Chủ Nhật | 19/05/2013 08:39

Dân chơi đồng hồ thứ thiệt

Anh Trường H từng đón 2 người thợ Sài Gòn ra Hà Nội, bao ăn ở mười ngày, chỉ để họ lau dầu cho chiếc đồng hồ Audemars Piguet mới tậu.
Giới sành đồng hồ ở Hà Nội đều biết anh Trường H ở Đinh Tiên Hoàng. Trường H có đặc điểm là chỉ chơi đồng hồ Thuỵ Sĩ. Anh đã từng đón hai người thợ ở Sài Gòn ra Hà Nội, thuê khách sạn và bao ăn ở trong mười ngày chỉ để làm công việc lau dầu cho chiếc đồng hồ Audemars Piguet mới tậu.

Một người khác, anh Chu Q, sở hữu chiếc Piaget trị giá khoảng 25.000 USD, từng mua một chiếc đồng hồ quả lắc cổ cao gần 3m và mất tới vài tháng bỏ công đi tìm thợ căn chỉnh, lắp ráp nó.

Chiếc đồng hồ có khắc tên người chủ ở mặt sau.

Có những người chỉ chuyên về một loại đồng hồ nhất định, như anh Cao ở 95 Mạc Thị Bưởi (Sài Gòn) chuyên đồng hồ Omega. Chỉ cần nói số máy của một chiếc Omega là anh có thể mô tả chi tiết về sản phẩm đó, từ vật liệu vỏ, kiểu dáng nút điều chỉnh đến màu sắc và hoạ tiết.

Vài năm trước, có một hãng đồng hồ Thuỵ Sĩ sang Việt Nam tổ chức khoá huấn luyện, thi thợ sửa đồng hồ. Người đoạt giải cao nhất là Dũng, một trong những người thợ của anh Cao. Từng có doanh nhân Nhật Bản đề nghị trả cho kỹ thuật viên của anh mức lương tới 5.000 USD/tháng.

Dân chơi đồng hồ có thể mua hàng mới tinh (thường là người mới thành đạt), nhưng phổ biến vẫn là mua loại cũ chất lượng cao. Để chơi kiểu này, bên cạnh khả năng tài chính còn phải có kiến thức về đồng hồ và quan hệ rộng. Họ rất kỹ tính khi chọn mua sản phẩm và ít khi bán đi những chiếc đã mua.

Vài năm trước, giới chơi đồng hồ truyền tai nhau về chiếc đồng hồ Jaeger LeCoultre giá cả trăm ngàn đô của ông Chí ở Sài Gòn, được cha là ông Đức Minh, một nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng truyền lại. Nay thì chuyện doanh nhân (hay vợ doanh nhân) mua một vài chiếc đồng hồ có giá 500.000 - 600.000 USD/chiếc không còn là chuyện lạ.

Dân chơi đồng hồ thường thích qua lại các cửa hàng bán đồng hồ, đôi khi chỉ để trò chuyện với chủ tiệm. Theo T, một tay chơi đồng hồ có tiếng của đất Sài Gòn thì thực chất đó là quá trình tương tác thu thập và trao đổi kiến thức, do những tài liệu về đồng hồ ở Việt Nam khá hiếm.

Người chơi đồng hồ thường sở hữu từ vài đến vài trăm sản phẩm. Công việc mỗi sáng từ lúc 5 giờ của anh L.C ở quận 5 (Sài Gòn) là lần lượt mở hơn 400 chiếc hộp đựng đồng hồ các loại, khe khẽ phủi bụi bằng chiếc chổi lông đặc biệt, chậm rãi lên giây và... lắng nghe, mặc dù chiếc tủ đồng hồ đồ sộ của anh đã được lắp điều hoà và máy hút ẩm chuyên dụng. Dường như tiếng vọng thời gian có sức hút huyền bí và mạnh mẽ với những người đã trót đam mê đồng hồ.

Nguồn Sài Gòn tiếp thị


Sự kiện