông Steiner.
Thành công của Thermoplan và sự mạnh lên của đồng Franc Thụy Sỹ (CHF)
Mặc cho chi phí sản xuất đắt đỏ cùng tỉ giá hối đoái bất lợi, Thermoplan duy trì hoạt động sản xuất hoàn toàn trong nước. Hiện công ty có 40 chuyên viên làm công tác R&D cùng 140 nhân công vận hành dây chuyền sản xuất-lắp ráp. Vị CEO cho biết đội ngũ lao động tay nghề cao, quy chế tuyển dụng và sa thải minh bạch, sự hỗ trợ hiệu quả của chính phủ cùng các mức thuế hợp lý là những điều “giữ chân” Thermoplan ở lại với quê hương. “Đó là những điều khiến Thụy Sỹ của chúng tôi khác biệt”, ông khẳng định.
Steiner cũng cho biết vào năm 2011, khi giá đồng franc và euro gần như tương đương nhau, Thermoplan đã cắt giảm giá thành xuống 5% và nhờ thế, tỉ giá giao dịch không còn là vấn đề với doanh nghiệp nữa. “Thực tế là, lương nhân công ở Thụy Sỹ rất cao đấy”, ông nói.
Hiện tại, công ty đang lên kế hoạch đón đầu những làn sóng đổi thay mới trên thị trường tiêu dùng cà phê. “Dân Ukraina, Nga và Kazakstan đang tập làm quen với cappuccino. Cappuccino đang làm điên đảo thế giới, thứ đồ uống này mới thú vị làm sao”, Adrian Steiner mơ màng.
Nguồn GAFIN, Bloomberg/DVO