Thứ Năm | 04/12/2014 15:19

Hàng hiệu giảm giá: Nhìn vậy mà không phải vậy

Chiếc túi xách Louis Vuitton giá 2.000 USD được rao bán trên Facebook với giá 239 USD? À, nhìn vậy mà không phải vậy.

Một nghiên cứu mới đây của 2 chuyên gia an ninh máy tính Italia Andrea Stroppa và Agostino Specchiarello cho thấy, khoảng ¼ quảng cáo thời trang và hàng xa xỉ họ kiểm tra trên Facebook đều có kết quả là các trang web bán hàng giả. Các quảng cáo, chào mời nhiều mặt hàng như kính Ray-Ban Aviator giá 180 USD với giá chưa đến 30 USD, đều liên quan đến các trang thương mại điện tử giả mạo do các công ty Trung Quốc đăng ký.

Nghiên cứu của 2 chuyên gia được dựa trên việc xem xét trên 1.000 quảng cáo, kể cả 180 quảng cáo về hàng thời trang và xa xỉ, trong đó, 43 kết quả cho thấy là hàng giả.

Facebook cho biết sẽ làm hết sức để tìm ra danh sách bất hợp pháp và yêu cầu gỡ bỏ. Mạng xã hội này sẽ xem xét và có biện pháp hành động đối với các quảng cáo bất hợp pháp, người phát ngôn của Facebook cho biết. “Chúng tôi ngăn cấm những quảng cáo hoặc nội dung gian dối hoặc gây nhầm lẫn và sẽ áp buộc việc tuân thủ điều khoản và chính sách của chúng tôi. Facebook đã đầu tư nguồn lực đáng kể để phát triển chương trình xét duyệt quảng cáo, kể cả tự động và thủ công”, người phát ngôn Facebook cho biết.

Túi xách hàng hiệu giả.
Túi xách hàng hiệu giả.

Nhiều năm nay, các đường dẫn trên web giả mạo luôn là “chiến trường” đối với các công ty sản xuất hàng xa xỉ. Tháng 9 năm ngoái, LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton trụ sở tại Paris đã kết thúc xung đột từ lâu với Google, đồng ý làm việc với gã khổng lồ tìm kiếm này nhằm giúp ngăn ngừa việc quảng cáo hàng giả trực tuyến.

LVMH, công ty hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, đã cáo buộc Google vi phạm quyền thương hiệu của hãng bằng việc bán các từ khóa kết nối người sử dụng đang tìm kiếm thương hiệu của hãng với các website bán hàng giả.

Các trang web bán hàng giả thường trông giống trang web chính hãng. Ví dụ, cửa hàng bán hàng Ray-Ban kém chất lượng cũng có tên thương hiệu trên địa chỉ web, thiết kế và logo tương tự Ray-Ban.com và thông tin về bảo hành không tồn tại, theo các nhà nghiên cứu.

Tập đoàn Luxottica trụ sở tại Milan, nhà sản xuất kính mắt lớn nhất thế giới và chủ sở hữu nhãn hiệu Ray-Ban, cho biết, đang làm việc và thúc giục Facebook phải làm nhiều hơn nữa. “Cuộc chiến chống hàng giả là một trong những ưu tiên hàng đầu của Luxottica”, người phát ngôn tập đoàn cho biết.

Nguồn DVO/Bloomberg