Chủ Nhật | 08/12/2013 16:50

Thị trường violin quý hiếm vẫn tăng trưởng cao trong thời kỳ suy thoái

Năm trước, chiếc violin Vieuxtemps được bán với giá hơn 16 triệu USD, đây là chiếc violin có giá đắt nhất thế giới.
"Tất cả các nghệ nhân làm đàn violin trên thế giới đều cố gắng để tạo ra violin có âm thanh như chiếc violin này", Anne Akiko Meyers chỉ vào chiếc violin đang cầm trên tay. "Chiếc violin ở trong tình trạng nguyên vẹn, giúp cho âm thanh của nó hoàn toàn khác biệt so với những chiếc violin khác." Chiếc violin này có tên là Vieuxtemps và được nghệ nhân làm đàn người Ý ở thế kỷ 18 Giuseppe Guarneri del Gesù tạo ra. Năm trước, chiếc violin này được bán với giá hơn 16 triệu USD cho một khách hàng giấu tên, đây là chiếc violin có giá đắt nhất thế giới.

Nhạc công Anne Akiko Meyers với cây violin đắt nhất thế giới
Nghệ sĩ Anne Akiko Meyers với cây violin đắt nhất thế giới

Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, giá của loại nhạc cụ này vẫn tăng cao. Theo Violin Advisor, công ty tư vấn nhạc cụ, từ năm 1980-2011, giá trung bình của một cây violin Stradivarius tăng với tốc độ hàng năm là 15,4%. Paolo Alberghini, chuyên gia môi giới vĩ cầm ở New York, tham gia phiên đấu giá cây Vieuxtemps, cho biết "Trong thời gian suy thoái kinh tế, người giàu đã mất rất nhiều tiền vào cổ phiếu và bất động sản, nhưng những người sở hữu loại violin quý hiếm đã không mất một xu nào. Trái lại, họ kiếm được rất nhiều tiền. Đây là loại nhạc cụ không chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế."

Những người mua violin thường có mối liên hệ với các nhạc sĩ. Ông Alberghini cho biết "Khi nhà đầu tư mua một cây violin Stradivari hoặc Guarneri, họ không chỉ giữ và bán các loại đàn này như bán cổ phiếu. Sự quý hiếm của một số loại violin thậm chí còn làm cho thị trường nóng lên."

Theo ước tính của Viện nghiên cứu Smithsonian ở Washington, nghệ nhân Guarneri đã tạo ra khoảng 250 cây violin, nhưng chỉ có 150 chiếc còn tồn tại tới ngày nay, trong khi đó Stradivari tạo ra khoảng 1100 nhạc cụ, bao gồm viola, cello và đàn hạc. Chỉ có một số ít nhạc cụ quý hiếm được bán ra trên thị trường mỗi năm.

Một trong số đó là cây violin Stradivarius bị đánh cắp tại một quán cà phê ở London cách đây 3 năm. Theo dự kiến, cây violin này ​​sẽ thu về hơn 2 triệu bảng trong phiên đấu giá do hãng Tarisio tổ chức vào cuối tháng này.

Các nhạc công thường ở vị thế bất lợi trên thị trường nhạc cụ. Theo nhận định của Gordan Nikolitch, chỉ huy dàn nhạc giao hưởng London, "Các nhạc công không thể mua được những nhạc cụ tốt nhất hiện nay. Chủ sở hữu sẽ cho mượn nhạc cụ quý hiếm, nhưng các nhạc công không biết mình có thể giữ loại nhạc cụ này trong bao lâu." Một số nhà đầu tư cho các nghệ sĩ có triển vọng mượn nhạc cụ, nhưng cũng có nhiều người muốn lưu giữ chúng ở nơi an toàn.

Tuy nhiên, theo Andy Fein, một nghệ nhân làm violin ở Minnesota, việc lưu giữ một nhạc cụ quý hiếm có thể phản tác dụng. "Nhạc cụ thuộc bộ dây không phải loại nhạc cụ mà chúng ta có thể mua về, cất giữ và hy vọng nó sẽ vẫn ở trong tình trạng hoàn hảo trong 1 hoặc 2 thập kỷ tới", ông Fein nói.

Nghệ sĩ Meyers đã rất may mắn khi có thể sở hữu 2 cây violin Stradivarius. Đầu năm nay, chủ sở hữu mới của cây violin Vieuxtemps quyết định cho bà Meyers mượn suốt đời.

Khi được hỏi tại sao cây đàn này được giao cho nghệ sĩ violin Meyers sử dụng, chứ không phải là Anne Sophie Mutter, chủ sở hữu cho biết "đây là điều hoàn toàn tự nhiên khi để một nghệ sĩ hàng đầu chơi một trong những nhạc cụ vĩ đại nhất."

Tuy nhiên, bà Julie Reed- Yeboah, nghệ nhân phục chế violin, cho rằng nguyên nhân là do bà Meyers "có khả năng phi thường trong việc chăm sóc các nhạc cụ mà bà đã chơi trước đây. Đây là một trong những ví dụ điển hình về việc bảo quản tác phẩm của Guarneri del Gesù trong điều kiện tốt nhất."

Trong thời gian gần đây, các nhà đầu tư thường xuyên quảng cáo trên các ấn phẩm tài chính với nội dung thu mua các nhạc cụ quý hiếm từ những người sở hữu. Trên thực tế, giá trị của những loại nhạc cụ này sẽ tiếp tục tăng cao, khiến cho các nhạc công ngày càng có ít cơ hội tiếp cận loại nhạc cụ quý hiếm. "Với các nghệ sĩ violin, nhạc cụ chính là phong cách sống của họ", bà Meyers nói. Album đầu tay của nghệ sĩ Mayers cùng Dàn nhạc thính phòng Anh với cây đàn Vieuxtemps sẽ được phát hành vào đầu năm tới.

Tuy nhiên, ông Nikolitch có cái nhìn lạc quan về thị trường violin: mặc dù cơ hội tiếp cận đàn Stradivari và Guarneri của các nhạc công ngày càng ít đi, sự chú ý dành cho các nhạc cụ của những nghệ nhân ít nổi tiếng hơn ngày càng tăng lên. "Một cây violin của nghệ nhân Jacob Stainer (nghệ nhân làm đàn người Áo ở thế kỷ 17) có thể tạo âm thanh tuyệt vời với giá rẻ hơn 100 lần so với giá trung bình của một cây Stradivarius", ông nhấn mạnh. Khi nhạc công trẻ nhờ tư vấn về các nhạc cụ, ông Nikolitch khuyên họ hãy tự mình cảm nhận giá trị của cây đàn chứ không phải thị trường.

Nguồn Dân Việt/The Economist


Sự kiện