Cuộc chiến thương hiệu - Sáng tạo hay là chết?
Sau cuốn Truyền thông theo phong cách Win – Win (NXB Hà Nội, ra mắt năm 2020), tác giả Phạm Sông Thu tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách thứ hai mang tên Cuộc chiến thương hiệu – Sáng tạo hay chịu chết? do NXB Đà Nẵng in ấn, phát hành vào tháng 4/2022.
Cuộc chiến thương hiệu - Sáng tạo hay chịu chết? gồm 15 chương, tổng hợp những câu chuyện và bài học được đúc kết từ các vụ cạnh tranh và khủng hoảng truyền thông của hàng trăm thương hiệu trong và ngoài nước.
Giao lưu ra mắt sách tại TP.HCM. |
Cuốn sách hệ thống hoá các sự vụ liên quan đến truyền thông thương hiệu của doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Đó không chỉ là những sự vụ nóng hổi xảy ra trong một, hai năm trở lại mà xa hơn từ 10-20 năm trước cho thấy bức tranh khá toàn diện về cách quản trị truyền thông và xây dựng thương hiệu tại Việt Nam. Ở đó, các sự kiện khi kết nối với nhau sẽ cho người đọc cái nhìn toàn cảnh hơn và làm sáng tỏ nhiều bài học quý giá trong quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là bộ phận quan hệ công chúng.
Bối cảnh mạng xã hội và bùng nổ internet khiến thương hiệu của doanh nghiệp trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Không chỉ những doanh nghiệp nhỏ mới dễ dàng bị truyền thông quật ngã, mà ngay cả những doanh nghiệp lớn, những tập đoàn đa quốc gia cũng có thể "chết" vì vài thông tin trên mạng xã hội.
Như vậy, những nguyên tắc quản trị có tính chất toàn cầu của những tập đoàn đa quốc gia có phù hợp với mô hình doanh nghiệp Việt Nam? Trong khủng hoảng truyền thông, cần có những phản ứng kịp thời nào? Quản lý truyền thông mạng xã hội và truyền thông báo chí có thể kết hợp? Sau cùng, mô hình quản trị khủng hoảng nào sẽ hữu ích cho doanh nghiệp?...
Những câu hỏi này phần nào sẽ được trả lời bằng những ví dụ thực tiễn đã xảy ra. Tácgiả là người có nhiều kinh nghiệm trong cả hai lĩnh vực báo chí và truyền thông doanh nghiệp lớn nên có cái nhìn đa chiều, cả về dữ liệu báo chí lẫn học thuật quản trị thương hiệu.
Những cuộc khủng hoảng của doanh nghiệp, khởi phát từ những cuộc khủng hoảng truyền thông, xảy ra trong 2 thập niên qua tại thị trường trong và ngoài nước, lần lượt được “kể lại” với những nhìn nhận, phân tích của “người trong cuộc”. Tính chất “người trong cuộc” sẽ làm những câu chuyện thương hiệu hấp dẫn hơn, chân thực và có những thông tin “ngoài mặt báo” trong rất nhiều cuộc khủng hoảng đã diễn ra.
Tác giả Phạm Sông Thu mong muốn cuốn sách tiếp cận được sinh viên đang theo học ngành truyền thông, quan hệ công chúng. Bởi vì, theo anh quan sát, thị trường xuất bản hiện không thiếu sách về truyền thông nhưng nội dung đa phần là lý thuyết, kiến thức tổng quát mang tính lý luận.
“Sinh viên hiện tại với việc tiếp cận nhanh nhạy xu hướng và công nghệ thông tin tân thời, họ cần nguồn tư liệu thực tế, những ví dụ sinh động, ngắn gọn nhưng cho thấy tính cốt lõi của vấn đề. Cuốn sách của tôi không phải là tài liệu duy nhất hay hay nhất, chúng đơn thuần là việc tôi chia sẻ trải nghiệm của chính mình trong nghề để sinh viên nói riêng và những bạn trẻ theo ngành truyền thông nói chung rút ngắn khoảng cách từ lý thuyết tại trường đến thực tiễn doanh nghiệp”, tác giả chia sẻ.
Mặc dù vậy, Cuộc chiến thương hiệu – Sáng tạo hay chịu chết? cóthể trở thành cuốn cẩm nang dành cho những người quản trị thương hiệu, truyền thông của doanh nghiệp.
Tác giả Phạm Sông Thu cho biết toàn bộ nhuận bút tác quyền và thù lao các buổi chia sẻ trong thời gian sau khi sách ra mắt sẽ được dành tặng cho trẻ em mồ côi vì COVID-19. Phạm Sông Thu bút danh Thu Giang, Phạm Tấn từng công tác tại báo Người Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng, Khám Phá...; Thư ký toà soạn Tạp chí Golf & Life; đồng sáng lập Tuần báo Nguồn Việc; chủ biên Tạp chí Golf & Resort, Golf & VIP, Golf & Travel; công tác tại Ban Truyền thông Tập đoàn VinGroup (2009-2019). Hiện tác giả đang công tác tại Tập đoàn NovaGroup (từ năm 2019 đến nay).
Ngoài Truyền thông theo phong cách Win – Win đã xuất bản, tác giả Phạm Sông Thu đang hoàn thiện bản thảo Sông Thu du ký (thể loại ký du lịch).