Taylor Swift viết bài cho Wall Street Journal về tương lai ngành công nghiệp âm nhạc
Hay chuyện những người trong ngành giải trí ký được hợp đồng nhờ số lượng “người theo dõi” trên Twitter (Có cô bạn của tôi là một diễn viên kể khi chọn vai cho một bộ phim gần đây còn lại hai diễn viên so kè với nhau thì đạo diễn phân vai chọn diễn viên có số lượng “người theo dõi” trên Twitter cao hơn).
Từ đó Taylor Swift khái quát hóa: “Tương lai các nghệ sĩ giành được hợp đồng thu đĩa bởi vì họ có nhiều người hâm mộ - chứ không phải ngược lại”.
Một điểm khác có thể gây ngạc nhiên cho chúng ta là ý niệm thể loại nhạc phân định rõ rệt nay đã biến mất. “Một chủ đề khác tôi thấy đang nhòe dần là việc phân biệt thể loại nhạc. Ngày nay, không có tác phẩm nào nổi trội bạn nghe trên radio mà đến từ chỉ một luồng ảnh hưởng trong âm nhạc,” Swift viết.
Loại bỏ các chi tiết thu hút chú ý người đọc bình thường này, Taylor Swift viết gì trên tờ ?
Đầu tiên cô mô tả những thay đổi chóng mặt của công nghiệp âm nhạc. Cách đây mới chỉ một thập niên, 100% doanh thu của ngành đến từ một thứ gì đó mà người tiêu dùng nắm được trên tay, chủ yếu là đĩa CD. Ngày nay, đến 21% doanh thu đến từ dịch vụ nghe nhạc trực tuyến và đến hai phần ba doanh thu là từ các dạng nhạc kỹ thuật số (ví dụ 40% doanh thu là nhờ dịch vụ mua và tải nhạc về).
Rõ ràng với nhiều người, công nghiệp âm nhạc đang suy tàn, doanh số bán album nhạc ngày càng giảm do nạn sao chép lậu, nạn chia sẻ nhạc giữa các cộng đồng và sự bùng nổ dịch vụ nghe nhạc trực tuyến. Nhiều nghệ sĩ lớn đã quyết định tặng không cả album cho mọi người nghe hay tải về miễn phí.
Nhưng với Taylor Swift thì không. Cô vẫn lạc quan vào tương lai của công nghiệp âm nhạc: “Theo tôi, giá trị của album nhạc vẫn và sẽ vẫn dựa vào khối óc và con tim người nghệ sĩ đã đổ vào tác phẩm,” cô viết và nhấn mạnh: “Theo tôi âm nhạc không thể miễn phí và tôi tiên đoán các nghệ sĩ riêng lẻ sẽ có ngày tự ấn định giá album. Tôi hy vọng họ không tự đánh giá mình thấp hay hạ giá nghệ thuật của họ”.
Ngày nay người nghe vẫn mua album nhưng mua ít đi. Họ chỉ mua những album nào đâm thẳng vào tim họ như mũi tên, làm cho họ cảm thấy mạnh mẽ, hay giúp họ không cảm thấy cô đơn khi thật sự đang cô đơn… Viết những lời tâm huyết này, Taylor Swift cho rằng quan hệ giữa người nghệ sĩ và người hâm mộ như mọi mối quan hệ khác: có bài họ nghe cho vui, có bài họ nghe để nhảy múa trong phút chốc rồi quên béng nhưng cũng có những nghệ sĩ mà người ta nghe suốt đời rồi cho con cháu nghe nữa.
Vì thế Taylor Swift cho rằng mối dây liên hệ với người hâm mộ đối với cô là yếu tố ngạc nhiên, chứ không phải là sốc. Cô cho rằng mỗi lần bước ra sàn diễn cô đều biết người nghe từng nghe cô hát bài đó trên YouTube; vậy yếu tố kết nối cô với người hâm mộ là tạo cho họ sự ngạc nhiên thú vị hằng đêm… “Giây phút này trong âm nhạc rất lôi cuốn vì sân chơi sáng tạo mà người nghệ sĩ có thể trải nghiệm là vô hạn… Rủi ro duy nhất là quá sợ hãi không dám chấp nhận rủi ro,” cô viết.
Dĩ nhiên vẫn có người, vẫn có báo phản đối cô. Có tờ viết Taylor Swift không biết gì về quy luật cung cầu bởi ngày nay người ta xem trọng sự thuận tiện chứ không phải chất lượng âm nhạc. Vì thế giới trẻ nghe nhạc bằng các điện thoại mà chất lượng âm thanh làm sao sánh được với các dàn nhạc trong nhà ngày xưa; giới trẻ còn nghe nhạc qua YouTube nơi chất lượng âm thanh càng tệ hơn nữa.
Khi Taylor Swift viết “Âm nhạc là nghệ thuật và nghệ thuật thì quan trọng và hiếm hoi”, có người nói Internet đã đánh mất sự hiếm hoi đó. Cách đây 10 năm người ta chỉ có cái họ nắm trong tay; ngày nay mọi chuyện đều có thể nhân bản và chia sẻ nhanh chóng qua Internet. Bởi thế nên CD rồi DVD và cả báo in đều đi vào chỗ lụi tàn.
Dù sao đi nữa, bài viết của Taylor Swift làm dấy lên lại cuộc tranh luận về tương lai của âm nhạc và như thế cô đã làm tròn vai trò người viết của cô.
Nguồn TBKTSG