Thứ Tư | 11/12/2013 19:50

Thuật lãnh đạo của Nelson Mandela

Làm sao thuyết phục người khác làm điều mình muốn và khiến cho họ nghĩ rằng đó chính là ý kiến của họ?

Cuối tuần qua, tin buồn về sự ra đi vị cựu Tổng thống Nam Phi đã lan truyền đến khắp mọi nơi trên thế giới. Sinh năm 1918, thọ 95 tuổi, Nelson Mandela đã trải qua thời gian dài đấu tranh để chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc (Apartheid) tại Nam Phi. Vì những hoạt động này, ông đã bị kết án tù chung thân và từng phải chịu giam cầm trong suốt 27 năm tại những nhà tù khắc nghiệt nhất.

Sau khi được trả tự do vào năm 1990, Mandela cùng với Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử đa đảng và đa chủng tộc đầu tiên năm 1994 để trở thành Tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử Nam Phi. Đâu là bí quyết của ông?

Can đảm

Chuyện kể rằng, khi đang vận động tranh cử Tổng thống vào năm 1994, Mandela di chuyển trên một chiếc phi cơ cánh quạt nhỏ đến thăm tỉnh Natal. Khi máy bay còn cách phi trường khoảng 20 phút thì một động cơ bị hỏng. Vài người trên phi cơ bắt đầu hoảng hốt, nhưng điều duy nhất giúp họ giữ được bình tĩnh chính là cử chỉ của Mandela: ông vẫn thản nhiên và yên lặng đọc báo. May mắn thay, phi trường đã chuẩn bị cho máy bay đáp khẩn cấp và mọi người đều được an toàn. Khi Mandela ngồi vào băng ghế sau của chiếc xe bọc thép chắn đạn để đi đến chỗ họp, ông mới quay sang nói với người thân cận: “Chúa ơi, tôi sợ phát khiếp lên được khi máy bay bị hỏng động cơ trên không.”

Trong thời gian hoạt động bí mật, Mandela cũng có nhiều phen sợ hãi, như khi ông bị người da trắng xét xử hay thời kỳ 27 năm bị giam giữ tại nhà tù trên đảo Robben. Với ông, chỉ có những kẻ mất trí mới không biết sợ mà thôi. Nhưng là một nhà lãnh đạo, ông không thể để cho mọi người biết được điều này. Ở trên đảo Robben, những tù nhân bị giam chung với Mandela nói rằng chỉ cần nhìn thấy ông bước quanh sân trại, ngực ưỡn thẳng đầy kiêu hãnh cũng đủ để giúp cho họ có thêm sức sống.

Đi cùng hậu phương

Năm 1985, Mandela phải vào viện để giải phẫu vì bệnh. Khi trở lại nhà tù, ông bị giam riêng không cho ở cùng các bạn tù đã ở với ông trong suốt hơn 20 năm nữa. Họ phản đối trại giam về lệnh phân cách này, nhưng Mandela đã nói với bạn tù rằng: “Các bạn cứ từ từ, biết đâu trong việc này lại chẳng có điều hay.”

Điều hay xảy đến chính là việc Mandela tự ý đàm phán với chính phủ Apartheid. Khi đó, rất nhiều người nghĩ rằng ông đã chấp nhận thua cuộc. Vì vậy, ông đã phải thuyết phục ANC rằng con đường mình chọn là con đường đúng đắn. Mandela đi đến gặp từng đồng chí, những người cùng bị giam trong tù, để giải thích và thuyết phục họ về con đường mới. Với ông, nhà lãnh đạo chân chính phải là người mang được hậu phương cùng tiến lên chứ không phải là lãnh đạo kiểu “kẹo cao su” nhai xong rồi bỏ.

Chăn từ phía sau

Mandela rất thích hồi tưởng lại thời thơ ấu với những buổi chiều chăn trâu nhàn hạ. Ông thường nói: “Bạn biết không, chăn trâu bạn phải chăn từ phía sau đàn.” Khi còn là một đứa trẻ, Mandela chịu ảnh hưởng sâu đậm của Jonginbata, vị vua của bộ tộc Xhosa và là người đã nuôi dưỡng ông khôn lớn. Khi Jonginbata thiết triều, quần thần tụ tập thành vòng tròn xung quanh, và chỉ sau khi mọi người đã phát biểu, nhà vua mới bắt đầu lên tiếng. Mandela nói, công việc của nhà lãnh đạo không phải là bảo người ta làm gì mà là để tạo được sự đồng thuận. Mandela nói: “Điều khôn ngoan là làm sao thuyết phục người khác làm điều mình muốn và khiến cho họ nghĩ rằng đó chính là ý kiến của họ.”

Hiểu rõ đối phương

Từ những năm 1960, Mandela đã bắt đầu học tiếng Afrikaans, ngôn ngữ của người Phi da trắng (Afrikaner) đã tạo ra chế độ phân biệt chủng tộc. Đồng chí của Mandela trong ANC vẫn thường chế giễu ông về điều này, nhưng ông muốn tìm hiểu quan niệm và triết lý sống của người Phi da trắng vì biết rằng sẽ có một ngày phải đấu tranh hoặc đàm phán với họ, và ở trường hợp nào đi nữa thì định mệnh của cả hai cũng đều dính liền với nhau. Nhờ chịu khó tìm hiểu mà Mandela biết rằng chính những người da trắng Afrikaner cũng là nạn nhân của thành kiến chủng tộc từ chính quyền Anh và những di dân từ châu Âu.

Việc học tiếng Afrikaans đối với Mandela còn giúp ông cũng thu phục được cảm tình của đối phương. Từ những tay lính gác tù cho tới Tổng thống chế độ Apartheid đều nể phục Mandela về sự tự nguyện học tiếng Afrikaans và lịch sử của người da trắng Afrikaner.

Giữ bạn bè ở gần và đối phương gần hơn

Lúc bị giam trên đảo Robben, có một người rất thân cận Nelson Mandela là Chris Hani, tham mưu trưởng của ANC. Có nhiều người cho rằng Hani đang âm mưu hạ bệ Mandela, nhưng ông vẫn rất thân mật với Hani. Và cũng chẳng phải chỉ có Hani mà thôi, có rất nhiều người khác được xem là đối nghịch với Mandela, nhưng ông vẫn gọi điện thoại gọi chúc mừng sinh nhật của họ. Khi ra khỏi tù, tiếng tăm của Mandela càng nổi hơn khi ông đến thăm cả những nhà cầm quyền đã giam mình và mời họ tham gia vào nội các mới. Ông tin rằng ôm lấy đối phương là một cách để chế ngự họ, và để họ ở ngoài tầm ảnh hưởng của mình còn nguy hiểm hơn nhiều.

Chấp nhận bỏ cuộc

Trong lịch sử châu Phi, chỉ có số ít những nhà lãnh đạo được dân bầu là chịu đi xuống khi hết nhiệm kỳ. Mandela cương quyết sẽ tạo ra tiền lệ cho những người đi sau, không phải chỉ ở Nam Phi mà còn trên khắp cả châu lục. Ông là người đã khai sinh ra đất nước nhưng từ chối nắm giữ đất nước làm con tin của mình. Nhiệm vụ của Mandela là vạch ra con đường chứ không phải là người lèo lái con tàu. Đối với ông, những việc mà người lãnh tụ quyết định không làm cũng đã thể hiện sự lãnh đạo.

Nói một cách ngắn gọn, bí quyết của Mandela nằm ở 27 năm ông chịu cảnh tù đày. Người thanh niên bước chân lên đảo Robben năm 1964 là một người đầy tình cảm, bướng bỉnh và dễ dàng nổi nóng. Người đàn ông bước ra khỏi nhà tù là một người trầm tĩnh và biết kiềm chế bản thân. Mandela từng nói: “Khi bước ra, tôi đã trưởng thành. Không có điều gì hiếm hoi và quý báu cho bằng một người đàn ông trưởng thành”.

Nguồn Nhịp cầu đầu tư


Sự kiện