Kỳ vọng huy động được 100 triệu USD, Quỹ Bảo tồn dự kiến là quỹ trong nước có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Ảnh: Quý Hòa
Tiền vào quỹ ủy thác bảo tồn
Nguồn tài chính dài hạn
Một buổi chiều cuối tháng 11/2022, Tiến sĩ Hà Thăng Long bước ra khỏi chiếc máy bay vừa đưa ông từ Phố núi Pleiku đến TP.HCM sôi động. Vẻ căng thẳng hiện trên khuôn mặt. Không phải vì ông đã di chuyển liên tục qua nhiều tỉnh, thành trong một thời gian ngắn, công việc thường trực gắn với việc bảo tồn động thực vật hoang dã. Mà đó là vì tối hôm sau, ông sẽ lần đầu khoác bộ vest trang trọng, khác biệt so với trang phục bụi bặm đi rừng, đứng trước hàng trăm CEO để giới thiệu về một quỹ mới: Quỹ Bảo tồn Động thực vật Hoang dã Việt Nam (Quỹ Bảo tồn).
Kỳ vọng huy động được 100 triệu USD, Quỹ Bảo tồn dự kiến là quỹ trong nước có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. “Tiền của người đóng góp sẽ còn mãi mãi”, ông Long giải thích về cơ chế hoạt động như một quỹ hiến tặng (Endowment Fund), giống cách Quỹ Bill và Melinda Gates đang vận hành. Tiền đóng góp vào quỹ sẽ được đầu tư và các khoản lợi nhuận thu được hằng năm sẽ được dùng để tài trợ cho những dự án được chọn.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), việc thành lập các Quỹ Ủy thác Bảo tồn (Conservation Trust Fund - CTF) có thể giúp các khu bảo tồn được tiếp cận với nguồn tài chính dài hạn và bền vững hơn.
Có 3 loại CTF, quỹ hiến tặng duy trì vốn cơ sở trong khi chỉ chi trả lãi; quỹ chìm (Sinking Fund) dùng cả vốn lẫn lãi và cuối cùng sẽ biến mất; và quỹ quay vòng (Revolving Fund) được thiết kế để được bổ sung liên tục.
Năm 1997 tại Mexico, Protected Areas Endowment Fund (Quỹ tài trợ các khu bảo tồn) được thành lập từ số tiền 16,5 triệu USD tài trợ từ GEF. Số tiền này đã tăng lên 42 triệu USD vào năm 2003 sau một số lần hiến tặng. Hằng năm, tiền lãi từ Quỹ được chuyển đến các khu vực được bảo vệ khác nhau, bao gồm 4 công viên biển.
Với Quỹ Bảo tồn, đối tượng hưởng lợi chính là động vật hoang dã và hệ sinh thái con người đang sống phụ thuộc. Giải pháp có thể trực tiếp lên đối tượng hưởng lợi, hoặc gián tiếp vào những cộng đồng đang tác động vào. “Có thể đó là một dự án đầu tư vào khu vực miền núi, giúp người dân địa phương có thêm sinh kế. Khi ấy, họ không cần phải vào rừng để kiếm sống nữa và hệ sinh thái rừng được bảo vệ”, ông Long giải thích.
Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) đánh giá tỉ lệ và tốc độ tuyệt chủng của các loài hiện nay cao gấp 100-1.000 lần so với tỉ lệ trong tự nhiên trước đây. Nhiều nhà khoa học tin rằng chúng ta đang bước vào giai đoạn tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 trên Trái đất, lần tuyệt chủng đầu tiên mà con người là tác nhân chính.
Báo cáo năm 2022 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho biết quần thể các loài hoang dã thuộc lớp thú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá đã giảm trung bình 69% kể từ năm 1970. Năm 2010, con tê giác cuối cùng ở Việt Nam đã biến mất.
Việt Nam là quê hương của một kho tàng đa dạng sinh học với ước tính có khoảng 13.766 loài thực vật, 10.300 loài động vật trên cạn, hơn 7.700 loài côn trùng và nhiều loài động vật không xương sống. Tuy nhiên, quá trình phát triển đã đẩy nhiều loài đến nguy cơ tuyệt chủng một cách thầm lặng và lan rộng, như Voọc Cát Bà, hiện chỉ còn 76 cá thể so với gần 3.000 cá thể trong những năm 1960. Không may mắn như loài linh trưởng kể trên, một số loài thậm chí ít được biết hay chưa được biết đến.
Giải quyết vấn đề địa phương
Trong bối cảnh này, Viện Quốc tế về Môi trường và Phát triển (IIED) cho rằng việc tìm kiếm nguồn tài chính bền vững là thách thức lớn đối với bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt với các nước đang phát triển. Mặc dù có nhiều nguồn tài trợ tiềm năng, các tổ chức bảo tồn truyền thống không thể khai thác vì không đáp ứng yêu cầu về quy mô.
CTF được IIED đánh giá là một giải pháp giúp tài trợ tài chính bền vững cho hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học ở cấp khu vực và quốc gia. Hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học với tư cách là người sáng lập GreenViet đã giúp Tiến sĩ Hà Thăng Long nhận ra những khó khăn khi tìm kiếm nguồn tài trợ của các NGO (tổ chức phi chính phủ) nội. Tham gia Quỹ Bảo tồn, một quỹ nhận hiến tặng từ những nhà tài trợ trong nước, ông Long chia sẻ mong muốn chủ động trong nguồn tài chính để “địa phương có thể tự giải quyết vấn đề của địa phương”.
Quỹ Bảo tồn đã nhận được những khoản cam kết đầu tư ban đầu. Tuy chưa được tiết lộ, nhưng số tiền đó cho phép Quỹ tài trợ cho khoảng 10 dự án trong 3 năm hoạt động đầu tiên, với giá trị mỗi dự án khoảng 3 tỉ đồng. Đây là mức gấp 5-10 lần những khoản tài trợ thông thường các NGO nội được nhận. “Chúng tôi muốn dự án tạo được tác động lâu dài. Vì vậy, chúng tôi chọn những dự án từ 3-5 năm, đủ để tạo ra tác động”, ông Long giải thích.
Thành công của CTF được xác định bằng các tác động bảo tồn họ đạt được. Điều thú vị là Quỹ Bảo tồn chấp nhận sẽ có rủi ro trong những lựa chọn tài trợ. Họ kỳ vọng độ lớn của dự án tỉ lệ thuận với tác động mà dự án tạo ra. Tuy nhiên, họ cũng chuẩn bị cho những kết quả không như mong đợi vì rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, về năng lực tổ chức, sự thiếu hợp tác từ địa phương và đương nhiên, những thay đổi thời tiết bất thường vì biến đổi khí hậu.