Thứ Năm | 19/06/2014 14:59

Somaly Mam: Sự thật về vị thánh sống chống nạn nô lệ tình dục

Những tiết lộ rúng động về hình tượng "nữ anh hùng" chống nạn buôn người và buôn bán nô lệ tình dục Somaly Mam khiến cô phải từ chức và quỹ từ thiện mang tên Mam phải đổi tên.
Somaly Mam
Somaly Mam trên trang bìa Newsweek.

Nằm bên bờ sông Mekong, ngôi làng Thloc Chhroy giống như bất kỳ ngôi làng nông thôn khác ở Campuchia. Những cây xoài đang vào mùa trĩu quả, ngư dân trong làng ôm lưới đánh cá, người già ngả lưng trên võng và vài trẻ em chạy xe máy trên đường làng là cảnh thường thấy ở đây.

Tuy vậy, Thloc Chhroy không phải là ngôi làng bình thường. Thi thoảng, một chiếc xe bốn bánh bóng lộn xuất hiện và đỗ ngay tại trại của tổ chức từ thiện AFESIP (Agir Pour Les Femmes en Situation Précaire - Cứu trợ nữ giới thoát hiểm nguy). Bên trong xe, người ta thấy lúc là một quan lớn trong chính phủ, lúc là một nhà báo cao lớn hoặc thậm chí là một minh tinh điện ảnh nước Mỹ. Tất cả họ đến đây để gặp chủ tịch kiêm đồng sáng lập của AFESIP, cô Somaly Mam, một người được cả đất nước Campuchia và thế giới tôn sùng là biểu tượng của nhân quyền quốc tế.

Là một trong những nhà hoạt động nhân quyền hàng đầu thế giới, cô Mam là một phụ nữ dũng cảm và xinh đẹp, được nhiều nhân vật quyền lực trên thế giới ủng hộ và ca ngợi. Cựu Ngoại trưởng Mỹ bà Hillary Clinton, các nữ diễn viên tên tuổi như Meg Ryan, Susan Sarandon, Shay Mitchell và nhà báo 2 lần đoạt giải Pulitzer của nhật báo New York Times, Nicholas Kristof, là những người từng đến thăm trung tâm AFESIP. Nữ hoàng Tây Ban Nha Sofia đã cổ động cho chương trình của Mam trong nhiều năm, thậm chí từng đến thăm Mam khi cô bị bệnh.

Ngay cả Brandee Barker, người được New York Times mô tả là cố vấn hàng đầu trong giới start-up toàn cầu, cũng là một thành viên thuộc hội đồng lãnh đạo của quỹ từ thiện Somaly Mam Foundation (SMF). Sheryl Sandberg, nữ giám đốc kinh doanh của Facebook, cũng là cố vấn của hội đồng này.

Somaly Mam đã thu hút đầu tư cho SMF từ rất nhiều phía trên toàn cầu và giới siêu giàu, kể cả người đứng đầu Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và Giáo Hoàng. Công chúng sẽ thấy cô Mam ngày hôm nay đọc diễn văn ở Nhà Trắng, và ngày hôm sau cô xuất hiện với trẻ em ở một vùng hẻo lánh của Campuchia.

Cô Mam khẳng định đã cứu thoát hàng nghìn thiếu nữ và phụ nữ khỏi nạn buôn bán nô lệ tình dục. Chuyện về Mam còn tiếp lửa cho hàng trăm ngàn người đang đấu tranh cho nhân quyền quốc tế khi họ biết cô Mam từng là nạn nhân của nạn nô lệ tình dục. Năm 2005, Mam xuất bản tự truyện "The Road of Lost Innocence" (Con đường đánh mất sự ngây thơ), cuốn sách mà ngay sau đó trở thành best-seller toàn cầu.

Somaly Mam trở thành người hùng của phụ nữ Campuchia, lọt vào danh sách 100 người ảnh hưởng nhất hành tinh năm 2009 theo bình chọn của tạp chí Time và được hàng trăm nghìn người trên mạng xã hội bày tỏ ủng hộ.

Mam gặt hái được rất nhiều thành quả phi thường, nhưng chuyện của Mam có phần nào dối trá? Tờ Newsweek mới đây đăng tải bài viết về những câu chuyện gây bất ngờ về Somaly Mam, những chuyện khác hẳn với chuyện cô kể tại tiệc cocktail ở Manhattan, đồi Beverly Hills hay trong chương trình của cựu siêu mẫu Tyra Banks.

Về tự truyện ""

Trong năm 2011, Somaly Mam đối thoại cùng nữ tỷ phú Sandberg trong hội nghị dành cho những phụ nữ quyền lực nhất thế giới của tạp chí Forbes về động lực khiến Mam tham gia cuộc chiến chống nạn nô lệ tình dục. "Tôi từng bị một người đàn ông tự xưng là "ông nội" bán vào nhà chứa. Tôi ở trong nhà chứa đó khoảng 10 năm. Tất cả chúng tôi ngồi trên sàn, bị chủ nhà chứa sai khiến và buộc phải làm những gì ông ta muốn. Nhưng, có một cô gái chống cự lại mệnh lệnh đó và bị giết ngay tức khắc. Đó chính là ngày tôi thoát khỏi nhà chứa".

Tờ Newsweek xúc tiến chuỗi hoạt động phục vụ bài điều tra về Somaly Mam từ năm 2012, nhưng bị cô từ chối vô số lần. Mam nhắc đi nhắc lại rằng cô trở thành nạn nhân của các hoạt động lạm dụng tình dục từ năm 1979.

Trong tự truyện, Mam kể về quá trình "ông nội" biến một thiếu nữ thành nô lệ tình dục một cách chi tiết. "Ông nội" cờ bạc say xỉn và khi trở về nhà, ông bắt đầu đánh đạp hành hạ cô. Ông bán cô cho một thương nhân Trung Quốc khi cô mới 14 tuổi; ép cô phải kết hôn với một gã lính thô lỗ và sau cùng, bán cô vào một nhà thổ ở Phnom Penh. May mắn thay, vài năm sau đó, chủ nhà chứa đã đồng ý cho Mam một số thời gian tự do nhất định, tự truyện của Mam trích dẫn.

Bấy giờ, Mam vẫn làm việc trong nhà thổ, nhưng đôi khi cô được tiếp xúc với vài người nước ngoài làm việc tại một số tổ chức nhân quyền. "Đây chính là những lần khiến tôi thay đổi nhận thức về cuộc sống và thuyết phục tôi rời bỏ giới mại dâm mãi mãi", Mam kể. Năm 1991 Mam gặp một người Pháp tên Pierre Legros, họ cưới nhau và chuyển đến Pháp hồi đầu thập niên 1990.

Năm 1994, hai vợ chồng trở lại Campuchia. Khi đó Legros làm việc cho tổ chức Doctors Without Border, trong khi Mam làm tình nguyện viên tại một phòng khám dành cho bệnh nhân mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Campuchia những năm này phải hứng chịu nạn buôn bán nô lệ tình dục với tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một thời gian sau, Mam cùng chồng và một người bạn thành lập quỹ từ thiện phi chính phủ AFESIP nhằm giúp đỡ trẻ mồ côi Campuchia. Truyền thông bắt đầu quan tâm tới Somaly Mam. Quốc tế vinh danh Mam bằng cách trao cho cô giải thưởng giải Hoàng tử Asturias năm 1998.

Mam trở nên nổi tiếng và AFESIP mở rộng hoạt động tới Lào, Thái Lan, Việt Nam, Pháp, Thụy Sĩ...Legros cho rằng Mam phải làm việc với giới truyền thông nhiều hơn nữa nếu họ muốn đưa tham vọng của bản thân thành hiện thực. "Chúng tôi hiểu chuyện xuất hiện trên TV chỉ là một sớm một chiều. Anh nổi tiếng rồi anh biến mất. Tôi luôn nói với Somaly rằng, sau mấy chương trình phát sóng đó, việc cần làm nhất là hãy viết một cuốn sách".

Legros hồi tưởng về một đại diện của một nhà xuất bản tại Paris đã khóc hết nước mắt khi nghe chuyện của Mam. Cuốn tự truyện của cô xuất bản và ấn hành tại Pháp năm 2005, tại Mỹ 3 năm sau đó. Dần dà, The Road of Lost Innocence được dịch sang tiếng Nhật, Thụy Sĩ và cả chục thứ tiếng khác.

Một năm sau, tổ chức từ thiện mang tên cô - Somaly Mam Foundation (SMF) ra đời. Những năm liên tiếp sau đó, Mam và SMF liên tục giành được nhiều thành tựu lớn, được hỗ trợ nhiều tiền hơn. Mam trở thành siêu sao và biểu tượng toàn cầu về nhân quyền. Tuy vậy, Mam luôn khẳng định cuộc sống thực của mình thuộc về trẻ em và những cô gái ở Phnom Penh.

Somaly Mam tại tổ chức từ thiện AFESIP ở tỉnh Kompong Cham, Campuchia.
Somaly Mam tại tổ chức từ thiện AFESIP ở tỉnh Kompong Cham, Campuchia.

Màn trình diễn cảm động

Thế giới ghi nhận nhiều công lao của Mam với những cô gái từng là nạn nhân của hoạt động buôn bán nô lệ tình dục. Và ít ai cũng phủ nhận những nạn nhân này đóng vai trò chủ đạo trong những câu chuyện gây shock của Mam.

Năm 2009, nhà báo nổi tiếng của New York Times, Nicholas Kristof viết về một cô gái là nạn nhân của nạn buôn bán nô lệ tình dục có tên là Long Pross. Ông Kristof viết, một phụ nữ bắt cóc Pross và bán cô cho nhà thổ, nơi cô bị đánh đập, tra tấn bằng dây điện, bị ép phải phá thai và bị bọn chủ nhà chứa dùng dây kim loại móc một bên mắt.

"Pross được Mam cứu thoát và trở thành một trong những thành viên tích cực nhất trong tổ chức chống nạn nô lệ tình dục của Mam". Pross còn xuất hiện trong chương trình của nữ hoàng truyền hình Oprah và xuất hiện trong loạt bài viết gây rúng động có tên Half the Sky. "Tin hay không tùy bạn, khi tôi trở về nhà, cha mẹ tôi còn không muốn tôi ở cạnh họ. Họ cho rằng tôi không phải là người tốt", Pross nói trong bài viết Half the Sky.

Song, trên thực tế, gia đình, hàng xóm và cả bệnh án của Pross lại đưa ra câu chuyện khác hẳn. Bác sĩ Pok Thorn cho biết ông mổ u mắt phải cho Pross khi cô 13 tuổi. Cả ảnh trong bệnh án cũng cho thấy rõ mắt của cô gái trẻ này trước và sau ca mổ.

Một "ngôi sao" khác trong liên quan tới chuyện của Mam là Meas Ratha. Cô gái này xuất hiện trong bộ phim tài liệu chiếu truyền hình Pháp năm 1998, kể chuyện cô trở thành gái điếm và nô lệ tình dục. Song, cuối năm ngoái, Ratha cuối cùng cũng thú nhận rằng chuyện của cô là bịa đặt và Mam là người đứng sau mọi "chuyện kể trên truyền hình" của Ratha. Hiện tại, Ratha, hơn 30 tuổi, đang sống tại vùng ngoại ô ở Phnom Penh. Người phụ nữ này miễn cưỡng làm theo lời Somaly vì "Somaly nói....nếu tôi muốn giúp những phụ nữ khác thì tôi phải thực hiện tốt vai trò của mình trong các cuộc phỏng vấn đó".

Trên thực tế, cả Pross và Ratha chưa từng và chưa bao giờ là nạn nhân của nạn buôn bán nô lệ tình dục. Ratha và em gái cô phải chuyển đến sống ở tổ chức AFESIP vì bố mẹ cô không nuôi nổi gia đình có 7 đứa con.

Ảnh 3: Somaly Mam trên đường đến Koh Kong từ Phnom Penh. Đây là vùng đất mà rất nhiều phụ nữ Campuchia bị ép bán dâm hoặc lừa bán vào các đường dây nô lệ tình dục.
Somaly Mam trên đường đến Koh Kong từ Phnom Penh. Đây là vùng đất mà rất nhiều phụ nữ Campuchia bị ép bán dâm hoặc lừa bán vào các đường dây nô lệ tình dục.

Những "nẻo đường" không khớp nhau
Trong các buổi phỏng vấn với người thân, giáo viên và giới chức địa phương tại ngôi làng Somaly Mam lớn lên, Newsweek thu được kết quả hoàn toàn khác với những được viết trong tự truyện của cô. Nhiều dân làng Thloc Chhroy nói họ chưa bao giờ gặp hoặc thấy "ông nội" độc ác của Mam, nhân vật thương gia người Trung Quốc từng cưỡng hiếp cô hay người lính cộc cằn mà cô bị ép cưới.

Ông Orn Hok, cựu chủ tịch xã nhớ rất rõ những ngày Mam đến làng Thloc Chhroy cùng cha mẹ cô, ông nói "Somaly đến đây cùng cha mẹ con bé. Nó là con gái của Mam Khon và Pen Navy". Ngay cả một người dì 70 tuổi của Mam cũng phủ nhận chuyện Mam được nhận nuôi bởi "ông nội".

Ông Thou Soy, hiệu trưởng trường Khchao ở làng Thloc Chhoy nhớ rất rõ rằng Mam học phổ thông khóa 1981-1987. Khi đó, Mam là cô bé xinh đẹp, tóc tết đuôi sam và khá nổi tiếng trong trường và làng mình.

Quay trở về năm 2012, trong một bài diễn văn tại Nhà Trắng, bà Mam nói bà bị bán làm nô lệ khi mới được 9 hoặc 10 tuổi, sau đó sống trong nhà thổ cả chục năm. Riêng trong chương trình Tyra Banks, Mam lại nói mình vào nhà chứa lúc 4 hoặc 5 tuổi. Trong tự truyện của mình, Mam viết số tuổi này là "khoảng 16 tuổi".

Năm 2012, Mam từng thú nhận đã bịa chuyện khi nói trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng 8 cô gái trẻ mà cô giải cứu từ nhà thổ bị quân đội Campuchia sát hại hồi năm 2004. Cô kể trên tạp chí Glamour và báo The New York Times rằng những kẻ buôn người bắt cóc con gái 14 tuổi của cô và gửi đoạn băng ghi hình cô bé bị cưỡng dâm tập thể tới cô để trả đũa những nỗ lực nhân đạo của cô. Tuy nhiên các nhà hoạt động, cảnh sát Campuchia, quan chức Liên Hiệp Quốc và cả nhân viên tổ chức AFESIP đều bác bỏ thông tin này. Cựu cố vấn của AFESIP và chồng bà Mam tiết lộ, thực ra con gái của Mam bỏ trốn khỏi nhà cùng bạn trai.

Ông Legros chia tay bà Mam từ năm 2004, hiện tại không có quyền bảo trợ con chung của ông và bà Mam tại Campuchia. Ông cho biết mình không ngạc nhiên về tự truyện thiếu chân thực của bà Mam.

Somaly Mam được nhiều công chúng Campuchia và thế giới được xem như một "vị thánh" có công lớn trong lĩnh vực nhân quyền. Nhiếp ảnh gia thời trang Norman Jean Roy, người thực hiện bộ ảnh năm 2008 có sự tham gia của Mam và cô gái Long Pross, từng nói "Một trong những thứ có một không hai ở Mam là cô ấy có tất cả những gì người ta định nghĩa về "một vị thánh" khi Mam bước vào khán phòng hay bước đi cạnh lũ trẻ".

Tuy vậy, đồng nghiệp và cộng sự của Mam tại Campuchia nói rằng "bà Mam" trên truyền thông khác hoàn toàn so với "bà Mam" ở Pnom Penh. "Mam là một phụ nữ khá xinh đẹp và quyến rũ. Có lần tôi còn thấy Mam kêu vài cô bé trông đồ cá nhân cho mình", một chuyên gia tâm lý tại AFESIP nói khi cô làm tình nguyện viên ở đây hồi năm 2011.

Ảnh4: Somaly Mam tại tiệc Gala "Life is Love" của tổ chức Somaly Mam Foundation tại New York, tháng 10/2013.
Somaly Mam tại tiệc Gala "Life is Love" của tổ chức Somaly Mam Foundation tại New York, tháng 10/2013.

Kéo màn che sự việc

Chuyện thu hút quỹ dựa trên những phương pháp có thể chấp nhận được trong lĩnh vực phi lợi nhuận hiện tại là đề tài trọng tâm nhất trong chuyện lùm xùm quanh bà Somaly Mam. Sử dụng yếu tố trẻ em trong việc gây quỹ từ lâu đã bị cấm. Những chuyên gia trong nạn nô lệ tình dục cho rằng, tuy đây luôn là vấn đề nghiêm trọng, nhưng quy mô và thực trạng của nạn nô lệ tình dục Campuchia đang bị bóp méo bởi những câu chuyện của Mam và những cô gái bịa chuyện theo Mam.

Vài nghiên cứu của giáo sư Thomas Steinfatt thuộc trường Đại học Miami trong khuôn khổ Dự án Liên Hiệp Quốc hợp tác hành động chống nạn buôn người (UN-ACT), cho thấy có khoảng hơn 1.058 nạn nhân của nạn buôn người tại Campuchia; Tình trạng buôn người đang trở nên đặc biệt nghiêm trọng hơn kể từ năm 2008. Cũng theo báo cáo này, số trẻ em bán dâm hoặc tham gia các hoạt động mại dâm là 127 đến 310.

Báo New York Times dẫn lời các nhà hoạt động nhân quyền tại Campuchia khẳng định những dối trá trong câu chuyện của Somaly Mam là một phần trong thủ đoạn thu hút tiền từ thiện ở nước ngoài vào Campuchia. Trên thực tế, những năm qua các trại trẻ mồ côi mọc lên như nấm tại Campuchia dù số lượng trẻ mồ côi giảm đi. Một báo cáo điều tra của Liên Hiệp Quốc khẳng định các trại trẻ này tuyển dụng trẻ em có cha mẹ đàng hoàng của các gia đình nghèo để lừa tiền cứu trợ của nước ngoài.

Tháng trước, Somaly Mam vừa xin rút lui khỏi tổ chức từ thiện mang tên cô. Trong một thông báo được đưa ra thứ 6 tuần trước (13/6), giám đốc điều hành của Somaly Mam Foundation là Gina Reiss-Wilchins cho biết tổ chức này “đang làm việc không ngừng nghỉ để tìm ra giải pháp tốt nhất’.

Theo thông cáo này, SMF khẳng định tổ chức này đã giúp đỡ được 100.000 nữ giới thoát khỏi nạn buôn người. Họ nhấn mạnh "Chúng tôi cần phải làm nhiều việc quan trọng. Cam kết đấu tranh cho phụ nữ và nhân quyền chắc chắn sẽ không bị lung lay".

Nhà báo Nicholas Kristof khẳng định vụ việc Somaly Mam sẽ có tác động tích cực tới cuộc chiến chống nạn buôn người ở Campuchia. "Bây giờ tôi ước mình đã không bao giờ viết về Somaly Mam", ông viết trên blog cá nhân trong cuối tuần qua.

Nguồn GAFIN/DVO


Sự kiện