BTS - nhóm nhạc Hàn đang tạo sức hút trên toàn thế giới. Ảnh: CNN.
V-Pop ra thế giới
See Tình của ca sĩ Hoàng Thùy Linh, Hai Phút Hơn của rapper Pháo liên tục tạo thành cơn sốt trên mạng xã hội các nước Trung, Hàn, một lần nữa dấy lên hy vọng đưa nhạc Việt, cụ thể là V-pop ra thế giới.
Trong một phản hồi với báo giới, nhạc sĩ Quốc Trung thẳng thắn chỉ rõ: “Những hiện tượng này có thể là tiền đề quảng bá nhạc Việt nhưng chưa thực sự tạo được ảnh hưởng sâu sắc. Chúng ta không thể chỉ dựa vào vài ca khúc hot trên mạng xã hội rồi lấy đó tự hào rằng nhạc Việt hay nghệ sĩ Việt Nam thu hút thị trường quốc tế”.
Thực tế cho thấy, trước Hoàng Thùy Linh hay Pháo, từng có vài cái tên tài năng mà âm nhạc của họ đã truyền cảm hứng cho giới làm phim Hollywood. Ca khúc Số Nhọ của Huỳnh Hiền Năng được chọn làm nhạc chính thức cho phim Happy Death Day (Sinh Nhật Chết Chóc), trong khi một vài ca khúc khác của Wowy được chọn làm nhạc cho một bộ phim truyền hình của Mỹ. Ngẫu Hứng của Hoaprox phổ biến toàn cầu, đến mức bị nhầm là nhạc Trung Quốc. Tuy nhiên, sức lan tỏa chỉ dừng lại ở đó, thay vì tạo thành làn sóng có sức ảnh hưởng như K-pop.
Nhạc sĩ Mew Amazing cho rằng, nhạc Việt đương đại nói chung và V-pop nói riêng, muốn vươn ra quốc tế thì trước nhất sức hấp dẫn phải đến từ bài hát. “Bài hát có giai điệu hay, bản phối thú vị, có thể làm cho một nhóm người, 100 người, 200 người, thậm chí cả hàng ngàn người đều muốn nhún nhảy theo, có thể khuấy động cả một đám đông thì sẽ có sức lan tỏa”. Mew Amazing nhấn mạnh thêm, trước đây nếu ngôn ngữ được xem là rào cản lớn để V-pop hòa vào dòng chảy âm nhạc thế giới thì hiện tại phần giai điệu có khả năng quyết định nhiều hơn dù bài hát thuần tiếng Việt.
Nhìn ở góc độ này, nhạc sĩ Lucas Luân Nguyễn cho rằng, yếu tố cốt lõi khiến V-pop khó lòng ra thế giới vì thiếu vắng yếu tố căn tính Việt trong mỗi bài hát. “Nghĩa là người nghe không thể tìm thấy được nét nào tạo nên khác biệt hay sự đặc trưng của nhạc Việt so với những bài hát khác đang thịnh hình trên toàn cầu”. Anh lấy ví dụ, nhạc Trung Quốc gây ấn tượng nhờ hệ thống ngũ âm, nhạc Hàn có chất đặc trưng của giai điệu bắt tai và những điệu nhảy.
So với nhiều năm trước, V-pop nay dễ dàng lan tỏa hơn nhờ các nền tảng âm nhạc trực tuyến cũng như nền tảng mạng xã hội, từ TikTok đến YouTube. Nhiều ca sĩ Việt còn được hậu thuẫn lớn từ các nền tảng âm nhạc, hãng đĩa như quảng bá trên Quảng trường Thời Đại, ký hợp đồng thu âm độc quyền trên toàn cầu. “Bên cạnh phần nhạc hấp dẫn, sự hỗ trợ của các nền tảng thì chiến lược quảng bá ca khúc cũng đóng vai trò quan trọng không kém”, nhạc sĩ Mew Amazing cho biết.
“Sự quảng bá này không thể chỉ dừng ở một bài hát mà cần có chiến lược dài hơi đối với sự nghiệp của từng ca sĩ và rộng ra là cả ngành âm nhạc Việt Nam nói chung. Âm nhạc không thể phát triển một mình nó, mà cần có điểm tựa từ các yếu tố khác như phim ảnh, yếu tố văn hóa...”, nhạc sĩ Lucas Luân Nguyễn bổ sung.
Soi chiếu với K-pop, thành tựu mà K-pop đạt được như hôm nay là một cuộc đua tiếp sức, dài hơi và có chiến lược bài bản, rõ ràng. Chiến lược này xuất phát từ tầm nhìn của Chính phủ Hàn Quốc. Họ ý thức được rằng, kinh tế muốn phát triển thì văn hóa phải đi đầu. Vì thế, từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Chính phủ đã thành lập Cục Công nghiệp Văn hóa, song song đó là thành lập các viện sáng tạo nội dung Hallyu (Hàn Lưu). Các tập đoàn kinh tế, trường đại học, các kênh truyền thông... đều trở thành một phần của chiến lược này. Những lệnh cấm được dỡ bỏ, tạo điều kiện cho nghệ thuật, mà trước hết là phim ảnh phát triển. Qua phim ảnh, văn hóa Hàn, con người Hàn với những xung đột giữa một xã hội truyền thống Á Đông và một xã hội hiện đại đã tạo nên sự đồng cảm khắp châu Á.
Trong hội thảo cách đây hơn 10 năm, khi K-pop tạo thành làn sóng khắp châu Á, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền, Trưởng bộ môn Hàn Quốc học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, nhấn mạnh, có 2 yếu tố cốt lõi thúc đẩy phát triển làn sóng Hallyu ở Hàn Quốc. Thứ nhất là sự năng động, sáng tạo của các tập đoàn giải trí ở Hàn Quốc. Họ luôn trong tâm thế lắng nghe phản hồi từ khán giả và thường xuyên đổi mới để đáp ứng thị hiếu. Thứ 2 là thiết chế dân chủ hóa, tạo điều kiện cho nghệ sĩ điện ảnh tham gia xây dựng chính sách cho lĩnh vực phim ảnh. Nhờ đó, mọi thay đổi đều thiết thực và đi từ cốt lõi của ngành.
Từ phim, nhạc bắt đầu lan tỏa và có đời sống độc lập. Một yếu tố quan trọng giúp K-pop phát triển là sự nhạy cảm với môi trường thay đổi và khả năng tiếp nhận các nguồn mới. Nhà phê bình nhạc pop Jung Min Jae từng chia sẻ với Korea Herald: “Âm nhạc thần tượng K-pop có nguồn gốc từ những bài hát “gayo” thời kỳ đầu (một thuật ngữ tiếng Hàn chỉ âm nhạc phổ biến mà mọi người nghe và hát theo). Điểm khác biệt chính của nó là những giai điệu độc đáo được hình thành thông qua sự hòa quyện của các xu hướng âm nhạc toàn cầu khác nhau, chẳng hạn như pop của phương Tây và J-pop, thành một âm thanh nguyên bản nhưng đương đại”.
Trong một thập kỷ qua, kể từ sau hiện tượng Gangam Style, K-pop đã phát triển và mở rộng theo một khía cạnh khác với các nhóm nhạc hàng đầu như BTS, BLACKPINK, TWICE... K-pop đã vượt qua những “bức tường” dường như không thể phá vỡ của ngành công nghiệp âm nhạc chính thống của Mỹ. Theo nhà phê bình âm nhạc Kim Do Heon, K-pop đã nhanh chóng thích ứng với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số và tích cực quảng bá âm nhạc với nhiều nội dung tự sản xuất, từ đó tiếp cận người hâm mộ trên toàn cầu. Dần dần, K-pop được thế giới công nhận như một thể loại nhạc riêng, gắn liền với Hàn Quốc”.
Khi phim và nhạc phát triển thì người Hàn tiếp tục đa dạng các sản phẩm văn hóa khác, gắn liền với dòng chảy Hallyu như game online, truyện tranh, phim hoạt hình... Trở lại câu chuyện của nhạc Việt, tiền đề đã có nhưng cần làm gì để tiếp tục tạo thành làn sóng? Câu trả lời chắc chắn không chỉ thuộc về một vài cá nhân tài năng hay vài công ty giải trí.