Liveshow Người Đàn Ông Và Bông Hoa Trên Ngực Trái của ca sĩ Hà Anh Tuấn.
Thị trường liveshow thời YouTube
Trong 4 tháng đầu năm, liveshow ca nhạc tại thị trường phía Bắc đã vượt ngoài con số 15 với các chủ đề khác nhau, chưa kể những show tại các phòng trà, trong khi TP.HCM, mảnh “đất vàng” một thời của liveshow trở nên đìu hiu. Nguyên nhân sự lệch cân ngày một mạnh mẽ này là gì?
Được mùa trên đất Bắc
Tháng 4, tại TP.HCM có duy nhất liveshow Romance: Người Đàn Ông Và Bông Hoa Trên Ngực Trái của ca sĩ Hà Anh Tuấn tổ chức tại Nhà hát Hòa Bình, với hơn 2.500 vé bán hết chỉ trong 1 ngày sau khi mở bán. Mặc dù sở hữu 2 cái tên ngôi sao hạng A, cầm chắc phần thắng trong tay là Hà Anh Tuấn và Mỹ Tâm, thì nhà tổ chức Viet Vision vẫn tính toán hết sức thận trọng để không “bay” quá kinh phí cho phép. Trước đó, vào tháng 3, cũng tại Nhà hát Hòa Bình, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả là liveshow của ca sĩ Như Quỳnh.
Tuy nhiên, nếu nhìn ra thị trường phía Bắc, chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm đã có đến hơn chục liveshow có trọng lượng, đủ chủ đề, đủ dòng nhạc. Thích nhạc xưa có thể nghe Như Quỳnh, Ngọc Sơn, Quang Lê... Thích phá cách, mới mẻ thì có Thu Minh. Còn nếu yêu những tên tuổi “hot” của thị trường thì có thể xem Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Noo Phước Thịnh, Hà Anh Tuấn, Mỹ Tâm... Nghệ sĩ mới thì có thể thưởng thức nhạc từ các nhóm underground.
Thậm chí, còn có cả show kết hợp giữa nghệ sĩ xưa và nay như Khánh Ly, Hồng Nhung trong đêm nhạc Tình Khúc Cho Em. Ngay cả những ca sĩ gắn liền với hoài niệm tuổi trẻ như Ưng Hoàng Phúc, Thanh Thảo, Dương Ngọc Thái... tưởng chừng chỉ quen thuộc với khán giả phía Nam cũng kéo ra Hà Nội làm liveshow. Điều đáng nói là gần như tất cả các đêm nhạc đều lấy việc bán vé làm tiêu chí thu hồi vốn, không hề có nhà tài trợ phía sau.
Sự sôi động này sẽ còn tiếp tục đến cuối năm khi hàng loạt chương trình chất lượng đang rục rịch: liveshow Tùng Dương hát ca khúc của 4 nhạc sĩ Hà Nội gồm Trần Tiến, Dương Thụ, Phó Đức Phương và Nguyễn Cường vào tháng 6; MyLinh Tour 2018 vào tháng 8; liveshow nhạc Jazz của nhạc sĩ - nhà sản xuất Phạm Hải Âu qua các giọng ca Tuấn Ngọc, Nguyên Thảo và Uyên Linh vào tháng 9. Bước sang tháng 11 là liveshow Hoàng Quyên hát Đỗ Bảo, Võ Thiện Thanh.
Nếu so sánh tỉ lệ tổ chức show giữa hai thị trường TP.HCM với Hà Nội thì con số này vào năm 2016 là 4/25 show, năm 2017 là 3/26! Một sự lệch cân không cần phải bàn cãi. Không ít show tại TP.HCM phải bỏ của chạy lấy người vì tình trạng bán vé sụt giảm nghiêm trọng, như trường hợp liveshow Đời Nghệ Sĩ năm 2016, dù quy tụ hàng loạt tên tuổi đình đám. Thực trạng này, cách đây 5 năm là điều dường như ít ai dám hình dung, bởi TP.HCM luôn được xem là “kinh đô” của thị trường biểu diễn, hội tụ đủ tên tuổi lớn nhỏ từ khắp các vùng miền và cả hải ngoại đổ về.
Đường dài ra sao?
Một trong những nguyên nhân khiến thị trường biểu diễn tại TP.HCM rơi vào cảnh eo sèo được nhiều bầu show, giới ca sĩ nhiều lần chỉ rõ là sự phát triển quá mạnh của các chương trình truyền hình thực tế và YouTube. Khán giả, thay vì đi xem đêm diễn của ca sĩ thì chỉ cần bật tivi, mở điện thoại đã có thể thưởng thức vô số tiết mục đặc sắc, với đủ giọng ca trong, ngoài nước.
Bên cạnh đó, các show diễn miễn phí mang tính chất thương mại của nhiều nhà tài trợ, nhãn hàng đã góp phần hình thành tâm lý thích đi xem “chùa” hoặc đợi sát giờ diễn, chờ nhà tổ chức giảm giá mới mua vé vào xem.
Ngoài ra, theo một nhà tổ chức, thị trường show âm nhạc tại TP.HCM không còn đặc sắc vì những tên tuổi quá cũ và không có ý tưởng nổi bật. Trong khi đó, các nhà tài trợ không còn xem show ca nhạc là kênh quảng bá thương hiệu nữa, vì có thể có nhiều kênh hiệu quả hơn.
Thêm vào đó, nhiều sân khấu ca nhạc tại TP.HCM bắt đầu rơi vào tình trạng xuống cấp. Muốn đạt được hiệu quả âm thanh, ánh sáng như mong muốn, đòi hỏi nhà sản xuất phải đầu tư rất lớn. Làm liveshow ca nhạc muốn thắng, cần hấp dẫn, mới lạ, chịu khó đầu tư đủ các khâu mới mong bán được vé. Song với nhiều khoản đầu tư như vậy, chi phí sẽ bị đội lên gấp nhiều lần. Ca sĩ, dẫu tên tuổi hạng A cũng không dám liều, nếu không có nhãn hàng đứng sau. Câu chuyện cứ thế lặp lại lẩn quẩn.
Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, dễ dàng nhận thấy, vé của show diễn đã được bán hết trước đó cả tháng. Điều này một phần bắt nguồn từ sự cứng rắn của nhà tổ chức, không tạo thói quen chờ giảm giá cho công chúng. Mặt khác, cũng phải thấy rằng, nhu cầu đến rạp thưởng thức văn nghệ tại thị trường Hà Nội cũng rất cao. Một đạo diễn truyền hình chia sẻ, chỉ cần quan sát các buổi ghi hình game show thôi, đã thấy có sự khác biệt giữa hai miền Nam - Bắc. Khu vực Hà Nội khán giả đến rất đông, vỗ tay, hưởng ứng rất nhiệt tình trong khi ở TP.HCM, nhà sản xuất phải bỏ tiền thuê hẳn đội ngũ đóng vai khán giả cổ vũ.
Làm phép chia trung bình, mỗi tháng tại Hà Nội có từ 1-3 show diễn tại các điểm quy mô. Liệu các ông bà bầu có e ngại sự thiếu đổi mới, có lo lắng trước hiện tượng giẫm chân lên nhau khi ca sĩ này vừa xuất hiện trong show của người này tháng trước, tháng tiếp theo lại xuất hiện trong show của người kia? Câu trả lời chắc chắn là có. Do vậy, về đường dài, nếu muốn thu hút khán giả và để tồn tại trước sự cạnh tranh của truyền hình thực tế và YouTube.
Theo đạo diễn Việt Thanh, người đứng sau nhiều liveshow thành công của các ca sĩ tại Hà Nội, các chương trình ca nhạc, sẽ phải tiếp tục đổi mới, chuyển hóa dưới nhiều hình thức và định dạng khác nhau. Bởi vì sự phát triển của truyền hình thực tế, kênh YouTube đồng hành cùng các nhãn hàng sẽ tiếp tục thống trị nhu cầu giải trí của khán giả trên mọi mặt trận, không riêng gì âm nhạc.