Năm 1504, Christopher Columbus đã trở về Tây Ban Nha sau chuyến hải trình vĩ đại đến Châu Mỹ và mang về một món ăn khác thường – hạt ca cao. Loại cây trồng khác thường này cùng với loại đồ uống chế biến từ chúng không giống bất cứ loại đồ uống nào đã từng hiện diện tại châu Âu.
Hạt ca cao chính là nguyên liệu để sản xuất ra sô cô la, một loại thực phẩm quen thuộc trong thời đại ngày này. Nhưng thời gian đầu sau khi du nhập vào châu Âu, nó vẫn chỉ là một loại đồ uống có vị đắng - giống như cách người bản địa châu Mỹ đã sử dụng từ hàng nghìn năm trước công nguyên. Người Aztec và người Maya cổ đại đã khám phá ra tinh hoa từ cây ca cao và tin rằng chúng sẽ đem lại cho con người sức mạnh và sự sáng suốt.
Ban đầu, món giải khát này không được người Tây Ban Nha ưa chuộng vì nó quá đắng và nó chỉ được biết đến chủ yếu trong phạm vi Tây Ban Nha. mãi cho đến năm 1615, khi con gái vua Philip III kết hôn với vua Louis XII, sô cô la mới được biết đến tại Pháp. Nó đã trở thành mốt thời thượng đối với tầng lớp quý tộc Paris và sau đó được giới quý tộc khắp châu Âu biết đến, bao gồm cả Thụy Sĩ.
Đến đầu những năm 1800, công nghệ chế biến sô côla mới thực sự phát triển. Một trong những người đặt nền móng quan trọng của ngành công nghiệp sô cô la là nhà hóa học Hà Lan Van Houten. Ông đã phát minh ra phương pháp làm giảm vị đắng của ca cao nhờ sử dụng muối kiềm. Sau đó là phát minh ra máy ép để loại bỏ khoảng một nửa chất béo tự nhiên (bơ ca cao) từ hỗn hợp sô cô la lỏng; giúp cho việc sản xuất sô cô la rẻ hơn và chất lượng đồng nhất hơn.
Những thỏi sô cô la rắn đầu tiên hầu như không có vị sữa. Rất có thể Daniel Peter, một người Thụy Sĩ, chính là người đầu tiên tạo ra sô cô la sữa vào thập niên 1870; nhưng công ty Jordan & Timacus lại khẳng định họ phát minh ra sản phẩm này trước. Tuy tên tuổi của người phát minh vẫn chưa thực sự sáng tỏ nhưng không thể chối cái được rằng sô cô la sữa chỉ thật sự lột xác khi người Thụy Sĩ đặt lên đó biểu tượng các ngọn núi của họ, với những căn nhà gỗ và dòng sữa ngọt ngào từ dãy Alps, khiến khách hàng không thể cưỡng lại.
Ngành sản xuất sô cô la tại Thụy Sĩ đã biến những thành công trong nước thành lợi thế so sánh về giá cả, chất lượng cũng như những đổi mới trong phương pháp sản xuất, dù họ có chủ đích hay không.
Tuy nhiên, mãi đến sau này, họ mới thật sự tạo nên bước đột phá nhờ làn sóng du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về Thụy Sĩ vào cuối thế kỷ XIX khi quốc gia này trở thành điểm đến lý tưởng của giới thượng lưu toàn cầu. Khách du lịch đã bị chinh phục bởi sô cô la Thụy Sĩ và danh tiếng của sản phẩm này lại càng lan rộng khi họ trở về quê nhà.
Các thương hiệu hàng đầu của sô cô la Thụy Sĩ gồm có Cailler, Suchard, Villars, Favarger, Spruengli, Lindt… Do những thăng trầm của lịch sử nên các thương hiệu này hầu như không tồn tại độc lập mà hầu hết đều thuộc sở hữu của những tập đoàn thực phẩm lớn. Cailler thuộc sở hữu của Nestle còn Suchard thì thuộc Kraft Foods.
Ngày nay, người Thụy Sĩ tiêu thụ khoảng một nửa lượng sô cô la mà họ sản xuất, giữ ngôi quán quân về tiêu thụ sô cô la bình quân đầu người.